- Anh xan ước nên yêu thêm đất nước
R ộng ơi! Biển cả [Quang Dũng Không đề, 180, tr.157]
2.4.3 Biện pháp im lặng, bỏ lửng gợi sự chú ý của độc giả
Trong các hình thức ngữ pháp hướng đến sự tác động, im lặng là một hình thức "ôn hòa" nhất. Bởi vì, khi sử dụng nghệ thuật im lặng, nhà thơ thường có xu hướng tác động đến tình cảm, cảm xúc của độc giả với những cung bậc nhẹ nhàng, tinh tế, gợi cảm hơn là bày tỏ một điều gì đó lớn lao, dữ dội. Nếu các hình thức thi pháp khác có hướng tác động mạnh mẽ, như sóng, như gió cuốn người ta theo, thì im lặng là ngọn gió hiền hòa, là ngọn sóng lăn tăn nhưng cũng đủ làm nao nao lòng người…
Im lặng là sự ngắt đứt câu nói (kể cả sự bỏ lửng không nói trọn, hoặc ngập ngừng tạo ra sự gián đoạn) thể hiện một xung đột tình cảm nào đó hoặc nhằm diễn đạt một ngụ ý nào đó như phản đối hoặc đồng tình. Trong giao tiếp, đôi lúc chúng ta gặp những tình huống người nói tự nhiên làm gián đoạn cuộc đối thoại bằng sự im lặng. Sự im lặng ấy lại tạo nên tình huống bất bình thường và thường ẩn chứa một thái độ. Người ta không muốn nói tiếp vì không muốn tiếp tục cuộc hội thoại, vì cảm thấy không cần thiết, hoặc vì rơi vào tình thế lúng túng khó trao lời, hoặc im lặng để chờ một diễn biến mới thay cho một câu đáp cần có… Biện pháp im lặng được xem là biện pháp tu từ ngữ nghĩa, còn gọi là ẩn ngữ hoặc tỉnh lược. Các nhà ngôn ngữ học cho rằng im lặng là một hành vi có chủ ý - nó thuộc phạm trù phương châm về cách thức trong giao tiếp. Nó có thể diễn đạt những nội dung ngữ nghĩa hoặc biểu thị những thái độ khác nhau đồng thời khiến người đối diện phải suy nghĩ về biểu hiện đó. Người ta phải tự tìm cái để lấp đầy khoảng trống mà người nói đã bỏ lửng, đã nói dở dang. Đinh Trọng Lạc cho rằng im lặng là một "phương thức biểu đạt bằng cách bỏ trống để người nghe (đọc) suy ra mà tự mình hiểu, không cần diễn đạt bằng lời"[71, tr.218].
Trong thơ ca, sự gián đoạn bằng cách im lặng có giá trị nghệ thuật nhất định, nó có khả năng tác động mạnh đến cảm xúc của độc giả. Nhà ngôn ngữ học R. Mihalla đã rất đề cao hiệu quả diễn đạt của biện pháp này: “Sự im lặng trở nên đích đáng, với tư cách là một hành vi” [154, tr.26]. Vì thật ra, trong khi diễn đạt, có nhiều lúc người ta không tiện nói "toạc móng heo" không phải vì muốn che giấu mà là muốn cho người nghe (người đọc) tựđoán, tự nhận thức ra vấn đề. Vì, bản thân vấn đềđang được đề cập có thể là những vấn đề nhạy cảm, tế nhị. Về hình thức cấu tạo, im lặng được ký hiệu bằng dấu chấm lửng (…), thường nằm ở cuối dòng thơ, cũng có khi xuất hiện ở giữa dòng. Vì vậy mà biện pháp im lặng còn được gọi là bỏ lửng. Thực tế văn học cho thấy, đã có những câu thơ tuyệt bút, những câu thơ "ám ảnh" lòng người bằng biện pháp này. Đại thi hào Nguyễn Du rất tinh tế trong việc diễn tả tâm trạng xao xuyến, bối rối của Thúy Kiều sau lần gặp Kim Trọng: "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e" [25, tr.42]. Nếu không bỏ lửng ý mà viết đầy đủ vào đấy thì phải là: đã thân thiết, đã gắn bó, đã ý hợp tâm đầu nhưng mặt ngoài vẫn còn e ngại, xấu hổ, lúng túng. Và nếu viết như vậy thì người đọc đâu thể nào cảm nhận được hết cái trạng thái lưu luyến, bâng khuâng của buổi bắt đầu yêu. Tâm trạng đó mà phải nói rõ ra thì sẽ vụng về. Điều đó cũng là một biểu hiện minh chứng cho năng lực sáng tạo của đại thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Khuyến trong "Khóc Dương Khuê" cũng đã từng bỏ lửng: “Bác Dương thôi đã thôi rồi…, Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta” [18, tr.499]. Câu thơ thứ nhất là sự kết hợp giữa biện pháp nói giảm, nói tránh và bỏ lửng. "Thôi đã thôi rồi", xét về nghĩa thực thì thật là mông lung, khó hiểu chính xác. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể này thì cái cách nói lửng lơ ấy lại có khả năng diễn đạt trọn vẹn nỗi nghẹn ngào tuyệt vọng của nhà thơ khi khóc bạn. Nó diễn tả đúng tâm trạng, lời lẽ của một người bạn già đang "chân tay rụng rời", sửng sốt trước hung tin: người bạn chí thân của mình đã mất. Nó có ý nghĩa hơn bất kỳ lời lẽ sướt mướt nào khác. Trong trường hợp này, biện pháp bỏ lửng biểu đạt cho thái độ bất lực, né tránh vì đau đớn.
Có nhiều những trường hợp nhà thơ sử dụng biện pháp im lặng tạo nên giá trị biểu cảm rất cao. Nó tác động mạnh đến suy nghĩ, cảm xúc của người đọc mà
trong trường hợp đó, nếu nói ra rõ ràng bằng lời nói cụ thể thì câu thơ sẽ bị giảm đi sức mạnh. Thông thường, có hai vị trí được bỏ lửng: giữa dòng thơ và cuối dòng thơ.
Khi đang diễn đạt một ý tưởng, một cảm xúc nào đó, đến giữa dòng thơ, bất chợt nhà thơ ngắt nửa chừng. Biểu hiện hình thức của nó là dấu chấm lửng, và đọc đến đó, người đọc bắt buột phải ngắt nhịp. Hiện tượng này tuy không phổ biến như các biện pháp nghệ thuật khác nhưng nó có giá trị nghệ thuật cao, có sức tác động lớn đối với cảm xúc của người đọc:
- Rồi... rồi chị nói sao đây?
Em ơi! Nói nhỏ câu này với em...[Nguyễn Bính - Lỡ bước sang ngang,7, tr.18]
Nó làm cho câu thơ gấp gãy, ý thơ bị khựng lại, và sự tiếp nối ở nửa dòng còn lại đôi khi cũng không làm "sáng tỏ" được ẩn ý trong dấu ngừng lặng nửa dòng ấy. Thật ra, im lặng tạm thời giữa dòng thơ là cách để nhà thơ tác động vào độc giả cảm xúc ngập ngừng, tinh tế, khó nói trọn vẹn cho đến cuối cùng. Nó tạo nên một cảm giác lửng lơ vì bất ngờ, vì chưa thỏa mãn cho người đọc. Trong những trường hợp đó, cảm xúc của nhà thơ cũng rất tinh tế, cũng rất khó mà nói cho rõ ràng, chuẩn xác, nên cái dấu chấm lửng lơ lửng ấy lại trở thành phương tiện hữu hiệu nhất để diễn đạt:
- Con xin ngắn lại đường gần
Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi...[Trúc Thông - Bờ sông vẫn gió, 182,tr.241]
- Vội vã vắt áo quần ướt mưa hơ lửa
Có một người… có một người nào nữa [Nguyễn Thụy Kha - Những giọt mưa đồng hành, 179, tr.354]
Vị trí chấm lửng giữa dòng thơ thường hướng đến hai khả năng diễn đạt. Thứ nhất, nhà thơ muốn tạo sự đứt quãng cho dòng thơ nhằm khắc sâu, gây ấn tượng mạnh cho độc giả về sự bất ngờ của hai ý thơ trước và sau dấu chấm lửng đó:
- Ông ra đi và…
Ông đã vềđây
Đời là cuộc hành trình khép kín [Anh Ngọc - Vị tướng già, 188,tr.293]
- Dòng sông từng hẹn tôi về
Qua cầu… để rớt lời thề với em.[Trương Nam Hương - Tự bạch, 182,tr.243]
Có người thiếu phụ dừng chân cổng nhà. Em giờ... là của người ta
Của riêng tôi một chậu hoa - cúc tần![Nguyễn Đại Nghĩa - Bên dậu cúc tần, 182, tr.133]
Thứ hai, bỏ lửng nửa dòng cũng là một cách thức để nhà thơ muốn gia tăng thêm nội dung mà nửa dòng trước đã chuyển tải. Với dấu chấm lửng đó, điều muốn nói như được nhân lên nhiều hơn khi chấm lửng giữa dòng thơ. Nhà thơ muốn kéo dài thêm, tô đậm thêm nơi người đọc những tình ý, những cảm xúc trong ý thơ nằm trước đó trước khi tiếp tục ý sau. Như vậy, dòng thơ nhưđược giãn nở thêm ra, nhịp thơ cũng kéo dài hơn, gợi cảm giác mênh mang trong lòng người đọc:
-Cùng chung một tuổi ngây thơ
Nào ai biết… có ai ngờ… mai sau. [Đỗ Huy Chí - Nhịp cầu trẻ con, 182,tr.35]
- Rồi ta đi, rồi ta vui
Rồi ta quên... dòng nước trôi xa mình... [Bế Kiến Quốc - Đuốc lá dừa, 182,tr.13]
- Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
Rưng rưng... tôi gục xuống bàn rưng rưng... [Nguyễn Bính - Người hàng xóm, 7, tr.48]
Theo tìm hiểu, lục bát vẫn là thể thơ có hiện tượng bỏ lửng nhiều nhất so với các thể thơ khác. Nét dịu mềm, mênh mông, dìu dặt của lục bát vốn gần gũi với tâm tình người Việt. Các nhà thơ như còn muốn gia tăng thêm sự mềm mại, uyển chuyển của lục bát bằng những dấu chấm lửng cuối dòng như kéo dài thêm những giai điệu vốn đã ngọt ngào sâu lắng của thơ:
- Xuôi tay, chiều phút yếu mềm
Là thôi... có thể mất em trong đời![Nguyễn Hoàng Sơn - Tiễn em, 7, tr.140]
- Nước phù sa đỏ như son
Mưa giăng giăng, sắc lá non cồn cào... Mười năm... đi biết là bao
Dẫu xa, vẫn nhớ nôn nao, mong về... [Bế Kiến Quốc, Trở lại nguồn, 7, tr.618]
- Bao đêm người thức thâu canh
Cho tôi trọn giấc ngủ lành… Bao đêm… [Văn Lê - Người dưng, 188, tr.407]
- Hạnh phúc của anh là đào than xẻ núi
Và yêu em… yêu hết lòng mình…[Nguyễn Tùng Linh - Gửi em và thị xã than, 188, tr.414]
Đối với kiểu bỏ lửng ở vị trí cuối dòng, nhà thơ nhưđưa ra một tín hiệu ám chỉ ý thơ vẫn chưa kết thúc, vẫn còn nhiều điều hơn thế chưa được nói hết trong dòng thơ. Hoặc có khi là cách để nhà thơ muốn tô đậm ý nghĩa mà dòng thơ vừa
diễn đạt. Với cách này, câu thơ nhưđược nới rộng thêm ra, gợi cho người đọc nhiều khả năng tiếp nhận. Những dấu lửng cuối dòng thơ luôn tạo cho người đọc cảm giác bâng khuâng, man mác, không yên…
- Cấm sao tơ nhện cứ giăng
Một đời dại - vẫn đa mang - một đời...[Nguyễn Thị Hồng Ngát - Xem nguyệt cô hóa cáo, 182, tr.159]
- Không gian trắng xóa cả rồi
Chỉ còn dáng mẹ giữa trời. Và mưa... [Đỗ Thuấn - Dáng mẹ, 182, tr.39]
- Vết đạn bom còn sây sát thân mình
Em vẫn cười, đôi mắt sáng long lanh... [ĐàoXuânQuý - Giã từ NamNgạn, 188, tr.625]
- Đôi bàn chân thoănthoắt Vượt lên tầng thép sắt Giặc dội bom sập hầm
Tay súng còn siết chặt... [Xuân Thiêm - Cô gái Bạch Long Vĩ, 147,tr.570]
- Nắng vẫn còn ngời trên những mắt lá si… Và người chồng ấy đã ra đi…
Như không hề có cuộc chia ly…[Nguyễn Mỹ - Cuộc chia ly màu đỏ, 188, tr.492]
- Đơn vị qua đi tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…[Giang Nam - Quê hương, 188, tr.493]
- Vô danh… Vô danh… Vô danh… Vô danh… 1959… 1968… 1973… 1975…
Những tên tuổi. Những cuộc đời khát vọng Giờ chỉ còn giản đơn: Vô danh…
(…) Nhưng vì sao bia mộ các anh nằm
Vẫn đời đời ghi lặng lẽ: Vô danh... [Ngô Thế Oanh - Vô danh, 188, tr.563]
Trong nhiều trường hợp, khoảng lặng trong thơ để ngầm báo một cái gì đó dữ dội, khốc liệt lắm mà không sao nói ra được. Chỉ có bỏ lửng nửa chừng thì mới có thể chuyển tải hết cái cảm xúc tinh tế, nhạy cảm ấy. Nhất là kiểu thơ dùng biện pháp bỏ lửng ở cuối bài. Kết thúc lơ lửng hoặc ngừng lặng cho đoạn thơ, bài thơ bằng các biện pháp im lặng như vậy là kết thúc mở. Bài thơ kết thúc nhưng ý thơ chưa hết.
- Gẫy lái, đứt neo, tàu thoát ra rốn bão Anh nguyên lành về lại căn phòng em
Bỗng gặp cơn bão nhà không triều, không sóng Chiến hạm đời anh lặng lẽ cắt neo
Nhưng không phải bất kỳ dấu chấm lửng nào cũng biểu thị cho biện pháp im lặng và biện pháp im lặng không chỉ thể hiện rõ ràng ra bằng hình thức dấu chấm lửng. Các nhà thơ còn biểu hiện im lặng bằng nhịp ngắt lâu, hoặc sự gấp gãy xuống dòng:
Chia cho em một đời Tôi một cay đắng một niềm vui một buồn (...) Chia cho em một đời Thơ một lênh đênh một dại khờ
một tôi [Nguyễn Trọng Tạo - Chia, 130,tr.48, 49]
Những câu thơ gấp gãy và ý thơ lơ lửng như thế này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của các nhà thơ hiện đại. Họ viết như vậy thường là để diễn đạt trạng thái hụt hẫng, bất ngờ hoặc nghẹn ngào. Đối với chúng tôi, có thể xem đó là sự cách tân thơ về mặt hình thức. Từng lần xuống dòng là từng nhịp ngắt, rồi kết thúc bằng một khoảng dài im lặng. Và chính cái khoảng lặng dài ấy, cũng chính là khoảng ngân vang của thơ vào lòng người. Im lặng, và lặn sâu, vang xa, vang xa... Đó là một trong những đặc trưng của thơ ca.
Cảm quan nghệ thuật của phương Đông chúng ta thích những gì đơn giản mà sâu sắc, súc tích. Vì vậy, biện pháp im lặng cũng có giá trị kích thích năng lực tư duy của người đọc. Im lặng trong thơ là làm cho nhịp thơ ngừng lại, như bước chân đang đi bỗng nhiên khựng lại và khiến người ta chú ý hơn. Nếu xét về chức năng biểu cảm thì nó rất gợi cảm, nên khi sự im lặng xuất hiện tại vị trí, thời điểm nào đó thích hợp sẽ tạo nên một hàm nghĩa lớn hơn rất nhiều bất kỳ một phát ngôn nào.
Người Việt Nam ta vẫn cho rằng: "Người khôn ăn nói nửa chừng, Để cho người dại nửa mừng nửa lo!". Nói nửa chừng để dấy lên trong lòng độc giả những cảm xúc, đó cũng là một dụng ý khôn khéo, tinh vi của nhà thơ khi muốn tác động vào độc giả vậy.