III. Quy luật biến thể của thành ngữ và tục ngữ
2. Những trở ngại về ngữ pháp
Ngữ pháp của một ngôn ngữ, như chúng ta đều biết, là thứ công cụ nhằm giúp người nói truyền đạt dễ dàng và chính xác tới người nghe mọi nội dung ngữ nghĩa mà anh ta cần/muốn chuyển giao. Và sở dĩ không ít bạn đọc hiện chưa hài lòng lắm với công trình diễn giải các đơn vị tục ngữ hiện hành chắc hẳn chỉ vì các soạn giảđã hình dung chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của các đơn vị tục ngữ. Xin minh hoạ bằng một vài dẫn chứng.
Dẫn chứng 4. Do lầm tưởng RẮN MAI cũng như RẮN HỔ trong câu Rắn mai tại lỗ; rắn hổ về nhà là “chủ ngữ” [CN], còn TẠI LỖ cũng như VỀ NHÀ là “vị ngữ” [VN] của câu và mối quan hệ về nghĩa giữa CN với VN là mối quan hệ giữa “Người hành động” với “Hành động”, cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989) vừa nhắc đã diễn giải câu trên thành: “(Mai là mai gầm, hổ là hổ mang). Nhận xét cho rằng rắn mai gầm thường ở trong hang; còn rắn hổ mang thì thường ra ngoài".
Tiếc thay, lời diễn giải ấy lại chẳng hề ăn nhập chút nào với vốn kinh nghiệm sống còn mà dân bắt rắn chuyên nghiệp đã tích luỹđược: “Hễ bị rắn mai [gầm cắn thì nạn nhân có thể chết ngay] tại lỗ [= hang của nó]; hễ bị rắn hổ [mang cắn thì nạn nhân có thể lê] về tới nhà [mới tắt thở].”
Tại sao lại có sự chênh lệch ấy?
Theo Cao Xuân Hạo, có lẽ vì người Việt không hề coi RẮN MAI cũng như RẮN HỔ là CN, mà coi là “đề ngữ” [tức topic], còn TẠI LỖ cũng như VỀ NHÀ chẳng phải là VN mà là “thuyết ngữ” [tức comment], và mối quan hệ về nghĩa giữa hai bộ phận ấy là mối quan hệ giữa “điều kiện” với “hậu quả (do điều kiện ấy mang lại)”
Nói cách khác, tục ngữ Việt (và chẳng riêng gì tục ngữ!) là những câu không hềđược tổ chức theo khuôn “chủ–vị” [C–V] (như ngữ pháp nhà trường (vốn bị quan điểm “dĩ Âu vi trung” chi phối) đang cố dạy cho con em chúng ta!) mà là theo khuôn “Ðề – Thuyết”, như ông cùng nhiều nhà Việt ngữ học tên tuổi ở nước ngoài (L. Thompson, H. Dyvik, v.v.) đã nhận thấy từ rất sớm và đã chứng minh hết sức thuyết phục trong nhiều công tình đã công bố trong hơn mấy chục năm qua. Bằng chứng là nếu diễn giải câu Chó treo; mèo đậy theo khuôn C–V, ta buộc lòng phải cho rằng “Chó đem treo [thức ăn cần cất giữ lên cao]; còn mèo thì cố đậy [kín thức ăn cần cất giữ lại]”, tuy cái nghĩa đích thực của câu ấy lại là: “[Ðể] chó [khỏi ăn vụng] thì [thức ăn cần cất giữ] nên được treo cao lên; [để] mèo [khỏi ăn vụng] thì [thức ăn cần cất giữ] nên đậy kín lại”, vì mối quan hệ về nghĩa giữa CHÓ cũng như MÈO với TREO cũng như ÐẬY là mối quan hệ giữa hai sự thể: sự thể thứ nhất nêu “cái đích cần được nhằm tới“ và sự thể sau nêu cái “hành động (mà chúng ta nên làm đểđạt tới đích)”.
Ðến đây, chúng ta có thểđưa ra một nhận xét nhỏ nhưng hết sức hệ trọng: còn quyến luyến với cái khuôn C–V chúng ta còn cản trở con em chúng ta thừa hưởng cái gia tài đồ sộ mà ông cha đã dày công vun đắp nhằm truyền lại cho chính các em.
Tiện thể cũng nên dẫn thêm ra ởđây vài dẫn chứng nữa để bạn đọc có thể dễ hình dung việc vận dụng mô hình C–V cho tục ngữ thường gặt hái được những “thành quả tai hại” như thế nào.
Dẫn chứng 5
Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại được diễn giải như là “Có tư tưởng coi trọng đàn ông, coi thường phụ nữ, ví như thà ẵm con của chồng tuy không yêu quý, thích thú gì nhưng dẫu sao vẫn thuộc dòng họ nội [sic!], còn hơn bế con của con gái mình”
Ăn cơm có canh, tu hành có vãi thường được diễn giải như là “Sự ham muốn nhục dục của đôi kẻ trong giới tu hành cũng là chuyện thường tình, ví nhưăn cơm thì phải có canh, ở nhà chùa thì ắt có vãi”
Ăn lúc đói, nói lúc say được diễn giải như là “Lúc đói ăn cảm thấy ngon, lúc say thường nói rất hay”
v.v. và v.v.