Nghĩa của tục ngữ là một trong những vấn đề phức tạp. Vì vậy, bên cạnh những công trình tìm hiểu nội dung khái quát của tục ngữ thì ở góc độ nhận thức luận với các quan niệm về nghĩa của tục ngữđã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.
Khi viết về tục ngữ trong mối quan hệ với lối nghĩ của nhân dân, Chu Xuân Diên trong công trình “Tục ngữ Việt Nam” năm 1975 đã quan niệm rằng: “Trong vốn tục ngữ của người Việt, bên cạnh những câu có một nghĩa-nghĩa đen, còn có rất nhiều câu có hai nghĩa-nghĩa đen và nghĩa bóng”.[37,142-143]. Theo tác giả, nghĩa đen thường đề cập đến những vấn đề tự nhiên, cá biệt, khi chuyển sang nghĩa bóng thường nói về các hiện tượng xã hội, mang tính khái quát, trừu tượng thông qua những nhận xét, phán đoán, kết luận. Đây là quan niệm được nhiều người đồng tình, được giới nghiên cứu chấp nhận trong một thời gian dài, đặc biệt là các giáo trình đại học. Cụ thể là các tác giả Lê Chí Quế, Hoàng Tiến Tựu, Bùi Mạnh Nhị, Nguyễn Văn Hầu, Phan ThịĐào.
Trong giáo trình “Văn học dân gian Việt Nam” (Giáo trình đào tạo giáo viên TH cơ sở hệ Cao đẳng SP), Nxb GD, HN năm 1998, Hoàng Tiến Tựu đã quan niệm tục ngữ có thể chia làm hai loại cơ bản: loại đơn nghĩa và đa nghĩa. Những câu tục ngữ thuộc loại đơn nghĩa là những câu chỉ có thể hiểu theo nghĩa đen. Những câu tục ngữ thuộc loại đa nghĩa có thể chia thành hai loại: thứ nhất gồm những câu vừa được hiểu theo nghĩa đen vừa có thể (và thường) được hiểu theo nghĩa bóng, thứ hai gồm những câu chỉ được dùng theo nghĩa bóng. Những câu thuộc loại đa nghĩa chiếm tỷ lệ lớn hơn hẳn so với những câu đơn nghĩa.
Các tác giả Lê Chí Quế (chủ biên), Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ trong công trình “Văn học dân gian Việt Nam” đã khẳng định: “Tục ngữ bao giờ cũng có hai nghĩa: nghĩa đen (hay là nghĩa gốc) và nghĩa bóng (trường nghĩa)”. [192, 197] . Chúng tôi thấy rằng các tác giả khẳng định tục ngữ bao giờ cũng có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng là chưa bao quát được hết tất cả các hiện tượng vì trên thực tế có một bộ phận tục ngữ chỉ có nghĩa đen mà thôi.
Theo Bùi Mạnh Nhị trong phần “Tục ngữ” của “Văn học dân gian những công trình nghiên cứu”, Nxb GD, HN năm 1999 thì: “Trong tục ngữ, cái cụ thể và cái khái quát liên quan đến nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen là nghĩa trực tiếp, gắn với sự việc và hiện tượng ban đầu, còn
nghĩa bóng là nghĩa gián tiếp, nghĩa biểu tượng, ẩn dụ (…) Nghĩa đen và nghĩa bóng của tục ngữ có quan hệ hữu cơ với nhau”. [152,256].
Nghĩa đen và nghĩa bóng của tục ngữ cũng được Phan ThịĐào đề cập đến trong công trình
“Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam” năm 2001. Theo tác giả, tục ngữ được coi là hoàn chỉnh thường có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng (còn gọi là nghĩa hẹp và nghĩa rộng). Nghĩa đen là nói về sự vật, về hiện tượng thiết thực mà tục ngữđề cập. Nghĩa bóng thì mở rộng ý nghĩa của sự vật, hiện tượng bằng cách gợi liên tưởng những hình tượng ẩn dụ.
Một số tác giả khác lại cho rằng không thể đoán định được nghĩa của tục ngữ trên văn bản mà phải dựa vào ngữ cảnh lời nói cụ thể. Tiêu biểu là Nguyễn Xuân Đức qua các bài viết công bố liên tiếp trên tạp chí Văn hóa dân gian. Trong bài viết “Về nghĩa của tục ngữ” in trong tạp chí Văn hóa dân gian, số 4 năm 2000, tác giả đã phân tích, khảo sát một số câu tục ngữ và đi đến nhận định: “Một câu tục ngữ bao giờ cũng tồn tại nghĩa từ vựng và nghĩa ứng dụng”, “không nên nói tục ngữ có nhiều nghĩa, lại càng không nên nói tục ngữ là đa nghĩa”, “tục ngữ xét trên văn bản có từ một đến hai nghĩa nhưng xét trong môi trường ứng dụng, tức là môi trường lưu truyền và tồn tại đích thực thì với mỗi lần phát ngôn chỉ có một nghĩa (có thể là nghĩa đen hay nghĩa bóng), tức là nghĩa đang được ứng dụng theo mục đích phát ngôn” [55, 52]. Tiếp tục bàn về vấn đềđa nghĩa của tục ngữ, qua bài viết “Về tính nhiều nghĩa của tục ngữ”(2002), Nguyễn Xuân Đức đã đặt ra vấn đề “hai nghĩa” có phải là “đa nghĩa” không? Qua vài lập luận, ông cho rằng “tục ngữ thường có hai nghĩa” là thỏa đáng, không nên nói “đa nghĩa” hay “nhiều nghĩa”. Đáng chú ý là theo tác giả, không thể nói tục ngữ có tính đa nghĩa vì mục tiêu của tục ngữ là truyền đạt kinh nghiệm nên phải đảm bảo tính rõ ràng, chính xác và không thể đa nghĩa trong mỗi lần phát ngôn. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi lần phát ngôn tục ngữ chỉ có một nghĩa- nghĩa ứng dụng. Cũng chính vì vậy, trên tạp chí Văn hóa dân gian số 5, năm 2003, Nguyễn Xuân Đức đã đề ra yêu cầu cấp thiết đối với việc nghiên cứu tục ngữ qua bài viết “Trở lại vấn đề tính một nghĩa trong phát ngôn của tục ngữ”. Theo ông, không thể nghiên cứu tục ngữ trên văn bản mà phải nghiên cứu chúng trong hoạt động lời nói và việc nghiên cứu tục ngữ trong ứng dụng phải được xem là nguyên tắc cấp thiết hơn cả. Cũng xuất phát từ quan niệm này, Nguyễn Xuân Đức đã không đồng tình với việc xác định một số nghĩa của các câu tục ngữ cụ thể trong một từ điển về tục ngữ. Tác giả còn đề xuất ý kiến về các bộ tục ngữ nên sắp xếp theo thứ tự chữ cái trong bảng chữ cái, không nên sắp xếp theo chủđề.
Trái với quan niệm không nên nói tục ngữ đa nghĩa của Nguyễn Xuân Đức, Phan Trọng Hòa trong bài viết “Tính nhiều nghĩa hay đa nghĩa của tục ngữ” in trong tạp chí Văn hóa dân gian, số 3, năm 2003 đã cho rằng tục ngữ nhiều nghĩa, đa nghĩa là hoàn toàn đúng, thỏa đáng vì “nhiều” là “đa” mà “hai” là “nhiều” thì có quyền suy ra “hai” là “đa” [84, lược trích 68-70].
Khảo sát các ý kiến trên ta thấy các nhà nghiên cứu dù có sự diễn đạt khác nhau nhưng có một điểm chung là đều cho đại bộ phận tục ngữ có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở đây, nghĩa của tục ngữ đã không ngừng được các nhà nghiên cứu tìm tòi, khám phá. Một số tác giả đề cập đến nghĩa khái quát của tục ngữ. Có thể kể đến Phan Thị Đào trong công trình “Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam”. Theo tác giả, tục ngữ có ba nghĩa: nghĩa đen, nghĩa bóng (nghĩa hình tượng) và nghĩa khái quát. Về nghĩa khái quát, tác giả quan niệm: “Có những câu tục ngữ mà ởđó mỗi vế tồn tại như một tiền đề mang ý nghĩa khái quát cao, còn kết đề là một phán đoán mang ý nghĩa khái quát cao hơn, nhưng không phải tồn tại trên văn bản mà được rút ra từ tư duy của người tiếp nhận”. Ví dụ: Tiền đề Thợ may ăn giẻ Thợ vẻăn hồ Thợ bồăn nan Thợ hàn ăn thiếc Kết luận ( Làm nghề gì ăn nghề nấy) [52, 122].
Tiếp thu thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước, từ góc độ folklore học, Triều Nguyên đã đồng ý xác lập ba loại nghĩa của tục ngữ gồm: nghĩa đen, nghĩa bóng và nghĩa khái quát qua bài viết “Nghĩa của tục ngữ” in trong tạp chí Văn hóa dân gian, số 5 (95) năm 2004 và sau này tiếp tục được triển khai trong công trình “Khảo luận về tục ngữ người Việt” năm 2006. Trong công trình này, Triều Nguyên thống nhất tục ngữ có ba loại nghĩa và có thể gộp tục ngữ làm hai nhóm lớn: nhóm những câu tục ngữ chỉ có một nghĩa và nhóm những câu tục ngữ có nhiều loại nghĩa. Theo tác giả, tục ngữ có 7 dạng sau: những câu tục ngữ chỉ có một nghĩa đen (“Tháng bảy nước nhảy lên bờ”); những câu chỉ có nghĩa khái quát (“Cái sảy nảy cái ung”..); những câu chỉ có nghĩa bóng (“Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”…); những câu vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa khái quát (“Trâu he hơn bò khỏe”...); những câu vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa bóng (“Ngựa hay chạy đường dài mới biết”..); những câu vừa có nghĩa khái quát vừa có nghĩa bóng (“To thuyền thì to sóng”); những câu vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa khái quát, lại vừa có nghĩa bóng (“Cá kể đầu, rau kể mớ”). [ lược trích 150,8-9]
Việc tìm hiểu nghĩa của tục ngữ nói chung đã được quan tâm từ góc độ lý luận và nghiên cứu ứng dụng. Một số nhà nghiên cứu đã cho rằng tục ngữ mang nghĩa biểu trưng. Nói đến nghĩa của tục ngữ cần nói đến nghĩa biểu trưng vì cách nói của nó đa phần là cách nói biểu trưng.
Năm 1987, Nguyễn Đức Dân trong bài viết “Đạo lý trong tục ngữ” in trong tạp chí Văn học, số 5 đã cho rằng “đạo lý của một tục ngữ được thể hiện qua nghĩa biểu trưng của nó. Nghĩa của đại bộ phận tục ngữ là nghĩa bóng, được hình thành theo phương pháp biểu trưng. Và chúng tôi gọi đó là nghĩa biểu trưng của tục ngữ”[18, 72]. Ông quan niệm rằng nghĩa biểu trưng làm nội dung
của tục ngữ trở nên đa dạng và sinh sôi không ngừng trong ngôn ngữ giao tế. Do đó, mỗi tục ngữ có thể đề cập đến những phạm trù khác nhau và các phạm trù khác nhau được thể hiện không đồng đẳng. Từđó, tác giả đưa ra phương pháp xác định thứ bậc các phạm trù. Phương pháp này cung cấp thao tác để nhận biết biểu trưng của tục ngữ so sánh. Nó còn có thể giúp chúng ta có một cái nhìn logic về quan niệm, đạo lý của người Việt. Để minh họa và lý giải vấn đề, người viết đã đưa ra nhiều ví dụ, chẳng hạn: “Một người biết lo bằng kho người hay làm”. Theo ông, câu này có 3 phạm trù: khối lượng (một người, kho người), trí tuệ (biết lo), sự cần cù (hay làm), với các hệ thức:
Một người + biết lo = kho người + hay làm (1) Kho người một người
hay làm < biết lo (a) Nghĩa là: trí tuệ > sự cần cù (b)
(a) và (b) là hai nghĩa khái quát của (1) và bậc của (a) thấp hơn bậc của (b). [18, 64]
Trong bài viết “Bàn thêm về một sốđặc điểm của tục ngữ Việt” đăng trên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số 7 năm 2006, Phạm Thanh Hằng đã đề cập đến sự hình thành nghĩa biểu trưng của tục ngữ theo quan điểm của mình đó là quy luật biện chứng của nhận thức. Cụ thể: “Nghĩa biểu trưng của tục ngữ được hình thành từ cách dùng hình ảnh cụ thể để phản ánh cái khái quát, quy luật”[77, 11].
Theo Nguyễn Văn Nở trong luận án tiến sĩ “Biểu trưng trong tục ngữ Việt Nam” năm 2007: “Tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa biểu trưng. Chính nghĩa biểu trưng tạo nên hiện tượng nhiều nghĩa của tục ngữ. Hiện tượng nhiều nghĩa của tục ngữ là hiện tượng mang tính phổ quát và vì thế mà nó có thể được vận dụng trong những hoàn cảnh, đối tượng, mục đích khác nhau”.[174, 42].