Các tác phẩm văn học không chỉ khác nhau về chất liệu hiện thực mà còn khác nhau về cách bố trí, sắp xếp, tổ chức sự xuất hiện của các chất liệu hiện thực trong tác phẩm. Chính vì vậy mà kết cấu là phạm trù rất quan trọng trong phương diện nghệ
thuật của tác phẩm văn học. “Kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định” [17, tr.143].
Trong sáng tác văn học, mỗi thể loại thường ổn định với một kiểu kết cấu nào
đó. Đối với tác phẩm tự sự, “kết cấu là sự tổ chức một cốt truyện tương ứng với chủ đề tư tưởng tác phẩm, là sự phân bố các chương, các lớp, các cảnh trong một chỉnh thể thống nhất để dựng lên một bức tranh về đời sống, qua đó đặt ra và giải quyết một vấn đề nào đó của xã hội” [17, tr.145].
Trong loại hình văn xuôi tự sự, ký là thể loại văn học thể hiện rõ nhất hiện thực khách quan của đời sống. “Ký có quan điểm thể loại là tôn trọng sự thật hiện thực khách quan của đời sống không hư cấu. Nhà văn viết ký luôn chú ý đảm bảo cho tính xác thực của hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm. Ký thường không có cốt truyện có tính hư cấu. Sự việc và con người trong ký phải xác thực hoàn toàn có
địa chỉ hẳn hoi. Đó là vì ký dựng lại những sự thật đời sống cá biệt một cách sinh
động, chứ không xây dựng hình tượng mang tính khái quát” [20, tr.111].
Người viết ký bám sát hiện thực, phản ánh trực tiếp những sự kiện những con người xung quanh. Hiện thực cuộc sống được phản ánh từ góc nhìn của người cầm bút. Người viết ký không bị chi phối bởi những qui định về mặt thể loại khi tiếp cận với cuộc sống. Trong quá trình tiếp cận với cuộc sống, người viết ký quan tâm đến nhiều mặt của đời sống trong tính tự nhiên của đối tượng.
Về phương diện nghệ thuật, “ký không gò bó người viết trong một phương thức biểu hiện và một phong cách duy nhất mà mở rộng, thừa nhận nhiều hình thức và nhiều phong cách sáng tạo” [17, tr.210]. Chính điều này đã đánh dấu bước phát triển mới của thể ký trong văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam.