2.1.2.1. SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Ký viết về cái có thật trong cuộc sống nên tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả. Người viết ký có quyền bình luận, phân tích nhưng chủ yếu là tiếng nói của bản thân sự sống đang vận động. Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác được viết ra trên một hành trình lên kinh đô để chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh Sâm. Vũ trung tùy bút
của Phạm Đình Hổ là những mẩu chuyện nhỏ ghi lại những sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn. Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái thì khắc họa một cách khá sinh động bức tranh rộng lớn của xã hội Việt Nam khoảng ba mươi năm cuối thế kỷ XVIII và mấy năm đầu thế kỷ XIX. Mặc dù các nhân vật lịch sử được đặt sau bình diện các sự kiện lịch sử nhưng diện mạo của các nhân vật lịch sử vẫn khá đậm nét. Sự thật của đời sống và những con người trong tác phẩm ký đã phản ánh hiện thực lịch sử xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Giáo sư Hà Minh Đức cho rằng: “Không gắn với sự thật xác thực của đời sống ký dễ chơi vơi và tự xoá đi ranh giới giữa mình với các thể loại khác. Không biểu hiện tính nghệ thuật rõ nét tác phẩm ký có xu hướng lẫn lộn với các hình thức ghi chép khác vềđời sống” [17, tr.211].
Các tác giả ký đã ghi chép lại những sự kiện có thật, con người có thật. Mỗi tác phẩm được viết theo một phong cách riêng nhưng trên hết lịch sử vẫn được ghi lại một cách trung thực. Ở nước ta bấy giờ vừa có vua lại vừa có chúa, quyền bính không thống nhất. Các vua chúa của chúng ta đều trị vì theo quyền của mạch máu, nghĩa là
kế tập từ đời nọ sang đời kia. Để tránh cho khỏi có sự xung đột trong lúc cầm quyền, nhà vua chỉ ngồi ở ngôi suông còn quyền hành đều tập trung trong tay nhà chúa.
ỞHoàng Lê nhất thống chí các tác giả họ Ngô đi sâu vào các sự kiện lịch sử phản ánh quá trình suy vong không gì cưỡng nổi của chính quyền phong kiến đương thời. Sự
kiện vua Lê bất lực trước chúa Trịnh kiến cho triều đình nhà Lê chỉ còn là “hữu danh vô thực”. Tất cả quyền hành đều tập trung trong tay nhà chúa mà Trịnh Sâm là người có quyền hành cao nhất. Vua Lê Hiển Tông lúc về già bị Trịnh Sâm chèn ép đủ đường nhưng vẫn vui vẻ như thường bởi triết lý của ông ta là: “Trời sai nhà chúa phò ta, chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui, mất chúa tức là cái lo lại về ta, ta còn vui gì” [39, tr.125]. Là người đứng đầu một nước nhưng lại an phận chẳng hề lo lắng đến chuyện quốc gia
đại sự. Vua thì bất lực còn chúa thì thao túng quyền bính, ăn chơi xa xỉ. Việc chúa Trịnh Sâm say mê Đặng Thị Huệ và có ý định lập vương tử Cán đã gây ra sự tranh giành quyền lực ngấm ngầm giữa các phe phái trong nội bộ giai cấp thống trị.
Sự kiện cái chết của Trịnh Sâm đã làm đảo lộn cả phủ chúa. Đó là sự đổ vỡ từ
gia đình đến xã hội. Các tác giả họ Ngô đã rất tài tình khi ghi chép lại sự kiện này. Phút lâm chung của chúa Trịnh Sâm có Thánh mẫu và Thị Huệ ở bên. Cả ba người
đều khóc nhưng chỉ có Trịnh Sâm là khóc thật vì nghĩđến đạo hiếu chưa tròn và kiếp này duyên cầm sắt dang dở. Thánh mẫu “nức nở, sụt sịt, ngập ngừng hồi lâu, ý muốn nói đến ngôi thế tử, nhưng vì có Thị Huệ ở đấy nên cũng khó hé răng, dùng dằng mãi chưa ra” [39, tr.29]. Như vậy bà đến đây không phải là để vĩnh biệt con trai mà là muốn nói đến ngôi thế tử. Còn Thị Huệ thì “nấc lên đến hơn một khắc”, “cắt tóc thề” rồi xin liều thân mà chết theo chúa. Cách khóc của Thị Huệ qua ngòi bút của các tác giả họ Ngô cũng thấy tiếc thương nhưng ẩn sâu bên trong chỉ là một màn kịch vì “sợ
không dựđịnh trước, đến lúc tình thế khẩn cấp sẽ bị người khác cướp mất” [39, tr.28] ngôi thế tử của con. Khi Trịnh Sâm vừa nằm xuống, trong phủ đã xảy ra những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực lẫn nhau.
Sự kiện kiêu binh nổi loạn giết Quận Huy đòi lại ngôi chúa cho Trịnh Tông với danh nghĩa nhằm khôi phục kỷ cương nhà chúa nhưng nó lại là sự biến mởđầu cho sự
sụp đổ cơ đồ họ Trịnh. Sau cơn binh biến chúa Cán “vì quá sợ hãi không ăn uống gì
được, bệnh càng thêm nguy kịch… ít lâu sau thì qua đời” [39, tr.46]. Trịnh Tông thì vội vã lên ngôi chúa, chẳng cần gì đến nghi trượng của buổi lễđăng quang. Chúa được
lại nâng bổng chiếc mâm lên trên đầu mà đội, đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi vai mỏi lại nâng lên trên đầu. Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật” [39, tr.45]. Sự kiện chúa Trịnh Tông đăng quang ngày 24 tháng 10 năm Nhâm Dần (1782) là một màn bi hài kịch. Tất cả phép tắc bị coi thường vì chúa phải chịu áp lực trước đám kiêu binh. Và trong những năm kế vị chúa Trịnh Tông không được yên bình, lúc nào cũng phải lo đối phó đám loạn quân.
Sự kiện Tây Sơn ra Bắc 3 lần cho thấy thế lực của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn lớn mạnh dần. Sau khi hoàn toàn lấy được Thuận Hóa, Nguyễn Huệ (Nguyễn Bình) ra Bắc để phò Lê diệt Trịnh. Trước khí thế của quân Tây Sơn, các đội quân tinh nhuệ nhất của triều đình lần lượt bị bẻ gẫy: Liễn Trung hầu Đinh Tích Nhưỡng bị bại, quân của Trướng Trung hầu bỏ chạy hết, quân của Thái Đình hầu cũng tự vỡ mà chạy… Còn chúa thì “vội cởi bỏ quần áo trận, đội khăn chữ đinh, tụt xuống ngồi núp trong ngăn hòm da mé sau bành voi” [39, tr.101]. Chỉ bằng một cuộc hành quân chớp nhoáng, Tây Sơn đã lập lại trật tự xã hội, trao trả triều đình vào tay vua Lê. Nguyễn Huệ trở về Nam một thời gian lại ra Bắc lần thứ hai để trừng trị sự lộng hành của Vũ Văn Nhậm, rồi ra lần thứ ba để đánh tan đạo quân Thanh do Lê Chiêu Thống rước về. Có thể nói, cuộc tập kích chiến lược mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) đập tan quân Thanh cùng bọn tay sai bán nước là một bản hùng ca. Quân Tây Sơn đi đến đâu là chiến công nối tiếp chiến công. Từ trận sông Gián, sông Thanh Quyết đến đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng… quân Thanh và quân triều đình cứ thế giày xéo lên nhau mà chạy. Chiến thắng này càng khẳng định thêm tính chất chính nghĩa của phong trào Tây Sơn và hình
ảnh đẹp đẽ của anh hùng Nguyễn Huệ đã lãnh đạo dân tộc chiến thắng quân đội xâm lược nhà Thanh.
Sự kiện ngày mồng 8 tháng chạp năm Bính Ngọ (1786) phủ chúa bị đốt đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của cơ đồ họ Trịnh. Sau khi chúa Án Đô bỏ chạy, Chiêu Thống “tức thì ngầm sai người phóng hỏa đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt” [39, tr.187]. Vậy là hai trăm lâu đài cung khuyết huy hoàng bỗng chốc đã thành bãi đất cháy đen. Sự kiện này cho thấy chế độ phong kiến đã bắt đầu rạn nứt một cách nghiêm trọng. Sau khi đốt được phủ chúa, Chiêu Thống muốn thâu tóm quyền lực về mình nhưng một người bất tài như hắn sẽ đưa đất nước đi đến đâu.
Trước sức mạnh của phong trào Tây Sơn, Chiêu Thống chỉ còn một con đường duy nhất là cầu viện quân Thanh. Sự kiện năm Mậu Thân (1788), Tôn Sĩ Nghị làm lễ
phong vua Lê làm An Nam quốc vương nhưng lại nắm đại quyền để sai khiến vua và triều đình nhà Lê. “Tuy vua Lê đã được phong vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi
đều dùng niên hiệu Càn Long. Vì có Nghị ở đây nên không dám dùng niên hiệu Chiêu Thống” [39, tr.343]. Sau khi dẫn đường cho giặc vua Lê chỉ lo việc báo thù riêng. Tôn Sĩ Nghị thì thả quân lính cho cướp phá hãm hiếp nhân dân. Mọi việc làm bạo ngược của bọn giặc vua đều bỏ ngoài tai. Sự kiện Lê Chiêu Thống rước quân Thanh giày xéo đất nước khiến cho nhân dân Bắc Hà đều oán ghét quân Thanh và không còn nhớ gì đến nhà Lê nữa.
Sự kiện mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu cứu vua Thanh và cuối cùng mất nơi đất khách quê người (1792) đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của triều Lê. Là vua một nước vậy mà lúc Phúc Khang An bàn việc gọt đầu gióc tóc, đổi đồ mặc giống như người Trung Quốc thì Lê Chiêu Thống lại cho là phải và đáp: “Chúng tôi giữ được nước nhà, may nhờ thiên triều cứu viện dù cả nước phải ăn mặc như người Trung Quốc xin cũng vâng lệnh” [39, tr.372]. Ở đất Trung Quốc, Lê Chiêu Thống chịu bao tủi nhục, cầu cứu không được trong lòng uất ức phải ôm hận mà chết. Lúc hấp hối, vua Lê cho gọi thị thần tới trăn trối “… Sau này nếu các ngươi được về nước, thì nên đèo nắm xương tàn của trẫm cùng về” [39, tr.390]. Có thể nói, các tác giả họ Ngô đã trung thành phản ánh lịch sử khi viết về sự
sụp đổ của triều Lê và cái chết của Chiêu Thống.
Hoàng Lê nhất thống chí còn viết về sự kiện Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn năm 1802. Kể từ khi Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, nội bộ Tây Sơn mất đoàn kết ngày một nghiêm trọng mà Quang Toản thì quá nhỏ tuổi, không đủ năng lực và uy tín
để điều khiển triều chính. Đây là cơ hội tốt cho Nguyễn Ánh tổ chức phản công đánh bại phong trào Tây Sơn lập nên triều đại Gia Long. Tác phẩm kết thúc ở các sự kiện năm 1802 nhưng cuối hồi 17, tác giả còn viết về sự kiện di hài vua Lê Chiêu Thống
được đưa về nước (1804). Các tác giả họ Ngô viết về vị vua này bằng những từ ngữ
không mấy thiện cảm như “luồn cúi, đê hèn” nhưng đến cuối tác phẩm tác giả viết: “Các bề tôi mở quan tài vua Lê Chiêu Thống thì thấy da thịt đã nát hết, chỉ còn trái tim không nát, mà màu sắc hầu như vẫn còn tươi. Tính từ khi quàn đến bây giờ đã mười hai năm. Ai trông thấy cũng đều thấy làm lạ và than thở” [39, tr.403]. Hình
tượng trái tim không nát và màu sắc đỏ tươi phản ánh phẩm chất gì của vị vua này? Phải chăng khi viết về điều này các tác giả họ Ngô muốn thể hiện quan điểm, mong muốn của mình về hoàng tộc nhà Lê.
Ở Thượng kinh ký sự đó là sự kiện Thế tử Trịnh Cán bị bệnh. Theo cách quan sát của Lê Hữu Trác thì Cán “chỉ độ năm, sáu tuổi, mặc áo lụa đỏ” được vây bọc giữa vàng son. Trịnh Cán dường như không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mà suốt ngày phải ở trong một gian phòng rất thâm u. Trịnh Cán ốm lâu quá đến nỗi trước chỗ nằm của Cán, người ta phải dọn riêng ra một phòng làm chỗ sắc thuốc và bàn bạc y lý của các thầy lang. Ở đó gọi là “phòng chè” (vì kiêng danh từ “thuốc” nên gọi là “chè”). Trong mấy năm liền Trịnh Cán phải uống những vị thuốc do các thầy lang dâng lên. Vì dùng thuốc của họ, bệnh của Cán mỗi ngày một tăng. Lê Hữu Trác được lệnh vào chuẩn mạch cho Thể tử Trịnh Cán và ông nhận thấy điều này: “Thế tử bấy giờ đã gầy gò lắm. Bụng to, da bóng, gân xanh, rốn lồi hơn một tấc, hơi thở thoi thóp, mạch trầm, tế, vô thần. Tôi nghĩ: lúc mình thấy lần đầu thì nom còn có da, có thịt, mạch còn hồng, huyền. Nay đã đến thế này, thực không còn cách gì cứu chữa” [59, tr.132]. Phải chăng chính những tham vọng riêng của chúa cha mẹ và đám quyền thần
đã làm biến dạng cả tinh thần và thể chất của một đứa bé con. Nếu những người thân nhất với Cán có nhiệt tâm mong mỏi cho cậu sống thì họ cũng vì cậu rất ít mà phần chính là vì họ muốn dựa vào đó đểđạt mục đích lợi danh cho mình.
Sự kiện Quận Huy - Quan Chánh đường được chúa Trịnh Sâm tin dùng và mang Thế tử Trịnh Cán ỷ thác cho ông. Lo lắng cho bệnh tình của thế tử nhưng ông lại chỉ đạo cả những việc chuyên sâu nhất như bốc thuốc cho Thế tử mặc dù kiến thức về
thuốc của ông chưa sâu. Đơn thuốc của Lê Hữu Trác kê lên, quan Chánh đường vẫn chỉ bỏ túi không vội dùng và cũng không cho các thầy lang khác xem. Quan Chánh
đường chỉ đưa ra một câu nói ngắn gọn: “Phương thuốc và lập luận của cụ khác chúng ta nhiều” [59, tr.37]. Quan Chánh đường đặt mối hy vọng quá ư vững vàng vào chúa nhỏ Trịnh Cán nên không buồn sao được khi bệnh tình của Thế tử mỗi ngày một tăng. Lê Hữu Trác dường như đã mô tả gần hết tâm sự của quan Chánh đường khi thông báo tình hình sức khỏe của Trịnh Cán: “Tinh thần suy kiệt lắm rồi! Thế không qua được đâu!” khiến Chánh đường “thở dài một tiếng, nằm vật xuống sập” [59, tr.132]. Chỉ bằng một câu nói của Hải Thượng Lãn Ông, người đọc nhận ra một quan Chánh đường hoàn toàn phụ thuộc vào Thế tử bé con ốm yếu.
Ở Vũ trung tùy bút đó là sự kiện nạn đói năm Canh Thân, Tân Dậu (1740 - 1741). Những năm đó người dân phải đi bóc vỏ cây, bắt chuột đồng mà ăn. Trong
Vũ trung tùy bút Phạm Đình Hổ viết” “Tổng Minh Luân ta có một bà cụ góa mà giàu, người làng bầu cụ làm hậu thần. Vì tiền của bà cụ chất như núi, nên tục gọi là
bà hậu Núi. Gặp năm mất mùa, nhà hết cả thóc ăn, bà mang năm bao bạc đi đổi thóc không được, phải chết đói ở bên xóm chùa Bình Đê” [21, tr.120]. Chính hồi loạn khoảng năm Canh Thân - Tân Dậu khiến cho dân ở tỉnh Hải Dương chịu thiệt hại về
việc binh đao đến mười tám năm, ruộng đất hầu như thành rừng rậm. Người nghèo chết đói đã đành những người tiền của chất núi cũng phải chết đói vì không tìm đâu ra lương thực thực phẩm.
Phạm Đình Hổ còn ghi lại sự kiện diễn ra trong phủ chúa Trịnh vào khoảng năm Giáp Ngọ, Ất Mùi (1774 - 1775). Để cung phụng cho lối ăn chơi của mình chúa Trịnh Sâm đã cho thu hết những loài trân cầm dị thú, cổ mộc, quái thạch và chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian. Sự kiện này đã làm cho đời sống người dân lúc bấy giờ bị
xáo trộn bởi “Các nhà giàu bị họ vu cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập bỏ núi non bộ hoặc phá bỏ cây cảnh để tránh khỏi tai vạ” [21, tr.13].
Tóm lại, cách ghi chép sự kiện của ký luôn gắn liền với lịch sử. Các tác giả ký không chỉ ghi chép sự kiện một cách chân thật, sinh động mà còn phản ánh đúng lịch sử xã hội. Những sự kiện lịch sử này phản ánh quá trình suy vong không gì cưỡng nổi của chính quyền phong kiến Việt Nam đương thời.