Cơ sở pháp lý của hoạt động thanh toán thẻ

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ thanh toán sử dụng thẻ tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 44 - 45)

THỰC TRẠNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ THANH TOÁN SỬ DỤNG THẺ TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM

2.1.2. Cơ sở pháp lý của hoạt động thanh toán thẻ

Sau một thời gian hình thành, đến nay chúng ta đã và đang được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của thị trường thẻ Việt Nam với số lượng thẻ phát hành hơn 3,5 triệu thẻ; tổng số lượng máy ATM đến thời điểm này trong toàn hệ thống là 2.600 máy ATM, 22.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Thị trường thẻ tăng trưởng bình quân 300%/năm, với các sản phẩm ngày càng phong phú đa dạng. Cơ sở pháp lý cho sự phát triển mạnh mẽ trên của thị trường thẻ thanh toán tại Việt Nam hiện chủ yếu dựa vào những quyết định do NHNN và tổ chức thẻ quốc tế ban hành.

Các quyết định của NHNN Việt Nam được ban hành liên quan đến hoạt động thanh toán thẻ gồm:

Thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt do Thống đốc NHNN ban hành cùng quyết định số 22/QĐ-NH ngày 21/2/1994. Văn bản này quy định thẻ thanh toán nói chung gồm 3 loại: thẻ ghi nợ, thẻ ký quỹ thanh toán và thẻ tín dụng. Tuy nhiên văn bản này cũng tồn tại một số điểm không hợp lý là chưa xác định rõ rang sự khác biệt giữa thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Điều này một phần là do việc thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta trong khoảng thời gian đó còn khá mới mẻ cả với những nhà hoạch định chính sách lẫn số đông dân chúng nên việc tồn tại những bất cập là điều không thể tránh khỏi.

Năm 1999, NHNN ban hành Quy chế phát hành, sử dụng và thanh toán thẻ ngân hàng. Đây là một văn bản pháp lý với những quy định tương đối đầy đủ, cụ thể, với 7 chương và 29 điều quy định quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể hoạt động trên thị trường thẻ tại Việt Nam. Trong Quy chế này, NHNN đã phân biệt cụ thể các loại sản phẩm thẻ, trong đó chỉ rõ các loại thẻ như: thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, thẻ nội địa, thẻ quốc tế…tất cả đều được gọi chung là Thẻ ngân hàng. Ngoải ra Quy chế cũng đã quy định các vấn đề như: điều kiện phát hành thẻ, thời hạn sử dụng, phạm vi sử dụng của thẻ…

Năm 2005, Luật giao dịch điện tử đã được Quốc hôi thông qua. Luật được ban hành đã tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội và hoạt động thanh toán thẻ, tạo dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho các dịch vụ ngân hàng hiện đại phát triển.

Theo Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2020, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách; đồng thời, xây dựng đề cương, kế hoạch chi tiết cho từng đề án thành phần do NHNN chủ trì và phối hợp xây dựng các đề án thành phần do các bộ, ngành khác chủ trì. Nhìn chung, việc trả

lương qua tài khoản đối với cán bộ, công chức đã được triển khai mạnh mẽ tại một số nơi, một số lĩnh vực, ngành như: tài chính – ngân hàng, các khu công nghiệp, khu chế xuất…Ở một số thành phố lớn bước đầu đã triển khai thành công việc trả lương hưu qua thẻ ngân hàng. Theo lộ trình này dự kiến đến năm 2010, thẻ do một ngân hàng phát hành đều có thể sử dụng được tại tất cả các máy ATM và POS của các ngân hàng khác; Chính phủ đang chủ trương xây dựng một trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất, kết nối hệ thống ATM của các liên minh thẻ hiện có thành một hệ thống thống nhất, điều này sẽ tăng tính thuận tiện cho người sử dụng dịch vủ thẻ. Đề án khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và các thiết bị phục vụ cho các giao dịch thanh toán qua thẻ; tạo điều kiện phát triển thanh toán qua Internet.

Chỉ tiêu đặt ra đến cuối năm 2010, sẽ có khoảng 20 triệu tài khoản cá nhân; 70% cán bộ hưởng lương ngân sách và 50% công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp, tư nhân thực hiện trả lương qua tài khoản. Đến năm 2020, những con số này lên lần lượt là 45 triệu tài khoản cá nhân; 95% cán bộ hưởng lương ngân sách và 80% lao động được trả lương qua tài khoản. Tại khu vực doanh nghiệp, sẽ có khoảng 80% các khoản thanh toán giữa doanh nghiệp với nhau được thực hiện qua tài khoản tại Ngân hàng đến cuối năm 2010 và đạt 95% vào năm 2020. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong phạm vi, đối tượng nhất định; có chính sách cụ thể đối với chủ thể kinh doanh để khuyến khích thanh toán qua ngân hàng. Tập trung phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử

Trong năm 2007, NHNN đã ban hành một số văn bản có liên quan đến việc phát hành thẻ thanh toán như: Quyết định 32/2007/QĐ-NHNN ngày 3/7/2007 về hạn mức số dư đối với thẻ trả trước vô danh: quy định số dư trên một thẻ trả trước vô danh không được vượt quá 5 triệu đồng Việt Nam; Quyết định 38/2007/QĐ-NHNN ngày 30/10/2007 ban hành Quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng; Quyết định số 3113/QĐ-NHNN phê duyệt đề án xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất của Việt Nam.

Ngoải ra các ngân hàng Việt Nam đang hoạt động trên thị trường thẻ quốc tế cũng phải chịu sự chi phối bởi những quyết định do các tổ chức thẻ quốc tế ban hành. Việc tuân thủ theo các quy định quốc tế này một phần nhằm đảm bảo cho việc bảo vệ uy tín của các tổ chức thẻ quốc tế, một phần khác sẽ giúp cho quá trình hội nhập quốc tế của các ngân hàng Việt Nam diễn ra thuận lợi hơn.

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ thanh toán sử dụng thẻ tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 44 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w