Thị trường trong nước và nhận định

Một phần của tài liệu BÁO CÁO TỔNG HỢP DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN VIỆT NAM 2006 (Trang 68 - 73)

8. Ngành hàng Chăn nuô

8.3.1. Thị trường trong nước và nhận định

Dự báo những tháng đầu năm 2007, do tình hình dịch cúm gia cầm còn diễn biến phức tạp nên sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, theo quy luật sức mua xã hội sẽ tăng cao hơn, nhất là sự chuẩn bị nguồn hàng của các thành phần kinh tế tham gia thị trường Tết. Về thị trường thịt trong năm 2007 thì nếu thời tiết không có những biến động bất thường, dịch bệnh trong chăn nuôi, đặc biệt là dịch lở mồm long móng và dịch cúm gia cầm được khống chế và thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng sản phầm chăn nuôi

và thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh giảm khi Việt Nam gia nhập WTO, nguồn cung thực phẩm trên thị trường sẽ đáp ứng được mọi nhu cầu, giá cả sẽ không có biến động lớn. Và khi Việt Nam ra nhập WTO (01/2007), khả năng ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ bị cạnh tranh đầu tiên, thậm chí là cuộc cạnh tranh không cân sức vì sản phẩm chăn nuôi trong nước giá thành rất cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ phần nào hưởng lợi về giá cả vì hiện nay giá sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn cao hơn thê giới. Hơn nữa, khi nhập WTO, thuế nhập khẩu sẽ giảm đáng kể, ví dụ thuế nhập khẩu thịt bò sẽ giảm từ 20% như hiện nay còn 15% trong năm đầu và giảm xuống còn 8% trong vòng bốn năm tiếp theo.

Việc không chỉ nông sản mà cả ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại khi gia nhập WTO. Một trong những thách thức đó là mức độ cạnh tranh trong ngành chăn nuôi hiện tại rất là thấp, cụ thể như là năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm, giá cả sản phẩm chăn nuôi thị trường nội địa đều có mức cạnh tranh thấp hơn so với cạnh tranh quốc tế. Thách thức nữa là các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ phải đối mặt là trợ cấp của các nước giàu. Ví dụ một con bò của EU được hưởng trợ cấp một ngày là 2,62 USD, nhiều hơn thu nhập của người nông dân nghèo Việt Nam. Đây là một ví dụ để thấy trình độ phát triển chênh lệch quá lớn. Ngoài ra đối với những nước không còn dùng trợ cấp chăn nuôi như Australia, hoặc New Zealand thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đương đầu với hệ thống sản xuất rất hiện đại và hiệu quả. Một thách thức khác là Việt Nam sẽ không được tiếp cận với cơ chế tự vệ đặc biệt để chống lại những đột biến về nhập khẩu cho những mặt hàng chăn nuôi (thịt lợn, thịt bò).

Như vậy, trong trường hợp khi Việt Nam mở cửa thị trường một cách mạnh mẽ thì việc tăng các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu sẽ có tiềm năng tác động đến giá của các mặt hàng trong nước. Trong khi đó, trình độ sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam còn quá thấp, đặc biệt là của nhóm người nghèo thì họ phải cạnh tranh trên một sân chơi không bình đẳng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngành nông nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh, thu hút được tỷ lệ lợi nhuận thì cần phải giải quyết hai bài toán trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là lao động và phát triển những vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn. Giải quyết vấn đề này bản thân một mình nông nghiệp không làm được, mà đòi hỏi cả khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển để hút lao động ra, tạo thuận lợi cho tích tụ đất đai, sản xuất hàng hoá.

Về mục tiêu phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam, Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn 2006-2010, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ vươn lên thành ngành sản xuất chính với giá trị sản xuất chiếm 35-40% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Và

ngành chăn nuôi lợn sẽ có tốc độ tăng trưởng bình quân của đàn đạt khoảng 3,9%/năm và đến năm 2010, số lượng đầu con đạt 32,8 triệu, cho sản lượng thịt hơi 3,2 triệu tấn và thịt xẻ 2,24 triệu tấn. Để đạt được những mục tiêu này, phương thức chăn nuôi nhỏ phân tán trong nông hộ sẽ giảm từ 75% hiện nay xuống còn 60% vào năm 2010, thay vào đó là hình thức chăn nuôi tập trung (gia trại, trang trại), công nghiệp. Chất lượng đàn lợn thịt phải được nâng cao thông qua đổi mới cơ cấu giống theo hướng tăng tỷ lệ giống lợn ngoại và lợn lai với việc tăng số lượng lợn nái ngoại từ 9,6% hiện nay lên 19,2% vào năm 2010. Cả nước sẽ có khoảng 3-4 cơ sở chế biến thịt lợn xuất khẩu quy mô lớn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, với sản lượng thịt xuất khẩu 35-40.000 tấn/năm.

Giai đoạn 2006 - 2015, ngành chăn nuôi tập trung phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp, ưu tiên phát triển bò thịt; duy trì và phát triển bền vững chăn nuôi bò sữa và các loại vật nuôi khác theo lợi thế của từng vùng sinh thái. Cùng với những nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp, mối liên kết giữa các thành viên trong hiệp hội để nâng cao khả năng cạnh tranh và đối phó với những rủi ro trên thị trường, đồng thời đảm bảo quá trình sản xuất vệ sinh, an toàn là vấn đề cấp bách với ngành sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi hiện nay. Đặc biệt là đổi mới chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung công nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh, phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị nông nghiệp lên 30% vào năm 2010 và 35% vào năm 2015.

8.3.2. Thị trường thế giới

Theo tổ chức Lương thực thế giới (FAO) thì thị trường thịt thế giới năm 2007 dự kiến sẽ khắc phục được hậu quả của các dịch bênh như bệnh lở mồm long móng và bệnh BSE. FAO dự báo sản lượng thịt thế giới năm 2007 sẽ đạt 384,3 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2006. Sản lượng thịt bò thế giới dự kiến trong năm 2007 sẽ tăng 3,7% so với năm 2006, đạt 112 triệu tấn. Sản lượng thịt cừu và thịt dê thế giới cũng dự đoán tăng 2,2% so với năm 2006, đạt 13,8 triệu tấn. Về tình hình xuất khẩu thịt thế giới năm 2007 cũng sẽ tăng khoảng 6,3% so với năm 2006, đạt 22 triệu tấn. Xuất khẩu thịt bò thế giới cũng dự đoán đạt 7,2 triệu tấn, tăng 9,1% so với năm 2006 dơ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò được bãi bỏ của Brazil và Bắc Mỹ. Năm 2007 xuất khẩu thịt lợn cũng dự báo đạt 5 triệu tấn, tăng 4,2% so với năm 2006 do nhu cầu tăng mạnh ở Châu Á và các nước Liên bang Nga. Xuất khẩu thịt cừu và dê thế giới cũng dự báo tăng 12,5% so với năm 2006, đạt 900,000 triệu tấn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng thịt lợn của các thị trường chính trên thế giới năm 2007 sẽ tăng khoảng 4%, đạt trên 103 triệu tấn, trong đó Trung Quốc- nước chiếm hơn một nửa sản lượng trên - đóng góp 77% vào sự gia tăng này. Nhờ xuất khẩu của

Mỹ và Brazil gia tăng, xuất khẩu thịt lợn tại các thị trường chủ chốt năm 2007 có thể tăng gần 3%, đạt 5,3 triệu tấn.

Trung Quốc: Sản lượng và tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc dự đoán tăng đều tăng trên 5% trong năm 2007, lần lượt đạt mức kỷ lục gần 55,8 triệu tấn và 55,3 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt lợn năm 2006 và 2007 của Trung Quốc có thể thấp hơn so với các năm gần đây do giá cả mặt hàng này suy giảm. Tuy nhiên, tiêu thụ thịt lợn tại thị trường nội địa nước này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên khi dịch cúm gia cầm khiến cho nhu cầu sử dụng mặt hàng thay thế cho thịt gia cầm của người dân ngày càng cao.

Nhật Bản: Nhập khẩu thịt lợn của Nhật Bản năm 2007 dự đoán giảm gần 2%, xuống còn 1,2 triệu tấn. Tồn kho thịt lợn đạt mức cao kỷ lục và việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhập lậu của chính phủ là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhập khẩu mặt hàng này.

Brazil: Nhờ nhu cầu tiêu thụ nội địa gia tăng và hoạt động xuất khẩu hồi phục sau dịch bệnh lở mồm long móng (FMD) cuối năm 2005, sản lượng thịt lợn của Brazil dự đoán tăng gần 5% trong năm 2007, đạt 2,9 triệu tấn. Được biết, Nga là thị trường tiêu thụ thịt lợn chính của Brazil năm 2005, chiếm 67% xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2006, xuất khẩu thịt lợn của Brazil sang Nga đã giảm 44% so với cùng kỳ năm 2005, trong khi tăng lên tại một số thị trường mới như Hồng Kông, Singapore và Ukraina. Năm 2007, xuất khẩu thịt lợn của Brazil dự đoán tăng 6%, đạt 570,000 tấn.

Mỹ: Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ dự đoán đạt mức kỷ lục trên 1,4 triệu tấn trong năm 2007, chiếm 14,3% sản lượng. Do xuất khẩu của Brazil sang thị trường Nga sụt giảm, năm 2007, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang thị trường này có khả năng sẽ tăng lên.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nguồn cung thịt bò thế giới năm 2007 sẽ tiếp tục bị thắt chặt bởi ảnh hưởng tiêu cực từ những hạn chế mậu dịch liên quan tới bệnh bò điên (BSE) và lở mồm long móng (FMD). Mặc dù vậy, tổng xuất khẩu thịt bò của các thị trường chính năm 2007 dự đoán vẫn tăng trên 6% do ngành chăn nuôi bò ở một số nước không chịu tác động mạnh từ các dịch bệnh này (Argentina, Australia, Ấn Độ, New Zealand) và sản xuất đang dần hồi phục trở lại sau thời gian bị hạn chế về mậu dịch liên quan đến dịch bệnh (Brazil, Mỹ). Hiện nay, ngành thịt bò Canada và Mỹ vẫn chưa giành lại được hết thị phần đã mất tại các thị trường do ảnh hưởng của bệnh bò điên (BSE). Năm 2007, xuất khẩu thịt bò của Canada và Mỹ dự đoán giảm lần lượt 28% và 39% so với năm 2002. Tuy nhiên, xuất khẩu thịt bò của Mỹ đang trên đà hồi phục và năm 2007 có thể tăng 30% so với năm 2006, đạt 680,000 tấn.

Sản xuất và tiêu thụ thịt bò tại các thị trường chính trên thế giới năm 2007 dự đoán tăng trên 2%, trong đó tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến Trung Quốc, Brazil và Mỹ. Kể từ năm 2002, sản lượng thịt bò của Trung Quốc luôn đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm 5-7% và dự báo trong năm 2007 sẽ tiếp tục tăng trên 5% nhờ số lượng đàn gia súc và nhu cầu tiêu thụ nội địa mặt hàng này đều gia tăng. Cũng nhờ nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa gia tăng và việc nhiều nước nhập khẩu dỡ bỏ từng phần hoặc toàn bộ lệnh cấm nhập khẩu, sản lượng thịt bò của Brazil năm 2007 dự đoán tăng 3%. Cho dù đang phải nỗ lực chống lại dịch bệnh FMD, số lượng đàn bò của Brazil năm 2007 dự đoán vẫn tăng 4% nhờ sự gia tăng đầu tư vốn và cải thiện phương pháp chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo xuất khẩu thịt gà giò của các nước xuất khẩu chính sẽ tăng 4,1 %, lên đạt 6,7 triệu tấn trong năm 2007 sau khi đã giảm mạnh trong năm 2006. Kể từ năm 2004, xuất khẩu thịt gà giò của EU đã bắt đầu giảm và đặc biệt giảm mạnh trong năm 2006 do lệnh cấm nhập khẩu đối với thịt gà của Pháp được đưa ra khi cúm gia cầm bùng phát tại một trang trại của nước này. Tuy nhiên, xuất khẩu của EU dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2007 khi lệnh cấm này được dỡ bỏ. Trong khi đó, xuất khẩu thịt gà giò của Mỹ trong năm 2007 dự kiến tăng 2,2%, đạt 2,5 triệu tấn.

Sau khi xuất khẩu thịt gà giò của Braxin liên tiếp tăng trong giai đoạn 1999-2005, xuất khẩu giảm xuống vào năm 2006 do nhu cầu yếu ở các thị trường tiêu thụ chính của Braxin, đồng Real của Braxin tăng giá so với các ngoại tệ chính và những quan ngại về dịch cúm gia cầm có thể bùng phát khiến người tiêu dùng chuyển sang các loại thịt khác. Do vậy, ngành thịt gia cầm của Braxin phải đối mặt với tình hình dư cung. Tuy nhiên, dự kiến năm 2007, xuất khẩu sẽ hồi phục với mức tăng 2% lên đạt gần 2,6 triệu tấn khi mối quan ngại về cúm gia cầm giảm bớt cùng với chiến dịch tiếp thị, đang được ngành thịt gia cầm nước này xúc tiến mạnh mẽ, có thể kích thích nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại.

Năm 2007: Xuất khẩu thịt gà giò dự báo tăng 4,1%. Xuất khẩu thịt gà giò của các nước xuất khẩu chính có thể tăng 4,1 %, lên đạt 6,7 triệu tấn trong năm 2007 sau khi đã giảm mạnh trong năm 2006, và ít thay đổi về thị phần với Mỹ dự báo tăng lên đạt 37% trong khi Braxin giảm nhẹ xuống còn 38% và EU vẫn giữ mức 10%. Nhập khẩu thịt gà giò của EU năm 2007 dự kiến tăng khoảng 8%, đạt 645.000 tấn.

Nga, nước nhập khẩu thịt gà giò lớn nhất thế giới, dự báo giảm nhập khẩu trên 7%, xuống còn gần 1,2 triệu tấn do sản lượng thịt gà giò nội địa tăng vững trong những năm qua và dự kiến đạt mức kỷ lục vào năm 2007. Hiện Mỹ cung ứng trên 60% nhu cầu nhập khẩu thịt gà giò của Nga và phần còn lại chủ yếu là Braxin.

Tổng đàn lợn của EU – 25 năm 2007 dự báo sẽ đạt 404,8 triệu con, giảm nhẹ so với mức 405 triệu con năm 2006. Trong đó, khối lượng xuất của EU – 25 sẽ đạt khoảng 800.000 con, lượng giết mổ sẽ đạt 243,6 triệu con, tăng so với 243 triệu con của năm 2006.

Tuy nhiên, xét về mặt khối lượng, tổng sản lượng thịt lợn của EU – 25 năm 2007 dự báo đạt 21,5 triệu tấn, tăng nhẹ so với 21,45 triệu tấn dự tính đạt được trong năm nay. Xuất khẩu thịt lợn ra ngoài EU – 25 dự báo đạt 1,4 triệu tấn, tương đương với mức xuất khẩu của năm 2006. Tổng mức tiêu dùng thịt lợn của khối dự báo đạt 20,12 triệu tấn trong năm 2007, tăng nhẹ so với 20,07 triệu tấn năm 2006.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO TỔNG HỢP DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN VIỆT NAM 2006 (Trang 68 - 73)