5.1. Tình hình sản xuất trong nước
Năm 2006, năng xuất bình quân đạt kỷ lục 1.83 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 325.9 triệu tấn tăng 7.35% so với năm 2005. Năm 2006 cũng đánh dấu mức kỷ lục về năng xuất cao nhất. Các Công ty vùng Đông Nam Bộ đạt năng xuất 1.96 tấn/ha, trong đó có 7 công ty đạt từ 2- 2.38 tấn/ha. Mức năng xuất cao nhất đạt 2.5-2.68 tấn/ha tại 4 nông trường cao su vùng Đông Nam Bộ.
Cơn bão số 9 tháng 12 vừa qua gây ra thiệt hại khá lớn cho các công ty cao su ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, ước tính khoảng 426800 cây cao su bị gãy đổ, gây thiệt hại khoảng 160 tỷ đồng cho năm 2007. Vì vậy dự đoán sản lượng cao su năm tới có thể bị ảnh hưởng, nhưng với dự án trồng cây cao su tại Lào thì sản lượng cao su năm tới sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, đồng thời các công ty cao su bị ảnh hưởng do bão số 9 cũng đang tiến hành trồng mới lại số cây bị gãy đổ.
Trong định hướng phát triển từ nay đến 2010 của tổng Công ty Cao su Việt Nam, dự án trồng mới 100.000ha ở khu vực Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung sẽ sớm triển khai. Bên cạnh đó, dự án trồng 100.000ha cao su ở Lào và Campuchia cũng đang được thực hiện. Sau khi hoàn thành các dự án này, sản lượng mủ khai thác của Việt Nam sẽ tăng đáng kể phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thế giới.
Năm 2006, năng suất bình quân của toàn tổng Công ty Cao su Việt Nam đạt 1,83 tấn/ha, là mức cao nhất từ trước đến nay, đưa sản lượng lên mức 325.900 tấn, vượt hơn năm 2005 à 7.35%. Các công ty Đông Nam Bộ đạt năng suất 1.96 tấn/ha trên diện tích khai thác 143.570 ha, tăng 8% so với năm 2005, trong đó có 7 công ty đạt từ 2-2.38 tấn/ha.
5.2. Tình hình thị trường trong nước và thế giới
Giá cao su trong nước và xuất khẩu
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong năm 2006 cao su xuất khẩu đứng vị trí thứ 7 trong số các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và được đánh giá là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất. Xuất khẩu cao su đứng vị trí thứ hai sau gạo trong số các mặt hàng nông sản. Trong năm 2006, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 236.000 tấn cao su với trị giá đạt 419 triệu USD, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan, Cambodia và Indonesia. Tuy nhiên, phần lớn cao su chỉ tạm nhập khẩu vào Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc và theo dự đoán Việt Nam sẽ là điểm giao dịch cao su tạm nhập tái xuất trong tương lai gần khi các vườn trồng cao su tại Lào và Campuchia đi vào thu hoạch.
Năm 2006, giá cao su trong nước đánh dấu sự biến động mạnh mẽ. Năm đạt kỷ lục về giá cao su tăng cao. Các nguyên nhân tác động đến sự tăng giảm giá cao su trong nước bao gồm sự tăng giá dầu thô làm tăng giá cao su tổng hợp, nhu cầu tiêu dùng cao su ngày càng tăng nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất săm lốp ô tô cho thị trường sản xuất ô tô, và một nhân tố quan trọng khác là tình hình biến động của giá vàng trên toàn thế giới. Chuỗi giá cao su nội địa tại thị trường Gia Lai cho thấy, giai đoạn sáu tháng đầu năm đánh dấu sự tăng giá cao su một cách mạnh mẽ đối với cả ba sản phẩm SVR3L, SVR5 và SVR10. giá cao kỷ lục đạt 40 triệu đồng/1 tấn trong tháng 6. Trong sáu tháng cuối năm, giá cao su giảm mạnh và trở lại giá xuất phát điểm như hồi đầu năm. Nguyên nhân chính gây ra sự biến động giá cả trong nước là nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng mạnh giai đoạn đầu năm phục vụ nhu cầu săm lốp ô tô. Bên cạnh đó, thời tiết mưa to làm giảm sản lượng mủ cao su tự nhiên tại Thái Lan và Indonesia. Giai đoạn cuối năm, các kho dự trữ cao su Trung Quốc vẫn đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong khi đó các cường quốc cao su lại bước vào chính vụ thu hoạch và thời tiết tốt tạo điều kiện cho việc khai thác cao su được thuận lợi.
(Nguồn: Trung Tâm Thông Tin - Bộ Thương Mại)
Theo thống kê Vụ kế hoạch - Bộ Nông Nghiệp, cao su xuất khẩu của cả nước tăng trưởng hàng năm cả về lượng và trị giá. Trước năm 2003, cây cao su cho giá trị thu hoạch rất thấp, trước năm 2003, mỗi tấn cao su chỉ cho giá trị khoảng 500 USD. Tuy nhiên từ năm 2004 trở đi, giá trị xuất khẩu của 1 tấn mủ cao su tự nhiên đã tăng nhanh chóng lên hơn 1000USD, thậm chí đạt kỷ lục hơn 2000USD. Năm 2000, lượng cao su xuất khẩu đạt gần 300 nghìn tấn, và tăng hơn 400 nghìn tấn năm 2003, 600 nghìn tấn năm 2005 và đạt hơn 700 nghìn tấn trong năm vừa qua. Giá trị cao su xuất khẩu tăng trưởng đột phá, từ khoảng 200 triệu USD năm 2000, lên 600 triệu USD năm 2004 và đạt 1,3 tỷ USD trong năm 2006. Từ năm 2000 đến năm 2006, lượng cao su xuất khẩu tăng gần 3 lần, trong khi đó giá trị xuất khẩu tăng gần 12 lần (Đồ thị: Tình hình xuất khẩu cao su qua các năm). Có thể nói, ngành cao su Việt Nam đang phát triển vững mạnh, có tiếng vang trên trường quốc tế và đóng góp quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
(Nguồn: Vụ kế hoạch - Bộ Nông Nghiệp)
Thị trường gỗ cao su
Có thể nói gỗ cao su đang tăng dần vị thế sử dụng trong sản xuất đồ nội thất phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa ngày càng tăng. Theo thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam, bên cạnh nguồn gỗ cao su nội địa, năm 2006 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 315 718 m3 gỗ cao su với đơn giá trung bình là 228 USD/m3, chiếm khoảng 10% tổng khối lượng gỗ nhập vào Việt Nam. Các nguồn xuất khẩu gỗ chủ yếu cho Việt Nam là Campuchia, Malaysia và Thái Lan. Trong tương lai, Việt Nam sẽ là một nguồn cung cấp gỗ cao su với khối lượng lớn, phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao.
Thị trường thế giới
Trong năm 2006, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ tư về xuất khẩu cao su thiên nhiên trên thị trường quốc tế, sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Thị trường cao su thế giới trong năm qua cũng trải qua những diễn biến khá sôi động về giá cả. Trong hai quí đầu năm, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô trong khi nhu cầu tiếp tục tăng đã đẩy giá cao su tự nhiên tăng tới mức cao kỷ lục. Theo Bộ thương mại, giá cao su tự nhiên thế giới tăng tới 50% trong 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm, giá cao su giảm trên 40% so với thời điểm giá cao nhất.
Dưới đây là biểu đồ miêu tả giá cả của cao su tự nhiên trên các thị trường chính. Nhìn chung, sự biến động về giá cả cao su trên các thị trường có xu thế giống nhau. Giá cao su tại thị trường Singapore cao nhất, cao gấp hai lần giá cao su thấp nhất tại thị trường Trung Quốc. Giá cao su RSS1 Singapore và giá cao su Tokyo có mức độ dao động giá cả đột ngột và thay đổi mạnh hơn rất nhiều so với giá cao su ở các thị trường khác. Giá cao su ở các thị trường Thái Lan và Indonesia cũng biến động với xu hướng tương tự. Trong quí ba của năm, Trung Quốc đã cắt giảm lượng nhập khẩu cao su và có ý ép giá, đồng thời nguồn cung dồi dào nên giá cao su giảm mạnh. Sự kiện này đã gây hoang mang cho các nước sản xuất cao su lớn trên thế giới. Giải pháp được ba quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới đưa ra là cắt giảm sản lượng và cắt giảm xuất khẩu cao su tự nhiên tránh tình trạng giảm giá hơn nữa (Trung tâm Thông tin - Bộ Nông nghiệp). Kết quả là giá cao su đã ngừng giảm và có phần hồi phục trong những tháng cuối năm 2006.
Trong năm 2006, sản lượng của ba quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới (Thái Lan, Indonesia và Malaysia) tăng 3.43% so với năm 2005, tuy nhiên lượng cao su xuất khẩu chỉ tăng 0.61%. Tiêu thụ cao su trong nước tại ba quốc gia này cũng chỉ xấp xỉ 1%, trong khi đó sản lượng sản xuất được cao hơn lượng xuất khẩu. Điều này giải thích cho khối lượng cao su nhập khẩu bù đắp lượng cao su tiêu thụ trong nước giảm đáng kể so với năm 2005 (Bảng 1)
(Nguồn: Hiệp Hội Cao su Việt Nam)
Mặc dù giá cao su năm 2006 tăng cao tác động chậm lại tốc độ tiêu thụ cao su thế giới nhưng dự báo tiêu thụ sẽ mạnh dần lên trong năm 2007 (Trung Tâm Thông tin Thương Mại - Bộ Thương Mại).