Giải thích và nhận định

Một phần của tài liệu BÁO CÁO TỔNG HỢP DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN VIỆT NAM 2006 (Trang 26 - 32)

3. Ngành hàng Mía đường

3.2.Giải thích và nhận định

3.2.1. Sản xuất và thị trường trong nước

Theo số liệu của Hiệp hội mía đường, trong niên vụ 2005/06, cả nước có tổng cộng 37 nhà máy đường hoạt động, sản xuất được 905.400 tấn đường, thấp hơn năm trước 170.000 tấn. Theo tổng kết của Bộ nông nghiệp & PTNT, sản lượng đường thủ công cũng chỉ đạt 150.000 tấn, giảm 30.000 tấn so với năm trước. Quả là một nghịch lý khó tin khi Việt Nam đang trở thành một nước nhập khẩu đường và xu hướng này ngày càng rõ rệt mặc dù ta có điều kiện hết sức thuận lợi cho trồng mía.

Năng suất thấp và chất lượng mía giảm sút là hai yếu tố quan trọng khiến cho sản lượng đường của Việt Nam trong niên vụ 2005/06 không đủ đáp ứng nhu cầu. Ngoài nhân tố khách quan là thời tiết bất lợi, chất lượng mía giảm còn do các nhà máy thấy giá đường cao

đã vào sản xuất sớm và kéo dài, ép mía non với chữ đường thấp, lượng mía phải tiêu hao nhiều hơn, lên đến 10,7 mía/1 đường trong khi năm trước chỉ tốn 10,3 mía/1 đường.

Vụ sản xuất đường 2006-2007 vẫn với 37 nhà máy đường với tổng công suất thiết kế 82.150 tấn mía/ngày. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với lượng mía dồi dào, công suất phát huy đạt 90,7%, lượng đường sản xuất dự kiến đạt 1.087.200 tấn. Cùng với 150.000 tấn đường thủ công, cả nước sẽ có tổng cộng 1.237.200 tấn đường thì cân đối cung cầu vẫn còn thiếu hơn 100.000 tấn đường.

Trong khi đó, theo dự báo cách đây 3 năm, đến năm 2010, năng lực sản xuất đường trong nước (bao gồm cả đường công nghiệp và thủ công) là 1.500.000 tấn, nhu cầu tiêu thụ cần đến 1.605.708 tấn.

Những số liệu thực tế và dự báo trên cho thấy ngành mía đường đang thực sự cần một sự chuyển đổi mạnh mẽ để có thể đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập khi thuế suất nhập khẩu đường sẽ phải giảm dần từ 40% trong năm 2006 xuống còn 0-5% đến năm 2010. Hướng cơ bản và lâu dài của ngành mía đường là phải giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất của cả mía lẫn đường. Công việc trước tiên là phải hình thành và củng cố các vùng nguyên liệu chất lượng cao, không để kéo dài tình trạng trồng mía tự phát như hiện nay.

Để có được điều này, theo Cục nông nghiệp (Bộ NN & PTNT), chương trình mía đường phải gắn với quy hoạch chung về phát triển hạ tầng trên địa bàn. Các trục giao thông chính giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến phải được nâng cấp. Các tuyến giao thông nội đồng mía phải được tu bổ xây dựng để giảm thời gian và chi phí vận chuyển. Việc cải tạo, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu mía phải đi đôi với nâng cấp và củng cố các nhà máy đường.

Trong đàm phán để đi đến cam kết với WTO, Việt Nam đã thành công trong việc tiếp tục duy trì các biện pháp bảo hộ ngành mía đường. Tuy nhiên, trong những năm tới người tiêu dùng sẽ không còn phải ăn đường giá cao và sẽ có nhiều khó khăn cho nhà sản xuất mía đường. Theo các nhà sản xuất và kinh doanh đường, trong những năm tới sẽ không còn xảy ra những cơn “sốt giá” như thời gian qua, bởi lẽ nguồn cung đường trong nước rất dồi dào cộng với lượng đường nhập khẩu. Trong cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, đến năm 2012 Việt Nam sẽ cắt giảm 85% mức thuế nhập khẩu đường, cao nhất chỉ còn 6%. Tuy nhiên, trước mắt giá đường sẽ bị tác động bởi lộ trình giảm thuế của Khu vực Tự do mậu dịch ASEAN (AFTA). Theo đó, từ năm 2007 Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đường còn 30%, sau đó giảm thêm và chỉ còn 5% vào năm 2010.

Hiện nhiều nước là thành viên WTO vẫn áp dụng chính sách bảo hộ ngành mía đường. Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp, người nông dân và các doanh nghiệp mía đường Việt Nam vẫn phải tự xoay xở, các địa phương chưa có chính sách gì hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông để nâng cao năng suất mía và thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu. Đây là một bất lợi lớn cho ngành mía đường Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO.

Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ nông dân sau khi Việt Nam gia nhập WTO là có thể thực hiện được. Trong cam kết với WTO, Việt Nam được phép duy trì hỗ trợ không quá 10% giá trị sản lượng, chưa kể một khoản hỗ trợ khác khoảng 4.000 tỉ đồng/năm.

Hơn nữa, xu hướng tìm nguồn nhiên liệu sinh phẩm để thay thế nhiên liệu từ dầu mỏ sẽ là tất yếu và lâu dài. Có nghĩa rằng cơ hội phát triển của ngành công nghiệp đường thế giới nói chung cũng như ngành mía đường Việt Nam nói riêng sẽ khác với cơ hội của sốt giá vàng hay sốt giá dầu mỏ mấy năm gần đây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, những năm vừa qua, nền nông nghiệp Việt Nam và cụ thể là ngành mía - đường nước ta đã để tuột mất “cơ hội vàng” này. Chẳng những thế, Việt Nam phải nhập khẩu đường, với số lượng lớn và mỗi năm một tăng. Những hy vọng Việt Nam về khả năng tự túc được đường và dần chuyển hướng xuất khẩu xem ra rất khó có thể thực hiện được trong tương lai gần.

3.2.2. Sản xuất và thị trường thế giới

Có thể nói giá đường trên các thị trường kỳ hạn thế giới trong năm 2006 diễn biến hết sức phức tạp. Sau khi liên tục duy trì ở mức cao trong 5 tháng đầu năm, thị trường đã suy yếu rất mạnh trong quý cuối cùng và điều này dường như là một tất yếu khi một loạt các dự đoán cuối năm đưa ra cho rằng thị trường đường thế giới niên vụ 2006/07 sẽ ở trong tình trạng dư thừa cung.

Theo Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), dự báo tiêu thụ đường thế giới vụ 2006/07 sẽ đạt 152,1 triệu tấn, tăng 1,5% so với mức 149,9 triệu tấn vụ 2005/06, song thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân 2,4% của 10 năm qua. Sản lượng đường thế giới vụ 2006/07 có thể đạt 155,5 triệu tấn, tăng 4,3% so với vụ 2005/06 nhờ sự gia tăng sản lượng của Braxin, Nga, Mỹ, vùng Viễn đông Châu Á và Đông Âu, trong đó riêng sản lượng của các nước đang phát triển dự báo đạt 116,5 triệu tấn, tăng 9,7%.

Tiêu thụ đường của các nước đang phát triển vụ 2006/07 có thể đạt 104,3 triệu tấn, tăng 1,8% so với vụ trước, nhưng vẫn thấp hơn so với mức bình quân của các năm qua. Điều này đã phản ánh sự tác động tiêu cực của việc giá đường tăng cao trên thị trường quốc tế (đặc biệt là tại châu Phi và châu Á) trong khi cầu tiêu thụ các viên ngọt tinh bột thay thế tại

một số nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Mêxicô lại tăng lên. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đường tăng lên tại các nước đang phát triển, đặc biệt là tại Ấn Độ và vùng Viễn Đông châu Á. Đối với các nước phát triển, tiêu thụ đường bình quân đầu người vụ 2006/07 được dự đoán sẽ tiếp tục suy giảm trước những lo ngại về vấn đều sức khoẻ và sự phát triển của thị trường viên ngọt thay thế. Vụ 2006/07, tiêu thụ đường của các nước phát triển dự đoán tăng dưới 1% so với vụ 2005/06, lên đạt 47,9 triệu tấn.

Tiêu thụ đường vụ 2006/07 của khu vực Mỹ la tinh và Caribê dự đoán đạt 27,8 triệu tấn, tăng trên 1% so với vụ 2005/06, trong đó riêng mức tiêu thụ của Braxin và Mêxicô có thể tăng đạt lần lượt 11,3 triệu tấn và 5,6 triệu tấn.

Nhu cầu tiêu thụ đường tại các nước đang phát triển thuộc khu vực Viễn Đông châu Á vụ 2006/07 có thể đạt 54,9 triệu tấn, tăng 2,1% so với vụ trước, song vẫn thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 3,4% của 10 năm qua. Vụ 2006/07, tiêu thụ đường của Trung Quốc và Ấn Độ dự đoán đều tăng lên so với vụ trước, lần lượt đạt 12,9 triệu tấn và 21 triệu tấn. Tiêu thụ đường của vùng Cận Đông và châu Phi vụ 2006/07 dự đoán cũng đều tăng so với vụ trước, lần lượt đạt 11,9 triệu tấn (tăng 240.000 tấn) và 9,5 triệu tấn. Theo nhận định của FAO, tiêu thụ đường tại các nước phát triển vụ 2006/07 nhìn chung khá ổn định và dự đoán tăng 350.000 tấn (0,8%) so với vụ trước, lên đạt 47,9 triệu tấn, trong đó tiêu thụ đường của EU có thể đạt 17,8 triệu tấn. Vụ 2006/07, nhu cầu tiêu thụ đường của Bắc Mỹ và Nga dự đoán đều tăng nhẹ so với vụ trước, lần lượt đạt 10,7 triệu tấn và 6,6 triệu tấn. Về sản xuất, giá đường tăng cao trong 2 năm qua đã tạo động lực thúc đẩy các nhà sản xuất mở rộng diện tích canh tác, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu về ethanol cũng như nhiên liệu sinh học tăng lên đã tạo ra xu thế toàn cầu về việc đẩy mạnh sản xuất đường cũng như tiến trình đổi mới và xây dựng các nhà máy chế biến đường.

Sản lượng đường của khu vực Mỹ la tinh và vùng Caribê vụ 2006/07 dự đoán đạt 51,4 triệu tấn, trong đó sản lượng của Braxin có thể đạt mức kỷ lục 31 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với vụ 2005/06. Năm 2007, sản lượng mía đường của Mỹ la tinh và vùng Caribê dự đoán đạt 420 triệu tấn.

Sản lượng đường của các nước đang phát triển thuộc châu Phi vụ 2006/07 có thể tăng nhẹ so với vụ trước, đạt 10,6 triệu tấn, nhờ sự gia tăng sản xuất mặt hàng này tại Ai Cập, Kenya, Mauritius, Mozambique và Sudan. Hiện nay, Ai Cập đang tiếp tục đầu tư vào ngành củ cải đường và có kế hoạch thành lập 5 nhà máy chế biến đường mới, trong đó nhà

máy đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2007. Nhờ tiến hành đầu tư vào các nhà máy chế biến đường xuất khẩu trong thời gian gần đây, sản lượng đường của Mozambique dự đoán sẽ đạt gần 300.000 tấn trong vụ 2006/07, tăng mạnh so với mức 40.000 tấn vào cuối những năm 1990.

Theo FAO, sản lượng đường của khu vực Viễn Đông Châu Á vụ 2006/07 dự báo sẽ đạt 52,7 triệu tấn, tăng 6,9 triệu tấn (15,1%) so với vụ trước do các nhà sản xuất phản ứng tích cực với giá đường tăng cao và sự gia tăng nhu cầu về ethanol. Sản lượng đường vụ 2006/07 của tất cả các nước sản xuất chính trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Thái Lan, được dự báo đều tăng lên, trong đó riêng sản lượng đường của Ấn Độ có thể đạt mức kỷ lục 24 triệu tấn nhờ hàng loạt các yếu tố hỗ trợ như diện tích trồng mía được nâng lên, giá đường nội địa tăng cao và thời tiết diễn biến thuận lợi tại miền nam và trung nước này.

Nhờ giá đường nội địa tăng cao cùng năng suất thu hoạch mía cao, sản lượng đường vụ 2006/07 của Trung Quốc được dự đoán tăng 15% so với vụ 2005/06, lên đạt 11,3 triệu tấn. Sản lượng đường của Thái Lan có thể đạt 6,9 triệu tấn, tăng 30% so với vụ 2005/06, trong khi Indonesia đạt 2,5 triệu tấn, tăng 200.000 tấn. Năm 2007, thị trường Philippines được dự báo cũng sẽ dư thừa đường cho xuất khẩu.

Sản lượng đường của các nước phát triển vụ 2006/07 dự đoán giảm 9,1% so với vụ trước, xuống còn 39,1 triệu tấn, trong đó sản lượng của Liên minh Châu Âu (EU) có thể giảm 23% (từ 21,4 triệu tấn vụ 2005/06, xuống còn 16,5 triệu tấn vụ 2006/07) do ảnh hưởng của chính sách cải cách đường. Vụ 2006/07, sản lượng đường của Nga, Mỹ dự báo lần lượt đạt 3,1 triệu tấn và 7,6 triệu tấn, tăng tương ứng 15% và 14% so với vụ trước, trong khi Nam Phi và Australia có thể giảm xuống còn các mức tương ứng 2,4 triệu tấn và 4,9 triệu tấn do thời tiết diễn biến khắc nghiệt như khô hạn và mưa lớn.

Nguồn: Global Trade Information Services (GTIS)

Trên thị trường xuất khẩu thế giới, Braxin vẫn là nước chiếm ưu thế với 71,39% thị phần trong tổng khối lượng xuất khẩu đường mía thô 18.193.798 tấn của thế giới trong năm 2006, tiếp sau là Guatemala và Thái Lan với tỷ lệ tương ứng 7,32% và 6,84%. Đối với đường củ cải, Nam Phi là nước dẫn đầu, với thị phần 65,18% trong tổng số 479.037 tấn đường thô xuất khẩu, tiếp theo là Mỹ và Anh, các nước còn lại chỉ chiếm 13,8% trong tổng khối lượng xuất khẩu đường củ cải của thế giới.

3.3. Kết luận

Vấn đề nan giải bấy lâu nay của ngành đường Việt Nam tiếp tục lặp lại trong năm 2006, đó là sự tự phát trong quy hoạch vùng nguyên liệu và thiếu thống nhất hợp tác trong quá trình thu mua mía của các nhà máy đường. Chính điều này đã dẫn tới sự biến động lên xuống thất thường trong giá thu mua mía và giá đường trên thị trường. Cuối cùng không ai khác, nông dân là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Vai trò của các cơ quan chức năng và các nhà máy đường dường như vẫn chưa phát huy được nhiều trong việc ổn định cung cầu, sắp xếp quy hoạch hợp lý các vùng nguyên liệu cũng như đưa ra mức giá thu mua thống nhất cho nông dân. Vì vậy, các cơ quan này cần có sự đổi mới, thống nhất trong cách điều hành sản xuất và thị trường để ổn định giá, giúp nông dân yên tâm sản xuất lâu dài.

Trong cam kết gia nhập WTO, đến năm 2012, Việt Nam sẽ phải cắt giảm 85% mức thuế nhập khẩu đường, cao nhất chỉ còn 6%. Trước mắt, giá đường trong nước sẽ chịu tác động bởi lộ trình giảm thuế của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Tuy nhiên, có một thực tế là, trong khi nhiều nước thành viên WTO vẫn áp dụng chính sách bảo hộ ngành mía

đường, thì nông dân và các doanh nghiệp mía đường Việt Nam hầu như vẫn phải tự xoay sở, thiếu sự hỗ trợ của nhà nước và địa phương. Đây là một bất lợi lớn mà ngành mía đường Việt Nam đã và đang trải qua khi gia nhập WTO và hy vọng chúng ta có thể khắc phục được trong tương lai gần.

4. Ngành hàng Chè

Một phần của tài liệu BÁO CÁO TỔNG HỢP DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN VIỆT NAM 2006 (Trang 26 - 32)