Diễn biến sản xuất và thị trường trong nước

Một phần của tài liệu BÁO CÁO TỔNG HỢP DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN VIỆT NAM 2006 (Trang 42 - 45)

6. Ngành hàng Rau quả Miền Bắc

6.1.Diễn biến sản xuất và thị trường trong nước

Tình hình sản xuất và thị trường rau quả trong nước năm 2006 diễn biến khá phức tạp, bên cạnh yếu tố mùa vụ thông thường, còn do 2 nguyên nhân chính sau:

- Thời tiết diễn biến thất thường ảnh hưởng tới công tác sản xuất và gây khó khăn cho công tác vận chuyển hàng hoá. Nắng nóng kéo dài trong tháng 7, tiếp theo là những trận mưa lớn gây ngập úng ở nhiều địa phương trong tháng 8 và cơn bão số 6 hoành hành ở các tỉnh miền Trung kéo theo nhiều mặt hàng rau quả tăng giá, ngay cả khi vào thời điểm chính vụ.

- Tác động của việc tăng giá xăng dầu, giá cước vận chuyển và giá các hàng hoá dịch vụ

khác khiến cho giá tất cả các sản phẩm tăng đồng loạt, và rau quả cũng không nằm ngoài số đó.

Đây là những yếu tố chính khiến giá của nhiều mặt hàng rau hoa quả liên tục ở mức cao kể từ giữa năm 2006. Hình 1, 2, 3 mô tả diễn biến giá 3 loại quả là cam sành, thanh long và xoài trong năm 2006.

Có thể nói, quý I là thời gian rất nhạy cảm đối với giá cả các mặt hàng nói chung vì rơi vào dịp tết nguyên đán cũng như thời điểm có nhiều lễ hội diễn ra. Tết nguyên đán 2006 vào cuối tháng 1, nên giá của nhiều mặt hàng rau quả đứng ở mức cao, tuy nhiên sang đến tháng 2, nhiều loại rau giá đã giảm do nguồn cung tăng (su hào, cà chua, bắp cải...) và nhu cầu giảm, trong khi đó giá nhiều loại trái cây tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (xoài, cam sành, thanh long).

Trong tháng 4: Một số loại rau, quả vụ đông do vào cuối vụ nguồn cung giảm nên giá tăng (bắp cải, cà chua, su hào, cam, quýt…), trong khi đó, một số loại rau, quả vụ Hè nguồn cung tăng dần nên giá giảm (rau cải, rau muống, cà tím, xoài...).

Đến tháng 5: Tuy nhiều loại rau, quả bước vào vụ nguồn cung tăng nhưng do tác động của việc tăng giá xăng dầu, giá cước vận chuyển và giá các hàng hoá dịch vụ khác tăng nên giá nhiều loại rau, quả, trái cây tăng trung bình từ 10-15% (hình 1). Sang tháng 6, mặc dù nhiều loại rau, quả trái cây đã vào chính vụ, song giá nhiều loại rau quả giảm không nhiều, thậm chí một số loại trái cây giá còn cao hơn so với mọi năm như vải, chôm chôm, chuối.... Lý do vẫn là bởi chi phí sản xuất tăng, cộng với thời tiết bất lợi tác động đến sản lượng và nguồn cung đưa ra thị trường.

Nguồn: www.agro.gov.vn

Trong quý III, diễn biến thời tiết phức tạp khiến cho giá các mặt hàng rau quả liên tục đứng ở mức cao. Tháng 7, thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với những trận mưa lớn và một số

loại trái cây đã vào cuối vụ khiến giá rau cải, bắp cải, cà chua, dưa leo, đậu cô ve, cam sành tăng vọt.

Sang đến tháng 8, do mưa lớn diễn ra tại nhiều địa phương, gây ngập úng, mặt khác một số loại rau, trái cây đang chuyển vụ cùng với tác động của phí vận chuyển tăng nên giá nhiều loại rau, củ, trái cây tăng giá (rau muống, rau cải, bí xanh, nhãn, nho,v.v…), với mức tăng 10 - 20% (có loại rau tăng ở mức cao hơn). Tình trạng này tiếp tục tái diễn trong tháng 9. Quý IV, giá các mặt hàng bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt. Trong tháng 10, do nhiều loại rau, quả đang bước vào vụ, nên nguồn cung trên thị trường khá phong phú, giá nhiều mặt hàng tuy vẫn còn ở mức cao nhưng một số mặt hàng đã bắt đầu chiều hướng giảm dần (rau cải, củ cải, su hào, cà chua,…). Riêng ở những vùng chịu ảnh hưởng của bão số 6 (đặc biệt ở Đà Nẵng, Quảng Nam), do rau, quả bị thiệt hại, nguồn cung giảm mạnh nên giá rau củ tăng cao sau bão.

Tháng 11: Do nhiều loại rau vụ Đông đã vào vụ, nguồn cung trên thị trường tăng nên giá nhiều mặt hàng giảm dần. Những ngày cuối tháng giá rau củ tăng tại một số địa bàn do mưa đá và lốc xoáy. Đến tháng 12, do ảnh hưởng của mưa đá, thời tiết khô hạn, rét, tác động của bão số 9, nên nhiều loại rau, quả tiếp tục giữ ở mức cao.

Trong năm 2006, thị trường rau quả nội địa Việt Nam tiếp tục bị lấn át bởi rau quả Trung Quốc. Có thể giải thích bằng 3 lý do chính sau: giá thấp hơn sản phẩm cùng loại của Việt Nam từ 1.000 – 3.000 đồng/kg. Quan trọng hơn, rau quả Trung Quốc có thể giữ được lâu hơn. Điều này chứng tỏ công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Trung Quốc đã đạt trình độ cao. Một yếu tố khác rất quan trọng để hàng Trung Quốc ngày càng lấn sân hàng Việt Nam là buôn bán hàng Trung Quốc lời hơn hàng Việt Nam. Theo giới tiểu thương ở các chợ đầu mối hoa quả Tp.HCM thì lợi nhuận sẽ tăng lên 1,5 lần.

Như vậy, nếu không có những biện pháp hữu hiệu trong việc canh tác và có các công đoạn xử lý sau thu hoạch thì hậu quả tất yếu là hàng Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn sân trên thị trường Việt Nam. Khi đó, các chợ đầu mối có nguy cơ trở thành nơi tiêu thụ hàng nông sản cho Trung Quốc.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO TỔNG HỢP DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN VIỆT NAM 2006 (Trang 42 - 45)