8. Ngành hàng Chăn nuô
8.1.2. Cung cầu thịt và trứng trong nước
Năm 2006, ngành chăn nuôi Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn; giá sản phẩm chăn nuôi liên tục xuống thấp từ quý 2 (thấp hơn cả giá thành sản xuất), giá thức ăn chăn nuôi vẫn giữ ở mức cao, đặc biệt sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài tràn vào cạnh tranh với thị trường
trong nước. Nhiều trang trại chăn nuôi lớn, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi lợn đang trong tình trạng lỗ nặng.
Từ đầu quý 4/2006 thịt gà ngoại nhập khẩu vào thị trường Việt Nam với số lượng ngày càng nhiều, đặc biệt là thị trường TP.HCM với số lượng hơn 400 tấn/tháng (trước đó chỉ khoảng trung bình 100 tấn/tháng). Việc gia cầm ngoại chiếm gần 20% thị phần TP.HCM khiến người nuôi gia cầm công nghiệp và doanh nghiệp chế biến rất lo lắng. Thịt gà ngoại đa phần của Mỹ, Brazil và Argentina, trước chủ yếu bày bán ở các siêu thị, nhà hàng, nay đã bày nhiều ở các chợ lớn nhỏ trong thành phố. Theo tính toán của các chuyên gia thị trường, lấy mức trung bình 400 tấn/tháng thì mỗi ngày chừng 13 tấn đùi cánh đông lạnh được nhập khẩu. Trong khi đó theo Chi cục Thú y, hiện thị trường TP.HCM tiêu thụ mỗi ngày hơn 41,000 con gia cầm, tương đương 60 tấn. Như vậy, cánh, đùi gà nhập khẩu đã chiếm xấp xỉ 20% thị phần. Nhận định của Phòng Tổng hợp thuộc Chi cục Thú y TP.HCM, đây là mức tăng khá chóng mặt. Trước đó, khoảng tháng 5 năm 2006, thịt gà ngoại đông lạnh mới bắt đầu chia sẻ thị phần tại hai thị trường lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội. Trong vòng 4 tháng (tính đến đầu tháng 9 năm 2006) trung bình mức nhập khẩu thịt gà chỉ khoảng 100 tấn/tháng – chiếm khoảng 3-5% thị phần.
Câu hỏi đặt ra là liệu trong thời gian tới, đặc biệt là khi Viêt Nam gia nhập WTO với rất nhiều mức thuế nhập khẩu được cắt giảm, thì liệu thịt gà Việt Nam có mất tiếp thị phần hay không? Phân tích của giới kinh doanh gia cầm cho thấy, có rất nhiều yếu tố để dự báo được điều này. Thực ra người tiêu dùng Việt Nam không thích ăn thịt gà đông lạnh, thậm chí cả gà ta nuôi công nghiệp vì thịt bở. Tuy nhiên khi bùng nổ cúm gia cầm cùng bệnh cúm ở người (H5N1) yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Trong khi đó đùi cánh gà ngoại nhập được Trung tâm Thú y vùng kiểm dịch đầu vào, Chi cục Thú y kiểm soát đầu ra. Vì vậy người tiêu dùng đã chấp nhận mà bằng chứng chính là sự tăng vọt lượng nhập khẩu như đã nói trên. Giá cả cũng là yếu tố song hành. Giá thịt gà ngoại nhập vào Việt Nam trung bình khoảng 11.000 Đồng/kg, cộng thuế nhập khẩu, chi phí hải quan kiểm dịch, VAT... khoảng 30% thì giá thành sẽ khoảng 20.000 – 24.000 Đồng/kg đùi, cánh gà. Giá bán ra đến tay người tiêu dùng trung bình khoảng 35.000 Đồng/kg, rẻ gần một nửa so với đùi gà ta (loại gà công nghiệp). Việc Việt Nam gia nhập WTO chỉ còn tính từng ngày. Khi đó thuế nhập khẩu các sản phẩm gia cầm của Mỹ và các nước trong WTO vào Việt Nam giảm thì việc gia cầm ngoại càng có thêm cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Tất nhiên người tiêu dùng được lợi nhưng người chăn nuôi và giới kinh doanh gia cầm nội có thể phải nhường bước cho nhà nhập khẩu.
Cùng với thịt gà nhập khẩu thì thị trường thịt bò hiện cũng được nhập khẩu với lượng đáng kể vào Việt Nam. Hiện mỗi năm, ngành chăn nuôi cung cấp cho thị trường khoảng 100.000 tấn thịt bò, đây là con số quá thấp so với nhu cầu. Theo thống kê của Bộ Thương mại, năm 2005, nhập khẩu thịt bò từ Mỹ của Việt Nam đạt 1 triệu USD, cao gần gấp đôi so với năm 2003. Nếu thực hiện các quy định miễn, giảm thuế, rất có thể thịt bò Mỹ sẽ lấn chiếm đa phần thị phần thịt bò Việt Nam.
Tình hình nhập khẩu lậu gia cầm từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh biên giới trong năm 2006. Ở Việt Nam, phần lớn gia súc, gia cầm đều được giết mổ nhỏ lẻ tại chỗ nên lực lượng Thú y rất khó kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ. Chắc chắn cũng sẽ có một một lượng gia súc, gia cầm nhập lậu từ các tỉnh biên giới ồ ạt vào nước ta trong dịp này bởi thời gian trước Tết, giá gà Trung Quốc rất rẻ, chỉ khoảng 20,000 đồng/kg.
Càng gần Tết Nguyên đán thì nhu cầu về trứng gia cầm của người tiêu dùng càng tăng mạnh. Nhu cầu tăng càng làm cho tình hình nhập lậu trứng gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam nhiều hơn. Hiện nay, trên thị trường nước ta, đặc biệt là các tỉnh phía Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều trứng nhập lậu từ Trung Quốc. Đây là loại trứng có mẫu mã đẹp, lòng đỏ to tròn nhưng có chứa hoá chất SR VI - một loại chất nhuộm mầu trong công nghiệp, có khả năng gây ung thư. Loại phẩm màu này thường được dùng để trộn với bột ớt, tạo màu đỏ tươi.
Cũng trong thời điểm quý 4, tại khu vực phía Nam, trước những thông tin các mẫu thịt lợn xét nghiệm có tồn dư hóc môn kích thích tăng trưởng cho thấy tình trạng sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi đang ở mức báo động, đe dọa trực tiếp sức khỏe của người tiêu dùng. Không những vậy nó cũng gây không ít khó khăn với thị trường cung cầu thịt nói chung và chắc chắn những người chăn nuôi chân chính càng cận kề với bờ vực phá sản.
Bên cạnh đó, tại miền Bắc (16 tỉnh) chương trình nuôi bò sữa đang bên bờ vực phá sản, gây thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Tình trạng nhập lậu lợn và gia cầm vẫn xảy ra ở một số tỉnh biên giới làm cho thị trường và bệnh tật khó kiểm soát. Tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn xuất hiện nhiều sản phẩm gia cầm và thịt lợn nhập lậu qua Trung Quốc. Riêng trong tháng 8/2006, các lực lượng chống buôn lậu tỉnh Cao Bằng đã phát hiện, bắt giữ và tiêu huỷ 318 kg thịt gà, vịt và 260 kg thịt lợn thương phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc nhập lậu qua các đường mòn biên giới. Với ưu thế giá rẻ, gà thương phẩm chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, bằng 1/3 giá thịt gà thương phẩm trong nội địa nên mặt hàng này đang trở thành loại hàng hoá đem lại lợi nhuận lớn cho các đối tượng buôn lậu và được tiêu thụ rất nhanh.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cung cầu thịt nội địa, dịch lở mồm long móng có xu hướng giảm năm 2006, tại thời điểm cuối quý 2, trên cả nước có 25 tỉnh/thành phố có ổ dịch nhưng đến cuối quý 3, toàn quốc còn 7 tỉnh/thành phố chưa công bố hết dịch lở mồm long móng (Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Giang, Lào Cai, Hà Nội, Quảng Ngãi) và đến hết quý 4 thì còn 5 tỉnh dịch chưa qua 21 (Cao Bằng, Tuyên Quang, TP. Cần Thơ, Lâm Đồng và Sóc Trăng). Tuy nhiên, sau gần một năm khống chế được thì dịch cúm gia cầm thì lại tái phát vào tháng 12/06. Tính đến cuối quý 4 dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 18 xã, phường của 9 huyện thuộc 3 tỉnh (Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang). Tình hình dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng diễn biến phức tạp luôn luôn tín hiệu xấu cho thị trường thực phẩm và việc các mặt hàng thực phẩm tăng giá là điều khó tránh.
Sau ba năm liên tiếp bị dịch cúm gia cầm “tàn phá”, các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn với dịch lở mồm long móng ở gia súc. Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam (VFA) cho biết, dịch lở mồm long móng lần này gây thiệt hại cho các doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với các đợt dịch cúm gia cầm. Tuy VFA chưa thống kê cụ thể mức độ thiệt hại nhưng qua thông tin từ các nhà máy sản xuất thức ăn ở Đồng Nai, vùng có nhiều nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi có công suất lớn trong nước, mức tiêu thụ của các doanh nghiệp bị giảm mạnh, nhiều nhà máy không thu hồi được tiền nợ bán “gối đầu” sản phẩm cho các đại lý, chủ trang trại chăn nuôi ở các tỉnh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện khẩn về việc tập trung huy động các nguồn lực của địa phương cùng với sự hỗ trợ của trung ương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch lở mồm long móng. Tuy nhiên, vấn đề tài chính cũng cần quan tâm trong công tác phòng chống dịch, một chuyên gia thú y cho biết Việt Nam cần khoảng 25 - 100 triệu đôla Mỹ hàng năm để mua vắc xin chích ngừa cho toàn bộ đàn gia súc móng guốc, bao gồm bốn loài chính là heo, bò, trâu và dê. Đây là khoản tiền vượt quá khả năng của ngành nông nghiệp.
Để bình ổn thị trường trường thịt, nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc bị tiêu huỷ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất mức hỗ trợ khoảng 70% giá trị của con gia súc. Theo đó, mức hỗ trợ bình quân là khoảng 10.000 Đồng/kg đối với lợn. Để ngăn chặn tái phát dịch cúm gia cầm, Bộ NN-PTNT chỉ đạo tiếp tục dừng ấp nở thủy cầm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm quy định, đặc biệt là các thành phố lớn. Ngành thú y cũng tổ chức các đợt kiểm tra từ cơ sở giết mổ đến cửa hàng kinh doanh và ăn uống, sẽ xử lý nghiêm, kể cả kiến nghị rút giấy phép nếu vi phạm. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất thức ăn cần chủ động gắn với nhà
chăn nuôi, vùng chăn nuôi để cung ứng thức ăn chăn nuôi chất lượng, chủ động thị trường, cùng chia sẻ với người chăn nuôi trong lúc khó khăn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của bệnh lở mồm long móng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã có công văn số 5429/NHNN-TD chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện khoanh nợ và tiếp tục cho vay vốn đối với các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã chăn nuôi gia súc của trung ương và địa phương trên cả nước có gia súc bị tiêu huỷ. Đối tượng được xử lý khoanh nợ gồm những cá thể nói trên đã vay vốn các tổ chức tín dụng còn dư nợ đến ngày 30/4/06 đối với các khoản nợ trong hạn, nợ đến hạn. Thời gian khoanh nợ trong thời gian một năm đối với các chủ chăn nuôi lợn, kể từ ngày 30/4/06 đến 30/4/07. Trong thời gian khoanh nợ, các tổ chức tín dụng không được phép thu nợ lãi tiền vay phát sinh đối với số dư nợ được khoanh.