Nhận định và dự báo

Một phần của tài liệu BÁO CÁO TỔNG HỢP DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN VIỆT NAM 2006 (Trang 48 - 50)

6. Ngành hàng Rau quả Miền Bắc

6.3. Nhận định và dự báo

Tổng Công ty Rau quả Việt Nam cho rằng, chúng ta thua kém các nước không chỉ ở chất lượng kém, kích cỡ không đều mà còn nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Công nghệ bảo quản kém cũng khiến sản phẩm dễ bầm dập, hao hụt nhiều. Chính các yếu tố này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam.

Theo dự báo của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), nhu cầu tiêu thụ rau quả của thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, trong khi sản lượng rau quả chỉ tăng 2,8%/năm. Nhưng có một thực tế đáng buồn là rau quả của Việt Nam vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu mặc dù ta có thế mạnh trong sản xuất các loại cây đặc sản, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.

Trong năm 2006, chỉ riêng thị trường châu Âu đã nhập khẩu hơn 11 triệu tấn rau quả, xuất khẩu gần 4 triệu tấn, trong khi sản lượng rau quả của khu vực này là 92,2 triệu tấn. Các quốc gia phát triển vẫn là các nước nhập khẩu nhiều rau quả trong đó EU là thị trường nhập khẩu rau quả chủ yếu. Nhu cầu nhập khẩu rau dự báo sẽ tăng khoảng 1,8%/năm trong đó các nước EU như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan…là những nước nhập khẩu rau chủ yếu. Với nhu cầu nhập khẩu rau quả lớn của thị trường EU, TS Võ Mai - chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào việc trái cây của ĐBSCL sẽ sớm có chỗ đứng trên thị trường châu Âu. Tuy nhiên, để thâm nhập một thị trường khó tính như EU không phải là điều dễ dàng. Để có thể đạt được tiêu chuẩn EUREPGAP của EU, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả phải kết hợp, hỗ trợ với nông dân xây dựng và thực hiện các qui trình an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng hóa chất độc và vi sinh vật hại, kiểm tra chất lượng, chứng minh xuất xứ, thông tin triển khai và phản hồi, cung ứng ổn định cả năm, đồng thời giảm chi phí hậu cần (hiện tại là 30%), xây dựng kế hoạch sản xuất theo yêu cầu thị trường.

Trong bối cảnh đã là thành viên của WTO, ngành rau quả Việt Nam thực sự cần phải chuyển đổi sớm sang hình thức sản xuất tập trung thông qua liên kết, hợp tác. Tổ chức lại sản xuất trái cây đồng bộ là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hội nhập. Trong đó, vấn đề liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với nhà khoa học, cùng với vấn đề sản xuất giống và giống cây đầu dòng, vấn đề sản xuất an toàn (GAP), vấn đề công nghệ sau thu hoạch cần phải được ưu tiên hàng đầu.

Để có thể tạo dựng chỗ đứng cho trái cây trên thị trường thế giới, theo TS Mai, vai trò quyết định thuộc về Nhà nước thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, hệ thống thủy lợi, qui hoạch đồng bộ…), trung tâm xử lý đóng gói, tăng cường khuyến nông, khuyến khích kinh tế tập thể, xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển thị trường.

6.4. Kết luận

Trong chiến lược của ngành nông nghiệp, rau quả được xác định là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, thực tế thị trường thời gian gần đây khiến người ta phải nghi ngờ về tính khả thi của mục tiêu này. Con số thống kê cho thấy, trái cây Việt đang ngày càng thu hẹp và mất dần thị trường xuất khẩu. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, nếu năm 2001, trái cây Việt được xuất khẩu đến 42 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 330 triệu USD, thì năm 2005 chỉ còn lại 36 nước, kim ngạch cũng giảm mất gần một nửa.

Trong khuôn khổ WTO, trái cây không phải là mặt hàng được ưu tiên bảo hộ đặc biệt. Theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), năm nay thuế

suất cho trái cây lưu chuyển từ nước này sang nước khác trong nội bộ khối ASEAN chỉ còn ở mức là 0-5%. Với mức thuế này, trái cây Thái Lan và các nước khác sẽ dễ dàng xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Với tư cách là thành viên của WTO, ngành hàng trái cây cần nâng cao chất lượng, hạ giá thành và duy trì bền vững các ưu thế đặc trưng. Và chỉ nên tập trung phát triển những mặt hàng thực sự mang đặc trưng, hương vị Việt Nam thì mới có cơ hội cạnh tranh thắng lợi. Đặc biệt cần bảo tồn các nguồn gien nội địa đặc sản như bưởi Năm Roi, bưởi Phúc Trạch, Đoan Hùng, xoài cát Hoà Lộc… rồi qui hoạch phát triển theo từng vùng sinh thái…

Xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam cũng là một yêu cầu cấp thiết để khẳng định hình ảnh và bảo vệ sản phẩm xuất khẩu của nước ta vì có đến 90% trái cây Việt Nam phải núp bóng dưới các nhãn và thương hiệu nước ngoài.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO TỔNG HỢP DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN VIỆT NAM 2006 (Trang 48 - 50)