i. Đánh giá, kết luận dự án
3.3.2. Nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án
Để đảm bảo an toàn trong cho vay, ngân hàng xem xét 3 yếu tố chính của khách hàng: uy tín, hiệu quả dự án và tài sản bảo đảm. Trong đó, yếu tố hiệu quả dự án được chi nhánh NHNo&PTNT Bắc Hà Nội rất quan tâm, đặc biệt là hiệu quả về mặt tài chính. Thông qua thẩm định tài chính dự án, cán bộ thẩm định sẽ dự tính được các yếu tố tác động tới quá trình kinh doanh của khách hàng trong tương lai, mối liên hệ giữa sức mạnh tài chính của khách hàng hiện tại và kết quả dự án sẽ đạt được.
Hiện nay, thẩm định tài chính dự án tại chi nhánh được tiến hành chủ yếu thông qua thẩm định các chỉ tiêu NPV, IRR, độ nhạy dự án và thời gian hoàn vốn. Tuy nhiên, như đã phân tích ở chương II, việc tính toán các chỉ tiêu này ở chi nhánh còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, theo em, cán bộ thẩm định cần quan tâm hơn nữa đến các yếu tố sau:
Chỉ tiêu NPV
Thông thường, cán bộ thẩm định sẽ lựa chọn dự án có NPV>0 (tức là đầu tư vào dự án tạo ra giá trị tăng thêm cho chủ đầu tư), trường hợp có nhiều dự án thì sẽ chọn dự án có NPV dương và lớn nhất. Để tính toán chính xác NPV, cán bộ thẩm định của chi nhánh cần phải xuất phát từ nguyên tắc giá trị thời gian của dòng tiền: tiền có giá trị khác nhau theo thời gian. Cần phải tính doanh thu, chi phí hàng năm của dự án dựa trên công suất thực tế của năm đó cùng với mức giá ước định và quy tất cả số tiền phát sinh trong cùng một kỳ vào cuối kỳ để đánh dấu mốc cho việc tính toán. Quan tâm tới điều này giúp cán bộ thẩm định nhận xét, đánh giá so sánh đúng đắn hơn về những khoản tiền hiện tại những thời điểm khác nhau của dự án, đồng thời tính đến cả chi phí cơ hội khi dự án được thực hiện. Người thẩm định cũng không nên chỉ dựa hoàn toàn vào số liệu do chủ doanh nghiệp cung cấp mà cần phải có sự
thẩm tra, đối chiếu với thực tế thị trường và qua nhiều nguồn thông tin khác nhau.
Một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng, quyết định trực tiếp đến NPV của dự án là lãi suất chiết khấu được chọn để tính toán. Khi mới thực hiện, chi phí dự án thường lớn hơn doanh thu và các lợi ích của dự án chỉ thực sự xuất hiện khi dự án đã đi vào hoạt động ổn định. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng, khi lãi suất tăng, giá trị ròng của dự án sẽ nhanh chóng giảm xuống do giá trị ròng chi phí lớn hơn lợi ích, NPV chuyển từ dương sang âm, lựa chọn của ngân hàng trở thành lựa chọn đối nghịch. Vì vậy, căn cứ vào NPV để lựa chọn dự án, cán bộ thẩm định cần phải xác định được một mức lãi suất chiết khấu hợp lý để áp dụng.
Lãi suất chiết khấu được lựa chọn có thể là chi phí sử dụng vốn bình quân của doanh nghiệp hay lãi suất cho vay của ngân hàng. Cũng có thể lựa chọn hệ số tăng trưởng chung của ngành làm lãi suất chiết khấu. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế là các dự án thường được tài trợ bởi nhiều nguồn khác nhau như hiện nay, chi nhánh NHN0&PTNT Bắc Hà Nội nên áp dụng cách tính chi phí vốn bình quân làm lãi suất chiết khấu là chính xác và hợp lý hơn cả. r = ∑ ∑ = = × m k k m k k k I r I 1 1
Trong đó: r: chi phí sử dụng vốn bình quân của doanh nghiệp Ik : mức vốn của nguồn thứ k
rk: chi phí sử dụng nguồn k m: số nguồn vốn tài trợ dự án.
Ngoài ra, tùy theo nhu cầu vốn của từng dự án và sự biến động của điều kiện kinh tế, ngân hàng có thể có những điều chỉnh về lãi suất cho phù hợp. Một vấn đề nữa cán bộ thẩm định cũng cần phải lưu ý là việc sử dụng chỉ tiêu NPV để đưa ra quyết định đầu tư đôi khi không hoàn toàn giống như lý thuyết. Một dự án có NPV dương, nhưng NPV quá nhỏ so với tổng vốn đầu
tư hay so với lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp thì vẫn không được chọn. Tiêu chuẩn NPV cũng tỏ ra bất lợi khi so sánh những dự án có vốn đầu tư hay thời gian khác nhau. Chi nhánh nên hướng cán bộ thẩm định sử dụng kết hợp với các tiêu chuẩn khác như IRR, PI… để có kết luận toàn diện, đúng đắn hơn về dự án định tài trợ.
Chỉ tiêu IRR.
Việc sử dụng chỉ tiêu IRR khi thẩm định dự án sẽ giúp chi nhánh khắc phục được nhược điểm của phương pháp NPV ở chỗ nó có thể so sánh được các dự án có thời gian khác nhau hay vốn đầu tư khác nhau, nó thể hiện tỷ suất lợi nhuận bình quân hàng năm của dự án. Tuy nhiên, khi sử dụng chỉ tiêu này, cán bộ thẩm định cũng cần phải chú ý đến một nhược điểm rất lớn của IRR là nó được tính dựa trên giả định các dòng tiền thu được trong các năm được tái đầu tư với lãi suất bằng lãi suất chiết khấu. Trên thực tế, lãi suất chiết khấu sẽ thay đổi trong các năm thể hiện chi phí cơ hội của chủ đầu tư thay đổi. Vì vậy, đây chỉ nên coi là chỉ tiêu bổ sung cho chỉ tiêu NPV. Thường hai chỉ tiêu này cho kết luận như nhau, nhưng trong trường hợp có sự mâu thuẫn thì cán bộ thẩm định nên căn cứ vào chỉ tiêu NPV để lựa chọn bởi tính ưu việt của nó, phản ánh chính xác nhât lợi nhuận ròng tạo ra từ dự án, đặc biệt là đối với những dự án mà hiệu quả phụ thuộc nhiều vào tỉ suất chiết khấu. Một chỉ số nữa chi nhánh cũng nên đưa vào tính toán là chỉ số doanh lợi PI. Sử dụng kết hợp NPV với PI sẽ giúp khắc phục được nhược điểm của những dự án có thời hạn hay vốn đầu tư khác nhau vì nó phản ánh khả năng sinh lời của một đồng vốn đầu tư cho cả vòng đời dự án. Từ đó, kết luận của cán bộ thẩm định sẽ mang tính khách quan, chất lượng thẩm định dự án của chi nhánh cũng được nâng lên.
Phân tích độ nhạy:
Thực tế, đối với những dự án có vốn vay không lớn, thời hạn trả nợ trung bình, chi nhánh thường bỏ qua, không phân tích độ nhạy của dự án. Điều này thực sự nguy hiểm vì nó sẽ đặt ngân hàng vào những rủi ro không lường trước khi quyết định tài trợ dự án, nhất là trong môi trường đầy biến động như hiện nay. Chi nhánh cần phải coi phân tích độ nhạy là yêu cầu bắt
buộc đối với tất cả dự án ỏ mọi quy mô và thời hạn khác nhau. Khi thực hiện tính toán, chỉ càn giả thiết sự biến động của một vài yếu tố chủ chốt nhằm tránh sự rắc rối quá mức. Sau đó, nên tập hợp các kết quả tính toán thành dạng bảng để dễ dàng so sánh, đối chiếu, ước lượng xác suất xảy ra các yếu tố đó. Ngân hàng cần phối hợp với chủ đầu tư phân tích những rủi ro tiềm ẩn, đối với mỗi loại rủi ro đều có biện pháp hạn chế tối thiểu để tránh gây tổn thất, làm cho dự án khả thi hơn. Với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, việc tính toán độ nhạy của dự án là tương đối đơn giản, nhanh gọn, trong khi lợi ích nó mang lại rất lớn, do vậy CBTĐ cần phát huy việc phân tích này đối với mỗi dự án cụ thể.
Một số chỉ tiêu khác:
Cũng như các ngân hàng thương mại khác, khi thẩm định tài chính dự án chi nhánh NHNo&PTNT Bắc Hà Nội rất chú trọng đến chỉ tiêu thời gian hoàn trả vốn vay. Bên cạnh đó chi nhánh cũng nên tính đến cả chỉ tiêu điểm hòa vốn cho dự án. Việc tính toán này nhằm xác định công suất huy động tối thiểu để dự án không thua lỗ, mất khả năng thanh toán. Trên cơ sở đó, ngân hàng có những yêu cầu đối với chủ dự án để có kế hoạch điều chỉnh công suất, kế hoạch sản xuất thích hợp.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng là một yếu tố cần phải xem xét tới. Đây là tiền đề để ngân hàng kiểm tra, so sánh các khoản chi phí và doanh thu thực tế phát sinh của dự án từng thời kỳ, từ đó có tiến độ giải ngân, thu nợ phù hợp, đảm bảo dự án hoạt động an toàn và hiệu quả. Khi thẩm định dự án, cán bộ thẩm định nên phân tích dự án trong cả vòng đời hoạt động của nó chứ không chỉ dừng ở thời gian thu hồi vốn vay, vì hiệu quả tài trợ của ngân hàng thể hiện trong hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.