i. Đánh giá, kết luận dự án
3.3.1. Hoàn thiện kỹ thuật và quy trình thẩm định
Đây là một trong những khó khăn khá lớn còn tồn tại trong hoạt động của chi nhánh NHNo&PTNT Bắc Hà Nội trong thời gian qua. Việc tuân thủ một cách tuyệt đối quy trình thẩm định do NHNN ban hành giúp chi nhánh có một hướng đi đúng đắn, song nó cũng dẫn đến sự dàn trải, cứng nhắc, mang tính chung chung của các tờ trình thẩm định. Chi nhánh cần phải cụ thể hóa những tiêu chuẩn, quy tắc để xây dựng cho mình một quy trình thẩm định riêng, phù hợp với điều kiện thực tế của chi nhánh và từng nhóm dự án đầu
tư. Việc tập trung quá nhiều công việc vào cán bộ tín dụng như hiện nay, nhất là khi chi nhánh áp dụng chế độ giao dịch một cửa, từ hướng dẫn khách lập hồ sơ, phân tích, lập tờ trình… sẽ rất dễ xảy ra rủi ro tín dụng hay rủi ro đạo đức do cán bộ tín dụng không có điều kiện, thời gian để thu thập đầy đủ thông tin phân tích hoặc cán bộ có hành vi gian lận khi tiến hành thẩm định nhằm mục đích tư lợi… Để khắc phục tình trạng này, chi nhánh nên thực hiện tổ chức nhận hồ sơ và phân tích theo hướng chuyên môn hóa. Việc thẩm định nên có sự phối hợp hiệu quả và đồng bộ giữa hai bộ phận: bộ phận quản lý doanh nghiệp và bộ phận thẩm định theo hướng sau:
- Bộ phận quản lý doanh nghiệp: làm nhiệm vụ tập hợp hồ sơ xin vay và đề xuất ý kiến, cán bộ là đại diện của ngân hàng tại doanh nghiệp vay vốn, trực tiếp theo dõi, kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, sản xuất kinh doanh. Là người đề xuất ý kiến giải quyết khó khăn của doanh nghiệp và ý kiến đối với từng phương án xin vay. Hàng tuần có báo cáo tổng hợp gửi Ban lãnh đạo và bộ phận thẩm định.
- Bộ phận thẩm định dự án: (hoạt động độc lập với bộ phận trên) Trên cơ sở hồ sơ đã nhận được sẽ tiến hành thẩm định lại tính khả thi của dự án, tài sản thế chấp cũng như tài sản bảo đảm tiền vay. Đối với những dự án phức tạp, vượt mức phán quyết giám đốc chi nhánh cần phải thông qua Hội đồng tín dụng. Bộ phận này làm việc chủ yếu tại chi nhánh, thỉnh thoảng có thể xuống doanh nghiệp nắm tình hình thực tế và kiểm tra, định giá tài sản thế chấp, cầm cố.
Bên cạnh đó, uy tín, nguồn trả nợ của khách hàng cũng phải nói tới trong thẩm định, cụ thể hơn, nó phải có nội dung trong tờ trình của cán bộ thẩm định. Một số nhân tố chưa được quan tâm cũng cần phải đề cập đến trong chu trình kỹ thuật thẩm định. Đó là các chỉ số dự báo trước khi tài trợ dự án, nếu không khoản tín dụng sẽ rất dễ trở thành con số âm như: giá vàng, tỷ giá, lạm phát, độ thăng trầm kinh tế theo các mức độ ở các khu vực khác nhau, các biến cố có thể dự đoán được về kinh tế, chính trị, xã hội…
Để có một quyết định đúng đắn từ bộ phận thẩm định, hạn chế được rủi ro, tránh được việc mất khách, chi nhánh cần nghiên cứu những yếu tố cần
phân tích vào các mẫu tờ trình/ báo cáo kết quả phân tích. Trên cơ sở đó, yêu cầu cán bộ thẩm định lập tờ trình, phân tích một cách cụ thể, chi tiết. Thực hiện được yêu cầu này cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong việc tìm hiểu khách hàng cũng như các yếu tố, hạn chế được tình trạng đánh giá qua loa, đại khái.