Tuy nhiên, muốn sử dụng máy cắt xếp dãy hay máy gặt đập liên hợp để thay thế cho cắt lúa thủ công cần phải giải quyết tốt các công đoạn trước thu hoạch hay nói cách khác là các biện pháp canh tác cây lúa, cụ thể như sau:
* Khâu làm đất
Trước khi gieo sạ cần chuẩn bị nền đất bằng phẳng và hạn chế tối đa bờ phân cách giữa các mẫu ruộng để tạo điều kiện thuận lợi cho máy vận hành một cách dễ dàng và có hiệu quả. Bên cạnh đó, mặt ruộng bằng phẳng còn hạn chế được sự tổn thất do lỗi cắt của máy thường hay xảy ra trên những mẫu ruộng không bằng phẳng.
* Sử dụng giống chất lượng cao, kháng đổ ngã
Có thể nói yếu tố giống là một trong những yếu tố quan trọng nhất bởi vì máy chỉ có thể cắt được những cây lúa đứng hoặc chỉ ngã không quá 450, chính vì vậy cần phải chọn gieo những giống lúa cứng cây. Ngoài ra, tính đồng đều về chiều cao cây cũng như tính dai của bông rất cần thiết, có như vậy sự tổn thất trong khâu cắt của máy mới có thể hạn chế được.
Do đó, cần thiết phải chọn giống cứng cây ít đổ ngã, hạt ít rụng giống lúa có chất lượng cao (lúa nguyên chủng, xác nhận) để lúa khi chín đạt độ đồng đều cao, tránh tình trạng tổn thất do lúa chưa đạt độ chín hoặc lúa quá chín, hạt sẽ dễ bị rụng trong quá trình thu hoạch.
* Biện pháp canh tác
+ Chuẩn bị kỹ đồng ruộng, lúa khi chín rút nước kịp thời, bón phân cân đối, hợp lý, cần áp dụng biện pháp sạ hàng…
+ Yếu tố thời tiết: cần thu hoạch vào những ngày nắng tránh mưa dầm thì các công đoạn thu hoạch sẽ thuận tiện hơn.
+ Thu hoạch đúng độ chín của lúa (lúc lúa chín từ 90 - 95%), trải lưới bạt khi gom lúa, nên áp dụng máy gặt xếp dãy để thu hoạch lúa, nếu cắt lúa bằng tay thì thao tác phải nhẹ nhàng, tránh rơi rụng.
* Bón phân cân đối để lúa cứng cây, tránh sử dụng quá nhiều phân đạm
Đối với tình hình hiện nay, chăm sóc cây lúa đang theo một xu hướng chạy theo năng suất mà không chú ý đến hiệu quả kinh tế. Tập quán lạm dụng phân bón của đại đa số nông dân ở ĐBSCL, nhất là phân đạm đã gây nên hậu quả rất nghiêm trọng là tạo điều kiện thuận lợi cho rầy nâu và bệnh đạo ôn phát triển và lây lan, gián tiếp làm lúa dễ rụng khi cắt. Bón phân đạm dư còn để lại hậu quả làm cho thân cây lúa bị yếu, rất dễ gây nên tổn thất do lúa rụng và đặc biệt là trở ngại cho sự cơ giới hóa không thể sử dụng máy cắt được. Chính vì vậy, trong chăm sóc cần phải bón phân cân đối và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa để đảm bảo cho cây lúa được phát triển tốt, không đổ ngã. Phần lớn nông dân ở Nam bộ đã biết sử dụng phân kali trước khi cắt 20 - 30 ngày để làm hạt chắc đồng thời cũng giúp cây lúa cứng thân chống được đổ ngã giảm tổn thất cắt lúa.
* Xây dựng cơ bản đồng ruộng, đầu tư thủy lợi nội đồng
Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng để có thể tiêu nước trên toàn bộ cánh đồng trong thời điểm thu hoạch. Ngoài ra, nên chú ý đến việc trang bằng mặt ruộng qua nhiều năm để tiện cơ giới hóa trong việc đưa máy cắt và máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa.