Tòa án nhân dân tại kỳ họp
Đây là một hình thức thể hiện nội dung giám sát việc tổ chức thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, trong các hoạt động thực tiễn trong một thời gian nhất định (sáu tháng, một năm) và cũng là một hình thức giám sát quan trọng nhất mà Chánh án TANDTC là người phải chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội. Nguồn thông tin để Quốc hội xem xét báo cáo này gồm có: thông tin tổng hợp được đề cập trong các báo cáo, thông tin do đại biểu tiếp nhận được qua tiếp xúc với cử tri, thông tin từ dư luận xã hội, thông tin được đề cập trong báo cáo thẩm tra.
- Xem xét chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp:
Chất vấn là quyền của đại biểu Quốc hội đối với Chánh án TANDTC. Quyền này có thể được thực hiện trong thời gian Quốc hội họp hoặc trong thời gian giữa hai kỳ họp. Người bị chất vấn trả lời những vấn đề mà đại biểu chất vấn. Để chất vấn và trả lời chất vấn trở thành một hình thức thực hiện quyền giám sát thì tại kỳ họp Quốc hội phải xem xét việc trả lời chất vấn. Vì mục đích của chất vấn đối với Chánh án TANDTC là để làm rõ đối tượng chịu sự giám sát thông qua việc xem xét này mà Quốc hội đánh giá năng lực, trình độ, và trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Vì vậy, có thể nói, xem xét việc trả lời chất vấn chẳng những góp phần nâng cao năng lực, trình độ và trách nhiệm của người bị chất vấn mà còn là tiền đề, là căn cứ để các đại biểu Quốc hội thể hiện quyền khác như bỏ phiếu tín nhiệm, bầu cử, bãi nhiệm, miễn nhiệm …
- Quốc hội xem xét đề nghị giám sát, xử lý văn bản trái pháp luật
của TANDTC:
Theo đề nghị của UBTVQH, Chủ tịch nước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, TANDTC… Quốc hội xem xét, quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của TANDTC trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Hình thức giám sát này có sự tham
gia của toàn thể đại biểu Quốc hội cùng thảo luận, phân tích để đi đến kết luận văn bản quy phạm pháp luật của TANDTC, có trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội hay không.
- Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chánh án TANDTC:
Theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội có thẩm quyền kiến nghị về việc bỏ phiếu tín nhiệm. Khi có kiến nghị ít nhất của hai mươi phần trăm (20%) tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc hội, thì UBTVQH xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có Chánh án TANDTC. Hình thức giám sát này lần đầu tiên được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992. Việc Hiến pháp quy định thêm hình thức giám sát này đã tạo cho Quốc hội có quyền chủ động hơn trong việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong đó có Chánh án TANDTC. Vấn đề đặt ra là khi nào thì Chánh án TANDTC, bị đề nghị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm? Chúng tôi cho rằng, toàn bộ những vấn đề xác định thuộc nội dung quyền giám sát của Quốc hội đều là những căn cứ để đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chánh án TANDTC. Cơ sở pháp lý của đề nghị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm là: Hiến pháp quy định Chánh án TANDTC, là những người chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nội dung của vấn đề chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội chính là chịu trách nhiệm về tình hình thực hiện pháp luật, thực hiện chức năng nhiệm vụ của TAND các cấp.