Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giai cấp công nhân và hoạt động của Công hội. Từ hoạt động của phong trào công nhân Anh, Pháp, Hồ Chí Minh đã thấy rất rõ vai trò của Công hội các nước và chính Người đã tham gia vào các tổ chức này. Năm 1914, Hồ Chí Minh là thành viên của tổ chức “Lao động hải ngoại” - một tổ chức của những người thợ thuyền thuộc địa sống trên đất Anh. Năm 1919, Hồ Chí Minh tham gia nghiệp đoàn của Công đoàn Kim khí quận 17 Paris thuộc lực lượng công đoàn vô chính phủ có xu hướng khuynh tả. ở Pháp, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản và Công hội Thống nhất C.G.T.U, Hồ Chí Minh đã chú ý đến việc đoàn kết lực lượng thợ thuyền người Việt sống và làm việc tại Pháp. Nhờ vậy, năm 1923 những cơ sở Công hội đỏ Việt Nam đã ra đời ngay trên đất Pháp với tên gọi: Hội ái hữu những người lao động chân tay Đông Dương, Hội Tương tế Đông Dương, cũng trong năm này, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng Cộng sản Pháp tổ chức nghiệp đoàn hoặc thành lập những nhóm tương tự ở thuộc địa.
Để xúc tiến cho việc thành lập tổ chức công đoàn ở nước ta, năm 1926, trên báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh, Hồ Chí Minh đã nêu cách tổ chức công đoàn: “Nước ta bị Pháp đè nén, nó cấm không cho tổ chức hội hè, cho nên muốn tổ chức hội gì cũng phải dùng cách bí mật mới được”. Trong bài báo này, Người đã nói tới hai cách tổ chức công hội, đó là “... chức nghiệp tổ chức và sản nghiệp tổ chức. Chức nghiệp tổ chức là: nghề nghiệp nào tổ chức theo nghề nghiệp ấy (...) sản nghiệp tổ chức là: không theo nghề nghiệp mà theo những người làm ở chỗ nào thì tổ chức ở chỗ ấy”. Như vậy, Người đã vạch ra cách thức tổ chức công đoàn ở nước ta là vừa theo từng ngành, vừa theo từng địa phương mà ngày nay chúng ta đang kế thừa phát triển.
Để giúp việc tập hợp được đông đảo công nhân làm cách mạng, Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian giảng giải về công hội cho các khoá học của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Hồ Chí Minh đã khái quát một số vấn đề lý luận của công hội như: tính chất và nhiệm vụ của công hội, sự khác nhau giữa công hội và Đảng, giữa Đảng viên và đoàn viên công hội, giữa công hội đỏ và công hội vàng, mối quan hệ giữa tổ chức công hội của các nước... Người viết: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi của công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới” [44,tr.302]. “Muốn cho công hội vững bền thì chớ nên phân biệt người này là Trung Kỳ, người kia là Nam Kỳ, người nọ là Bắc Kỳ... đã là một nghề, một hội tức là anh em cả, phải xem nhau như người một nhà” [44,tr.304].
Trên cơ sở lý luận về Công đoàn do Hồ Chí Minh vạch ra, ở Việt Nam từ năm 1926, trong phong trào công nhân đã xuất hiện Hội tương tế. Những năm 1928, 1929 dưới tác động của phong trào “Vô sản hoá”, hàng loạt “Công hội đỏ” ra đời ở khắp Bắc, Trung và Nam kỳ và khi các Công hội đỏ nở rộ, dẫn đến thành lập Tổng công hội đỏ ở Bắc kỳ (28/7/1929).
Trong những năm chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, giành và giữ vững chính qyền cách mạng và cả trong những năm kháng chiến, công việc bề bộn, song Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên theo dõi hoạt động của Công đoàn, vạch ra nhiệm vụ, phương hướng hành động cụ thể cho GCCN và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Sau khi miền Bắc được giải phóng đến lúc trước khi mất, Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian, công sức và trí tuệ xây dựng tổ chức công đoàn. Người đã chỉ cho tổ chức công đoàn những nhiệm vụ lịch sử trong thời kỳ mới: Công đoàn là tổ chức rộng lớn của GCCN. Công đoàn không chỉ tập hợp, đoàn kết công nhân mà còn giác ngộ, tuyên tuyền giáo dục đạo đức cách mạng thực hiện đường lối chính sách của Đảng. Người nói:
Công đoàn là tổ chức công nhân, phải đoàn kết công nhân, giáo dục công nhân, làm cho công nhân hiểu rằng lao động là vẻ vang, hiểu rõ giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, chủ nhân nước nhà. Vì vậy, công đoàn cần phải nhắc nhở, giúp
đỡ, khuyến khích anh chị em công nhân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và phải xem xét đến đời sống vật chất, đời sống văn hoá của anh chị em công nhân. Đó là nhiệm vụ của công đoàn, cho nên công đoàn là một trường học để thực hiện cải tiến dần dần lên chủ nghĩa xã hội [50,tr.514-515].
Bên cạnh đó, Người thường nhắc nhở: “Mục đích Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung” [49,tr.567].
Ngày 18 - 7 - 1968 không lâu trước lúc đi xa, Bác đã giành một trong những cuộc tiếp xúc cuối cùng của đời mình cho đại biểu của Tổng Công đoàn Việt Nam. Người nhắc nhở Công đoàn “phải làm tốt công tác vận động, tổ chức giáo dục quần chúng công nhân viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng” [54,tr.564], để họ hiểu và tự nguyện, tự giác giữ kỷ luật lao động, giữ gìn của công, thực hành tiết kiệm. “Coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn tạo nền hạnh phúc cho mọi người và cho cả thế hệ mai sau” [54,tr.564]. Người khẳng định rằng, đối tượng hoạt động của công đoàn là công nhân, lao động, công đoàn phải đoàn bảo quyền dân chủ của công nhân viên chức, làm chủ thật sự, làm chủ rộng rãi, tránh lối hình thức chung chung. Người nhận xét về tình hình giáo dục chính trị của công tác công đoàn và thăm hỏi đời sống công nhân, viên chức. Người nhấn mạnh những công việc trước mắt: chú ý vai trò của Công đoàn bồi dưỡng lực lượng công nhân trẻ, phải đoàn kết nhất trí.
Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho sự ra đời tổ chức công đoàn, là người giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện và dìu dắt tổ chức công đoàn hoàn thành nhiệm vụ của mình qua từng thời kỳ cách mạng. Người đã đến thăm và nói chuyện tại Đại hội II Công đoàn Việt Nam. Hàng chục lần Người xuống cơ sở, hàng trăm bài nói, bài viết căn dặn, nhắc nhở, động viên, khuyến khích cán bộ, công nhân nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu cách mạng, thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Với tác phong gần gũi, ân cần và lời nói, cách viết giản dị, dễ hiểu, những lời dạy của Người vừa thiết thực trước mắt, vừa mang tính định hướng cho giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn. Qua đó, chúng ta có thể thấy những tư tưởng lớn của Người về xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn.