Nâng cao trình độ lý luận, văn hoá, tay nghề cho giai cấp công nhân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân vào việc xây dựng đội ngũ công nhân Nghệ An trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay doc (Trang 28 - 31)

Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng nghìn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xoá bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột, áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp... Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hoá cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc. [50,tr. 493].

Theo Người trong điều kiện như vậy, để giải quyết tốt nhiệm vụ đưa đất nước tiến dần lên CNXH, đỡ bớt mò mẫm, đỡ phạm sai lầm thì việc nâng cao trình độ lý luận, văn hoá, tay nghề cho giai cấp công nhân là việc làm cần thiết và cấp bách.

Công nhân với tư cách là người lãnh đạo phải không ngừng học tập lý luận, mà trước hết là lý luận Mác - Lênin. Trong quá trình học tập lý luận, một mặt, Người cũng chỉ rõ: cần phải xác định mục đích, động cơ và thái độ học tập cho đúng, chứ không phải “tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng”[50,tr.497]. Mặt khác, trong quá trình học tập lý luận, Người luôn luôn quán triệt nguyên tắc lý luận liên hệ với thực tiễn. Người cho rằng: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[50,tr.496]; “Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành lý luận là lý luận suông. Học để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp, vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”[48,tr.47];

Có một số đồng chí không chịu nghiên cứu kinh nghiệm thực tế của cách mạng Việt Nam. Họ không hiểu rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh. Vì vậy, họ chỉ học thuộc ít câu của chủ nghĩa Mác - Lênin, để loè người ta. Lại có một số đồng chí khác lại bo bo giữ lấy những kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng. Vì vậy, họ cứ cắm đầu, nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng. Hai khuynh hướng này đều sai lầm [48,tr.247].

và Người chỉ ra rằng: học chủ nghĩa Mác - Lênin là “học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta” [50,tr.498].

Cùng với học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, phải nắm vững và nâng cao trình độ văn hoá và tay nghề cho GCCN. Ngoài những vấn đề “do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế mà số đông thanh niên công nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật” [52,tr.306]. Theo Người, còn nhiều vấn đề mà tình hình mới đặt ra không kém phần bức xúc như sự phát triển mạnh của khoa học trên thế giới; thời đại vệ tinh nhân tạo, máy móc ngày càng

tinh xảo, tự động hoá v.v.. Vấn đề đặt ra cho mỗi người cán bộ, công nhân “chẳng những

thạo về chính trị, mà còn giỏi về chuyên môn; không thể lãnh đạo chung chung” [52,tr.313].

Người cho rằng: những người cộng sản không hiểu biết, không giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thì không thể đứng vững ở vị trí lãnh đạo cuộc đấu tranh xoá bỏ chế độ áp bức, bóc lột, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người khẳng định: “Dốt thì dại, dại thì hèn” [40,tr.64] và “để xây dựng chủ nghĩa xã hội,... cần có lao động trí óc kiêm lao động chân tay, nghĩa là lao động chân tay cũng phải có văn hoá... Nếu lao động trí óc không làm được lao động chân tay và lao động chân tay không có trí óc thì đó là lao động bán thân bất toại” [51,tr.173]; do vậy “phải học hiểu nghề nghiệp chuyên môn mà Đảng và Chính phủ giao cho mình phụ trách” [49,tr.233]; “phải cố gắng học tập văn hoá, học tập khoa học và kỹ thuật” [52,tr.21]; “Cán bộ phải cố gắng học tập văn hoá, chính trị, nghiệp vụ. Kinh tế của ta ngày càng phát triển, hàng ngũ công nhân ngày càng thêm đông. Muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì cán bộ phải luôn luôn cố gắng học tập, cố gắng vươn lên để không ngừng tiến bộ” [52,tr. 588].

Cán bộ và công nhân ta cần phải tranh thủ học tập kinh nghiệm các nước anh em và các đồng chí chuyên gia. Phải chăm lo học tập văn hoá, học tập kỹ thuật, nghiệp vụ, trau dồi nghề nghiệp cho thành thạo. Phải phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến, kinh nghiệm của từng người, từng đơn vị cần được đúc kết

và phổ biến kịp thời để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành, đẩy mạnh sản xuất và xây dựng cơ bản [52,tr.43].

Trong “Bài nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội”, Người nói: Như các cô các chú đã biết, máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ văn hoá và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập văn hoá, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết. Năm qua nhà máy đã có 90% cán bộ và công nhân học văn hoá. Đó là một bước tiến khá. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cần phải vận động sao cho tất cả mọi người đều đi học(...) Muốn điều khiển và sản xuất được các máy móc hiện đại, cán bộ và công nhân ta cần phải ra sức học tập văn hoá và kỹ thuật. Trai, gái, trẻ, già, cán bộ, công nhân đều phải học cả” [52,tr.50].

“Chìa khoá của việc phát triển công nghiệp là ở cơ sở thì đẩy mạnh quản lý xí nghiệp, và cán bộ, công nhân thì phải thạo kỹ thuật” [52, tr. 545].

Qua phân tích trên, ta thấy sự quan tâm lớn lao của Bác đối với việc nâng cao trình độ văn hoá, kỹ thuật cho công nhân. Tóm lại, song song với việc giáo dục lý luận chính trị, công nhân cần phải học tập, nâng cao trình độ văn hoá, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật. Trai gái, già trẻ, cán bộ công nhân cần phải học cả. Bởi vì, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức... Không học thì không trở thành người cộng sản” [52, tr. 306].

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân vào việc xây dựng đội ngũ công nhân Nghệ An trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay doc (Trang 28 - 31)