Trong những thập niên gần đây, nền kinh tế Thái Lan đã đạt được sự phát triển thuộc loại nhanh trong khu vực, trong đó có sự đóng góp đáng kể của FDI. Trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, Chính phủ Thái Lan đã rất khéo léo kết hợp FDI với chiến lược công nghiệp hóa của từng thời kỳ. Chính phủ Thái Lan đã có chính sách khuyến khích mạnh các nguồn vốn trong nước cùng tham gia đầu tư với các dự án công nghiệp ô tô có vốn FDI. Về chính sách tiếp nhận FDI nói chung, Thái Lan được đánh giá là một trong những nước có chính sách vừa thông thoáng, vừa được áp dụng nhất quán, quản lý hành chính có hiệu quả, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Công nghiệp ô tô Thái Lan bắt đầu phát triển từ năm 1961 khi Chính phủ Hoàng Gia Thái Lan thành lập Công ty công nghiệp ô tô nhằm mục tiêu thay đổi tình trạng phụ thuộc của đất nước vào các loại xe lắp ráp được nhập khẩu vào Thái Lan. Để phát triển công nghiệp lắp ráp ô tô trong nước, Chính phủ quyết định thu hút các nhà đầu tư nước
ngoài bằng cách áp dụng mức thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) ở mức rất cao. Thái Lan quy định các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia vào xí nghiệp Thái Lan ở mức góp vốn dưới 50%, thông qua hình thức liên doanh. Thêm vào đó, Chính phủ cũng quyết tâm đẩy mạnh sản xuất linh kiện ô tô trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hoá và đưa ra các ưu đãi lớn cho các doanh nghiệp FDI có sử dụng những bộ phận cấu thành quan trọng như động cơ, hộp số… được sản xuất trong nước. Chính sách ưu đãi trong hoạt động đầu tư bao gồm: miễn thuế tối đa 8 năm, miễn thuế nhập khẩu thiết bị và các quyền lợi quan trọng khác như Visa, giấy phép làm việc và quyền sử dụng đất; ngoài ra còn khuyến khích đặc biệt trong việc xây dựng các trung tâm R&D, thiết kế, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Với môi trường đầu tư hấp dẫn, Thái Lan được hầu hết các cường quốc ô tô trên thế giới như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản đầu tư quy mô lớn với những dây chuyền khá hiện đại, giúp nước này đưa năng lực sản xuất từ vài nghìn chiếc trong năm 1961 lên 559.000 chiếc vào năm 1996. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 đã làm cho số lư- ợng xe sản xuất của Thái Lan sụt giảm xuống còn khoảng 360.000 xe và hiện nay trở lại bình ổn với sản lượng năm 2006 đạt khá cao 1.238.000 xe/năm, năm 2008 đạt 1.394.000 xe. Các Công ty Nhật cũng tích cực trở lại đầu tư và phát triển sản xuất tại Thái Lan. Công ty ô tô hợp doanh Auto Alliance Thailand (AAT) là Công ty liên doanh giữa Ford và Mazda (Nhật Bản) cũng nỗ lực giúp đỡ nền công nghiệp Thái Lan xây dựng nhà máy Sukosol&Mazda Motor. Hãng General Motor là hãng ô tô khổng lồ của Mỹ cũng đầu tư để xây dựng nhà máy tại Rayong gần Băng Cốc với sản lượng 40.000 xe/năm và tập trung vào nghiên cứu mẫu xe giá thấp để đáp ứng nhu cầu thị trường ASEAN [18, tr. 42,43].
Hiện nay, Thái Lan có 15 nhà sản xuất ô tô, năng lực sản xuất là 1.069.000 xe/năm (trong đó 75% là có xuất xứ từ Nhật Bản) và khoảng 2000 nhà cung cấp phụ tùng linh kiện, trong đó có hơn 709 nhà sản xuất linh kiện ô tô chính hãng (OEM) – Nhà cung cấp cấp 1 (các bộ phận chính của ô tô) và 1.100 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Đặc điểm của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan là có lợi thế lớn về ngành công nghiệp phụ trợ. Việc hầu hết các công ty Nhật Bản đã có các doanh nghiệp sản xuất tại Thái Lan đã tạo ra các mạng lưới các nhà cung cấp các bộ phận có chất lượng cao, đáng tin cậy. Riêng Toyota có
khoảng 100 công ty cấp 1 ký hợp đồng phụ ở Thái Lan và khoảng 2.000 công ty thực hiện hợp đồng phụ cấp 2. Đến nay, tỷ lệ nội địa hoá của các loại xe ô tô của Thái Lan đã đạt được như sau: xe con 72%, xe tải nhỏ cabin kép 83%, xe tải lớn và xe buýt 45%.
Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan hiện nay tạo công ăn việc làm cho 300.000 lao động, giá trị sản lượng đóng góp 12% tổng GDP với 19 nhà máy lắp ráp ô tô, 1.000 đại lý bán ô tô, 1.600 phòng trưng bày và 1.300 cơ sở dịch vụ bảo hành, sửa chữa ô tô trong cả nước.
Cũng như nhiều nước châu Á khác, Thái Lan cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức của Nhật Bản tiến hành các hoạt động marketing FDI mục tiêu. Chẳng hạn như trong một thời gian dài Uỷ ban Đầu tư của Thái Lan (BOI) đã đưa ra các khuyến khích đối với các hãng sản xuất ô tô nước ngoài đầu tư vào Khu xúc tiến xuất khẩu. Hoặc liên kết đối tác giữa quận Ota của Tokyo và tập đoàn Amata của Thái Lan là một ví dụ điển hình. Ủy ban Đầu tư (BOI) của Thái Lan chọn đầu tư của các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản làm mục tiêu cần thu hút để giúp họ phát triển công nghiệp ô tô. Họ chọn quận Ota làm đối tác và đề nghị tập đoàn Amata xây dựng Khu Công nghệ Ota.
Như vậy trải qua 48 năm hình thành và phát triển ngành công nghiệp ô tô, Thái Lan đã vươn lên trở thành nước sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất trong khu vực Đông Nam á với điểm khởi đầu là việc lắp ráp ô tô và hiện nay đã tiến đến xuất khẩu các loại xe và phụ tùng. Sự thành công của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan cho chúng ta một bài học quý báu về vai trò của FDI đối với quá trình CNH, HĐH nói chung và quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô nói riêng. Bởi lẽ thông qua FDI, Thái Lan không những tiếp cận được nguồn vốn lớn, mà còn tiếp thu được công nghệ hiện đại cùng với kinh nghiệm quản lý của một nền công nghiệp ô tô của tất cả các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới, đặc biệt là các hãng sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản.