Xác định giá trị thông thường theo quy định của Hoa Kỳ

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 62 - 65)

Pháp luật Hoa Kỳ về cơ bản giống với pháp luật của WTO về phương pháp xác định GTTT, nghĩa là cũng đưa ra một cách thức chuẩn, trong trường hợp không thể xác định được bằng cách thức này thì các cách thức ngoại lệ sẽ được áp dụng. Theo cách thức chuẩn, GTTT chính là giá bán đáp ứng được các điều kiện sau đây:

(1) của sản phẩm tương tự (foreign like product); (2) được đưa ra người tiêu dùng ở nước xuất khẩu; (3) với số lượng bán thương mại thông thường;

(4) trong một quy trình thương mại thông thường tại cùng một tầng thương mại với GXK; và

(5) được thực hiện vào cùng một khoảng thời gian với GXK (Điều 1677b(a)(1), 19 USC).

Có thể thấy pháp luật Hoa Kỳ đã quy định một cách cụ thể hơn quy định của WTO để phù hợp với tình hình chống BPG của Hoa Kỳ.

Thứ nhất, đối với “sản phẩm tương tự” pháp luật Hoa Kỳ còn quy định sản phẩm đó phải được sản xuất ở cùng một nước và bởi cùng một nhà sản xuất với sản phẩm đang bị điều tra (Điều 1677(16), 19 USC). Đây là một quy định hết sức đặc thù của pháp luật Hoa Kỳ so với WTO và EU, quy định này khá bất lợi đối với các doanh nghiệp của các nước có nền kinh tế đang phát triển, những doanh nghiệp thường có xu hướng sản xuất hoặc gia công để xuất khẩu theo đơn đặt hàng cho nước ngoài. Khi đó họ không được xác định GTTT của sản phẩm theo cách thức chuẩn mà phải theo các cách thức ngoại lệ vì lý do không có sản phẩm tiêu thụ trong nước.

Thứ hai, pháp luật Hoa Kỳ cũng đưa ra hai trường hợp cụ thể không thể được coi là điều kiện thương mại thông thường: (1) trường hợp sản phẩm đó được bán với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất của nó trong một thời gian dài và với số lượng lớn và mức giá bán đó không thể cho phép bù đắp hết chi phí trong một thời gian hợp lý (Điều 1677b(b), 19 USC.); và (2) trường hợp sản phẩm được mua bán giữa những công ty là thành viên với nhau hoặc kết nối chính thức với nhau (affiliated persons) (Điều 1677b(f)2).

Thứ ba, pháp luật Hoa Kỳ quy định cụ thể hơn điều kiện thứ nhất của WTO về giá bán nội địa lấy làm GTTT – giá có thể so sánh được với GXK. Cụ thể Hoa Kỳ không sử dụng lại thuật ngữ “có thể so sánh được” mà chi tiết hóa nó thành hai điều kiện: giá dùng để tính GTTT phải ở cùng một tầng thương mại và được thực hiện giao dịch vào cùng một khoảng thời gian với GXK.

Trong trường hợp DOC không xác định được GTTT theo cách thức chuẩn trên đây thì có 2 cách thức ngoại lệ có thể được áp dụng thay thế (1) lấy giá bán của sản phẩm tại một nước thứ ba (third country sales) hoặc (2) DOC tự tính ra một giá trị nào đó (constructed value – giá trị tự tính). Trong thực tiễn DOC thường lấy giá bán sản phẩm tại một nước thứ ba làm GTTT. Trong pháp luật hiện hành của Hoa Kỳ cũng đề cập tới ba trường hợp khuyến khích sử dụng giá bán sản phẩm ở nước thứ 3:

(1) Khi sản phẩm tương tự không được tiêu thụ (hoặc chào hàng) tới người tiêu dùng ở nước xuất khẩu;

(2) Khi tổng lượng hàng của sản phẩm tương tự ở nước xuất khẩu thấp hơn 5% tổng lượng hàng bị kiện BPG; và

(3) Khi tình hình thị trường ở nước xuất khẩu không cho phép tiến hành một phép so sánh phù hợp với GXK (Điều khoản 1677b(a)(1)(C), 19 USC).

Về cơ bản, để có thể được dùng để xác định GTTT của hàng hóa bị kiện BPG, giá bán sản phẩm ở nước thứ ba cũng phải đáp ứng được những điều kiện nhất định là: (1) có tính đại diện, đáp ứng được định mức 5%; và (2) điều kiện ở thị trường thứ ba này đủ để cho phép so sánh GTTT với GXK của sản phẩm (Điều khoản 1677b(a)(1)(B)(ii)).

Cách thức ngoại lệ thứ hai để xác định GTTT theo pháp luật Hoa Kỳ phức tạp hơn so với cách thức chuẩn và cách thức ngoại lệ thứ nhất. Theo cách này DOC sẽ tự xây dựng nên một giá trị, gọi là giá trị tự tính hay giá tự tính (constructed value) để lấy đó làm GTTT của sản phẩm đang bị kiện BPG (Điều khoản 1677b(a)(4), 19 USC ). Thực tế cách thức này thường được áp dụng sau khi cách thức tính theo giá bán tại thị trường thứ ba đã được áp dụng mà không đem lại kết quả.

Theo cách tính này thì giá trị tự tính của hàng hóa tương tự với hàng hóa bị kiện BPG sẽ bằng tổng của:

(1) Các chi phí sản xuất ra sản phẩm đó, bao gồm vật liệu, chi phí lao động, các chi phí phụ trội cố định và thay đổi;

(2) Các chi phí hành chính, chi phí bán hàng và chi phí chung;

(3) Tất cả các chi phí bao bì, đóng gói…và tất cả các chi phí liên quan tới việc đưa hàng hóa vào đóng gói để sẵn sàng chuyển sang Hoa Kỳ;

(4) Một mức lãi hợp lý (Điều khoản 1677b(e), 19 USC).

Để có được tất cả các số liệu liên quan trên đây, trước tiên DOC sẽ yêu cầu trực tiếp các doanh nghiệp đang bị kiện cung cấp số liệu thực tế của mình. Nếu các số liệu này không có hoặc không đáng tin cậy cho việc tính toán, DOC sẽ chuyển sang sử dụng số liệu tương ứng của các doanh nghiệp đến từ một nền kinh tế thị trường của một nước thứ ba có cùng trình độ phát triển tương đương với nền kinh tế có doanh nghiệp đang bị kiện. Ví dụ trong vụ kiện cá tra, cá basa, khi tiến hành rà soát hành chính lần thứ năm (cho giai đoạn 1/8/2007 đến 31/7/2008, DOC đã yêu cầu bốn doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị kiện của

Việt Nam là QVD, Vinh Hoan, SAMEFICO, và Cadovimex II cung cấp thông tin về các yếu tố sản xuất đầu vào của họ. Tuy nhiên, những thông tin mà các doanh nghiệp trên cung cấp bị DOC đánh giá là không đủ tin cậy để tiến hành tính toán. Với lý do này cùng với lý do nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, DOC đã lấy giá trị của những yếu tố đầu vào tương ứng tại Bangladesh để tính toán GTTT tự tính cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu những yếu tố đầu vào nào không có ở Bangladesh, DOC lấy Philippines, Ấn Độ, hoặc Indonesia để làm nước quy chiếu. Tuy vậy, sau khi so sánh GXK và GTTT, bốn doanh nghiệp này đã được hưởng mức thuế suất 0% do đã không bán sản phẩm dưới GTTT trong giai đoạn nói trên.

Nếu nhìn tổng thể các cách thức xác định GTTT và các điều kiện áp dụng từng cách thức có thể thấy rằng phương pháp xác định GTTT theo pháp luật Hoa Kỳ hết sức bất lợi cho doanh nghiệp ở các nền kinh tế xuất khẩu, họ dễ bị xác định GTTT theo mức giá bán tự tính, mức giá bất lợi nhất cho các nhà xuất khẩu, trường hợp “may mắn” như 4 doanh nghiệp trên là rất hãn hữu.

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(198 trang)
w