Một số xu hướng phát triển của pháp luật về chống bán phá giá trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 51 - 55)

bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay

Mục 1.3 trên đây đã phân tích rõ bản chất bảo hộ của các biện pháp chống BPG. Bản chất này đang ngày càng mâu thuẫn với xu hướng tự do hoá thương mại ngày càng gia tăng trong thương mại quốc tế giữa các nước thành viên của WTO. Xu hướng tự do hoá nhiều hơn, hội nhập nhiều hơn đang đặt ra nhiều thách thức với những vòng đàm phán thương mại sắp tới và trực tiếp là đối với các biện pháp chống BPG, công cụ mà các nước vẫn ưa dùng để bảo hộ cho các ngành sản xuất nội địa.

Như vậy, mâu thuẫn đã được thấy rõ giữa một bên là xu hướng tự do hoá và xoá bỏ các biện pháp bảo hộ không thể đảo ngược của thương mại thế giới và một bên là bản chất bảo hộ không thể che dấu của các biện pháp chống BPG. Để bảo đảm cho thương mại thế giới tiếp tục phát triển thêm một bước, mâu thuẫn này không thể không giải quyết. Đã có nhiều quan điểm đề xuất hướng giải quyết

mâu thuẫn này mà phần lớn đều tập trung vào cải cách Pháp luật về chống BPG quốc gia và quốc tế [79, tr.11-15].

Trong số các quan điểm đề xuất hướng cải cách Pháp luật về chống BPG, quan điểm chiếm ưu thế là quan điểm cho rằng nên thay thế Pháp luật về chống BPG ở cả tầm quốc gia và quốc tế bằng pháp luật cạnh tranh thống nhất giữa các nước hoặc pháp luật cạnh tranh quốc tế [89, tr.260]. Quan điểm này cho rằng Pháp luật về chống BPG hiện tại đang áp đặt thuế chống BPG đối với mọi hành vi bán sản phẩm ở thị trường nước nhập khẩu với giá thấp hơn giá bán sản phẩm tương tự tại thị trường nước xuất khẩu. Trên thực tế thì hình thức BPG tiêu diệt, loại hình BPG đáng bị trừng phạt nhất, lại rất ít khi bị xử lý bởi nó quá khó xác định; còn các loại hình BPG thường bị trừng phạt là những hoạt động bán giá thấp thông thường để tăng tính cạnh tranh và vì thế không đáng bị trừng phạt. Để khắc phục tình trạng đó, quan điểm này cho rằng không nên coi một cách đương nhiên rằng việc bán hàng hoá nhập khẩu giá thấp là xấu và cần bị xử lý; mà cần phải tập trung vào nội dung thực sự cần ngăn chặn của nó, tức là tác động tiêu cực tới môi trường cạnh tranh của nước nhập khẩu, hay nói cách khác là liệu việc bán giá hàng hóa nhập khẩu thấp như vậy có dụng ý cạnh tranh không lành mạnh hay làm vẩn đục môi trường cạnh tranh lành mạnh hay không. Đó là lập luận chính để đề xuất thay thế Pháp luật về chống BPG bằng pháp luật cạnh tranh.

Trên thực tế có một số nước đã đi theo xu hướng này trong quan hệ thương mại khu vực với nhau. EU là một ví dụ điển hình. Kể từ khi thành lập một thị trường chung đến nay, việc áp dụng các biện pháp chống BPG đối với luồng hàng giá rẻ từ các nước thành viên EU xuất nhập khẩu lẫn nhau đã hoàn toàn được xoá bỏ. Thay vào đó, toàn bộ lãnh thổ của tất cả các nước thành viên của cả khối được coi là một thị trường chung và ở đó không có sự hiện diện của biên giới quốc gia. Sự tồn tại của Pháp luật về chống BPG giữa các quốc gia thành viên trước đó bị thay thế hoàn toàn bởi một hệ thống pháp luật cạnh tranh thống nhất trong toàn Liên minh và có giá trị ràng buộc đối với mọi thành viên của Liên minh. Trên thực tế, pháp luật cạnh tranh của EU đã thực hiện rất tốt vai trò hạn

chế các thành viên BPG tiêu diệt cũng như bán giá hàng hóa quá thấp có thể gây hại tới nền kinh tế của cả khối, của một nước thành viên hoặc thậm chí là chỉ một khu vực thị trường của một nước thành viên. Vì thế, có thể xem EU, một ví dụ điển hình của hội nhập kinh tế quốc tế trong tương lai, ở đó sự liên kết và giao lưu giữa thị trường các quốc gia chặt chẽ tới mức tạo ra một thị trường thống nhất, nơi đó hàng hoá được lưu thông một cách tự do mà không bị hạn chế bởi rào cản vô lý nào, là mô hình tương lai của Pháp luật về chống BPG, khi đó Pháp luật về chống BPG ở tầm quốc gia và quốc tế đều dần rút đi, thay vào đó là vai trò của pháp luật cạnh tranh liên quốc gia.

Tuy EU là mô hình điển hình nhất minh hoạ cho xu hướng phát triển trong tương lai của Pháp luật về chống BPG, song đó không phải là khu vực duy nhất trên thế giới đã diễn ra sự chuyển đổi vai trò từ Pháp luật về chống BPG sang pháp luật cạnh tranh. Ở một số khu vực hay các nước láng giềng với nhau khác trên thế giới cũng đang diễn ra xu hướng tương tự, tuy ở quy mô nhỏ hơn. Năm 1988, hai nước láng giềng thân cận và tương đối tách biệt về địa lý với phần còn lại của thế giới là Úc và New Zealand xúc tiến đàm phán và ký kết Thoả thuận thương mại về quan hệ kinh tế gần gũi hơn Úc-New Zealand (Australian-New Zealand Closer Economic Relations Trade Agreement (ANZCERTA)). Thoả thuận này bắt đầu có hiệu lực từ năm 1990. Theo đó, tất cả các biện pháp áp thuế chống BPG giữa hai nước cũng như pháp luật chống BPG của hai nước đối với nhau đều bị bãi bỏ. Thay vào đó, hai nước sẽ ban hành luật cạnh tranh thống nhất với nhau và tập trung vào xử lý việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Doanh nghiệp ở nước này sẽ có thể kiện doanh nghiệp nước kia với lý do lạm dụng vị trí độc quyền khi doanh nghiệp sau bán giá hàng hóa quá thấp và có thể loại doanh nghiệp trước ra khỏi thị trường. Như vậy là sau khi chuyển đổi Pháp luật về chống BPG thành pháp luật cạnh tranh thống nhất, cả hai nước này sẽ chỉ tập trung vào các hành vi được coi là BPG tiêu diệt chứ không phải mọi hành vi bán hàng hóa giá thấp.

Canada và Chi lê cũng là một ví dụ điển hình khác. Hai nước này cũng đã thoả thuận về một cơ chế tương tự như Úc và New Zealand dưới hình thức một Thoả thuận mậu dịch tự do (Free Trade Agreement). Theo đó, các biện pháp chống BPG cũng sẽ không được áp dụng đối với hàng hóa nhập từ Canada vào Chi lê và ngược lại. Thay vào đó, hai nước sẽ sử dụng pháp luật cạnh tranh để xử lý những luồng hàng hoá được bán với giá quá rẻ và qua đó có thể ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường cạnh tranh lành mạnh và gián tiếp là tới sự ổn định của nền kinh tế hai nước.

Nhìn tổng thể từ khía cạnh lý luận và thực tiễn, có thể thấy việc thay thế dần Pháp luật về chống BPG quốc gia và quốc tế bằng pháp luật cạnh tranh thống nhất giữa các quốc gia hoặc quốc tế khi hội nhập kinh tế ngày càng diễn ra một cách sâu, rộng hơn rất có thể là một xu hướng của sự phát triển của Pháp luật về chống BPG quốc tế trong tương lai. Tuy nhiên, có thể thấy rằng điều kiện tất yếu để xu hướng này có thể trở thành hiện thực là mức độ hội nhập kinh tế giữa các nước đối tác phải hết sức toàn diện và sâu sắc, tới mức tạo thành một thị trường chung thống nhất. Nếu xét số lượng đông đảo các nước thành viên của WTO và tình hình khó khăn khi tổ chức này đang muốn đàm phán thúc đẩy kinh tế hội nhập thêm một bước nữa thì có thể thấy sẽ còn phải mất một thời gian dài nữa thì mức độ hội nhập kinh tế trong WTO mới đạt được tới mức đó. Cho đến lúc đó, đương nhiên Pháp luật về chống BPG của các quốc gia và của WTO sẽ tiếp tục vai trò chủ yếu của mình trong việc điều chỉnh sự luân chuyển của các nguồn hàng hoá giá rẻ giữa các nước thành viên.

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(198 trang)
w