quan tới luật lệ của WTO về chống bán phá giá
Việt Nam mới gia nhập WTO chưa lâu, song chắc chắn sẽ ngày càng phải tham gia sâu hơn vào thương mại quốc tế. Việc chủ động hơn trong hội nhập quốc tế sẽ làm cho quá trình hội nhập của Việt Nam ngày càng hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực chống BPG cũng vậy. Đây là lĩnh vực đã được hình thành từ lâu trong hệ thống thể chế của WTO, Tuy nhiên, nó cũng là lĩnh vực còn đang tiếp tục phát triển. Nắm bắt được những điểm bất cập hiện tại của luật lệ quốc tế về vấn đề này và xu hướng phát triển cần phải có của luật lệ quốc tế về chống BPG sẽ giúp cho Việt Nam có thể ngày càng khẳng định vị thế của mình trong WTO, tăng cường hơn sự chủ động trong hội nhập quốc tế. Qua trình bày trên đây có thể nhận thấy một số xu hướng tích cực mà Việt Nam nên cổ vũ cho sự phát triển của luật lệ chống BPG trong thương mại quốc tế trong thời gian tới như:
- Sự phát triển của Pháp luật về chống BPG nói chung và luật lệ chống BPG của WTO cần được xác định theo xu hướng nhập với pháp luật về cạnh tranh. Đây là xu hướng phát triển vừa là tất yếu, vừa là cần thiết. Chỉ khi hướng theo sự phát triển của pháp luật canh tranh thì tính công bằng của Pháp luật về chống BPG mới được nâng lên và tính bảo hộ của nó mới dần mất đi. Cũng chỉ theo định hướng này thì Pháp luật về chống BPG mới góp phần xây dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng chung trên phạm vi quốc tế, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa.
- Việc pháp luật EU coi lợi ích công cộng như một điều kiện áp dụng thuế chống BPG là một xu hướng tiến bộ. Xu hướng này sẽ làm bớt đi tính chất bảo
hộ bó hẹp trong phạm vi các doanh nghiệp, các nhà tư bản của luật lệ chống BPG hiện hành của WTO. Nếu Pháp luật về chống BPG được áp dụng vì lợi ích công cộng thì bản chất của Pháp luật về chống BPG cũng sẽ trở nên tiến bộ hơn, ưu việt hơn. Chính vì vậy, trong tương lai, lợi ích công cộng cần được đưa vào luật lệ của WTO như một điều kiện quyết định áp dụng biện pháp chống BPG, tương tự như pháp luật EU hiện giờ.
- Các quy định của WTO về tiêu chí xác định mối quan hệ nhân quả giữa BPG và thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất nội địa cần được quy định cụ thể hơn. Hiện tại, mối quan hệ nhân quả này được coi là một trong ba điều kiện để áp dụng biện pháp chống BPG. Tuy nhiên, luật lệ hiện hành của WTO chưa quy định cụ thể về tiêu chí mà các nước thành viên cần tuân thủ khi xác định mối quan hệ đó. Vì vậy mà trong thực tiễn tồn tại quy tắc “song hành” để xác định mối quan hệ nhân quả giữa BPG và thiệt hại vật chất. Như đã trình bày ở Chương 2, đây là quy tắc không hợp lý. Theo quy tắc này, thay vì yêu cầu bên nguyên đơn phải chứng minh có mối quan hệ nhân quả dựa trên giả định không có mối quan hệ này thì trên thực tế cơ quan có thẩm quyền đó sẽ yêu cầu bị đơn chứng minh không có mối quan hệ nhân quả dựa trên giả định là đã tồn tại mối quan hệ đó. Đây là nhược điểm cần được khắc phục trong quá trình phát triển của luật lệ của WTO về chống BPG.
- Cần quy định cụ thể trong luật lệ của WTO về các tiêu chí xác định nước thay thế trong trường hợp nước xuất khẩu không được công nhận có nền kinh tế thị trường. Luật lệ hiện hành của WTO về vấn đề này rất chung chung, dẫn tới tình trạng các nước, như Hoa Kỳ và EU, rất tùy tiện trong việc chọn nước thay thế và doanh nghiệp xuất khẩu bị áp mức thuế chống BPG cao một cách vô lý. Trường hợp gần đây ngành nuôi cá tra nhỏ bé của Philippines được Hoa Kỳ chọn thay thế cho ngành công nghiệp nuôi cá tra của Việt Nam dẫn tới mức thuế chống BPG quá cao là một ví dụ điển hình. Chỉ khi nào luật lệ của WTO quy định một cách cụ thể về các tiêu chí xác định nước thay thế thì tình trạng bất công đối với doanh nghiệp xuất khẩu như trên mới có thể được chấp dứt.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
1. Chống BPG vẫn còn đang là một lĩnh vực rất mới của pháp luật Việt Nam. Văn bản đầu tiên điều chỉnh về chống BPG ra đời mới được năm năm. Bối cảnh ra đời của pháp luật hiện hành về chống BPG của Việt Nam cũng cho thấy nó chịu ảnh hưởng nhiều từ nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hơn là nhu cầu tự thân. Chính vì vậy Pháp luật về chống BPG hiện hành của Việt Nam chưa thể hiện được vai trò của mình trong thực tiễn. Nguyên nhân này cùng với một số nguyên nhân khác nữa đã góp phần làm cho thực tiễn về chống BPG ở Việt Nam trong thời gian qua chưa được phong phú.
2. Pháp luật nội dung về chống BPG của Việt Nam chủ yếu tập trung trong hai văn bản là Pháp lệnh chống BPG và Nghị định số 90/2005/NĐ-CP cụ thể hóa pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật khác đều chỉ quy định mang tính ghi nhận về thuế chống BPG. Các quy định của pháp luật Việt Nam còn khá chung chung và thiếu những quy định cụ thể giúp các doanh nghiệp có thể áp dụng được một cách trực tiếp và ngay lập tức.
3. Thực tiễn chống BPG ở Việt nam hiện nay có một sự thật là chưa từng có một vụ việc nào được khởi kiện và giải quyết, song điều đó không có nghĩa là không có hiện tượng BPG ở Việt Nam. Thực tiễn đó có thể có nhiều nguyên nhân từ phía luật pháp như pháp luật thực định chưa phát triển, còn thiếu cụ thể...và các nguyên nhân ngoài pháp luật như sự nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế, các thiết chế chống BPG đã được thành lập, song hoạt động thụ động, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, vai trò của các hiệp hội sản xuất nội địa trong việc đại diện cho lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn quá thấp...
4. Trái với thực tiễn chống BPG hàng hóa nước ngoài ở Việt Nam, thực tiễn chống BPG hàng hóa của Việt Nam ở thị trường Hoa Kỳ và EU lại vô cùng phức tạp và phong phú. Số vụ kiện ngày càng nhiều, tần suất các vụ kiện diễn ra khá dày đặc, quy mô của các vụ kiện đều lớn, tỷ lệ bị áp dụng thuế chống BPG
cao, mức thuế cũng rất cao, tỉ lệ bị gia hạn thời gian áp thuế cao, xu hướng được dự báo về việc hàng hóa bị kiện trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục tăng lên. Khi tham gia các vụ kiện vị thế của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thường thấp do rơi vào thế bất lợi khi bị lấy nước thứ ba làm nước thay thế. Trong khi đó cả nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn rất thiếu kinh nghiệm tranh tụng thương mại quốc tế. Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều như hàng hóa của Việt Nam có giá rẻ, tính cạnh tranh cao, xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới ngày càng tăng.
5. Phương hướng hoàn thiện pháp luật và thực thi Pháp luật về chống BPG của Việt Nam là cần tiến hành tuyên truyền phổ biến Pháp luật về chống BPG rộng rãi để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được rõ bản chất của Pháp luật về chống BPG của Việt Nam và sử dụng nó như công cụ bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh kinh tế hội nhập; cần xây dựng các hiệp hội để đại diện và bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất của mình trên thị trường trong nước; cần chuẩn bị các thiết chế đủ mạnh để thụ lý và giải quyết một cách thuyết phục các vụ kiện chống BPG ở Việt Nam.
6. Cần thực hiện đồng bộ nhiều phương hướng và giải pháp để hạn chế bớt khả năng bị kiện chống BPG ở Hoa Kỳ và EU cũng như giảm thiểu thiệt hại một khi các vụ kiện chống BPG đã xảy ra. Trong số đó cần lưu ý tới một số phương hướng và giải pháp cơ bản sau đây:
Về phía nhà nước: cần phải có chiến lược đối phó với vấn đề chống BPG trong thương mại quốc tế nói chung và ở thị trường Hoa Kỳ và EU nói riêng; chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp, và giảm bớt sự tham gia trực tiếp vào các vụ kiện chống BPG tại các thị trường nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp: trước hết nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sản phẩm của mình, cần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa chuyển dần từ cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá rẻ sang cạnh tranh dựa trên chất lượng và uy tín sản phẩm, cần chuẩn hóa và duy trì hệ thống sổ sách kế toán minh bạch, theo tiêu chuẩn quốc tế...
7. Các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả đối phó với vấn đề chống BPG của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU: Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và mở rộng hệ thống cảnh báo sớm đối với nguy cơ bị kiện chống BPG ở các thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm liên minh tạo vị thế đàm phán giá xuất khẩu với đối tác nhập khẩu.Các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua hiệp hội đại diện của mình, cần xây dựng cho mình một chiến lược ứng phó với các vụ kiện chống BPG một khi các vụ kiện đó xảy ra, cần chuẩn bị tốt cho tình huống phải đề xuất nước thay thế để tính biên độ BPG, cần hết sức quan tâm tới yếu tố vận động hành lang, tìm kiếm sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ, các chính khách để tác động lên các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực chống BPG ở nước nhập khẩu và cuối cùng, Nhà nước Việt Nam cần sẵn sàng sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để khởi kiện những quy định và quyết định sai trái của Hoa Kỳ và EU.
KẾT LUẬN
1. BPG là một thực tiễn thương mại có lịch sử lâu đời. BPG có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với nền kinh tế nước nhập khẩu. Tuy nhiên, chống BPG mà trực tiếp nhất là Pháp luật về chống BPG luôn mang bản chất bảo hộ nền sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Điều này gắn liền với xu hướng bảo hộ kinh tế nội địa khi các nước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Các biện pháp chống BPG, Pháp luật về chống BPG luôn xem trọng lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất thuộc ngành sản xuất nội địa nước mình hơn là lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, thậm chí kể cả lợi ích của người tiêu dùng của nước nhập khẩu. Pháp luật của Hoa Kỳ và EU đều thể hiện rõ điều này qua các quy định của mình.
2. Quy trình điều tra và áp dụng thuế chống BPG theo luật lệ của WTO, Hoa Kỳ và EU đều rất phức tạp. Mỗi quy trình đều phải trải qua các công đoạn như: điều tra xác minh việc BPG, xác định thiệt hại vật chất xảy ra đối với ngành sản xuất nội địa, mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố đó, xác định các biện pháp chống BPG, rà soát thuế chống BPG. Mỗi công đoạn đều có rất nhiều yêu cầu pháp lý và thực tiễn mang tính kỹ thuật cao đòi hỏi các bên phải luôn theo sát và bỏ rất nhiều công sức để tham gia vào các quá trình đó thì mới có thể bảo vệ được lợi ích của mình.
3. Mặc dù về cơ bản được xây dựng phù hợp với luật lệ WTO song pháp luật Hoa Kỳ và EU vẫn có những nội dung nhất định chưa phù hợp với nội dung và tinh thần quy định của WTO. Nguyên nhân căn bản là Pháp luật về chống BPG của Hoa Kỳ và EU vẫn còn tinh thần bảo hộ rất cao. Trong đó, pháp luật của Hoa Kỳ mang tính bảo hộ nặng nề hơn rất nhiều. Pháp luật EU tuy cũng mang tính chất bảo hộ và có nhiều quy định phức tạp về mặt kỹ thuật nhưng nhìn chung được áp dụng một cách linh hoạt hơn và có nhiều yếu tố mà các doanh nghiệp xuất khẩu có thể sử dụng theo cách có lợi cho mình khi bị kiện chống BPG.
4. Chống BPG vẫn còn đang là một lĩnh vực rất mới của pháp luật Việt Nam. Pháp luật về chống BPG hiện hành của Việt Nam chưa thể hiện được vai trò của mình trong thực tiễn. Thực tiễn về chống BPG ở Việt Nam trong thời gian qua chưa được phong phú. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống BPG ở các thị trường xuất khẩu, trong đó hai thị trường chủ chốt là Hoa Kỳ và EU.
5. Để Pháp luật về chống BPG của Việt Nam thực sự phát huy được vai trò của mình trong việc bảo hộ sản xuất trong nước, qua đó tạo điều kiện cho các ngành sản xuất trong nước phát triển một cách nhanh chóng và vững mạnh nhà nước cần tổng kết, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống BPG hiện có theo hướng cụ thể hơn, gần gũi hơn với thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về Pháp luật về chống BPG của Việt Nam.
6. Để nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề bị kiện chống BPG của doanh nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ và EU nói riêng cũng như các thị trường xuất khẩu khác trong WTO nói chung, cần chú trọng tới một số phương hướng, giải pháp như:
- Nhà nước cần có chiến lược đối phó với vấn đề chống BPG trong thương mại quốc tế nói chung và ở thị trường Hoa Kỳ và EU nói riêng.
- Chú trọng tới việc giành được quy chế thị trường cho nền kinh tế Việt Nam trong các đàm phán thương mại song phương và khu vực.
- Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước cần giảm bớt sự tham gia trực tiếp vào các vụ kiện chống BPG tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và EU.
- Nhà nước nên chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp, đặc biệt là cho hiệp hội các doanh nghiệp, những người đại diện chính đáng nhất cho doanh nghiệp khi bị kiện chống BPG.
- Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và mở rộng hệ thống cảnh báo sớm đối với nguy cơ bị kiện chống BPG ở các thị trường xuất khẩu.
- Nhà nước Việt Nam cần sẵn sàng sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để kiện những quy định và quyết định sai trái của Hoa Kỳ và EU, đặc biệt là Hoa Kỳ.
- Các doanh nghiệp Việt Nam trong một ngành sản xuất cần liên kết lại với nhau thành các hiệp hội vừa hỗ trợ cho sự phát triển chung, vừa tương trợ cho nhau về mặt pháp lý trong các vụ kiện chống BPG.
- Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần chuẩn hóa và duy trì hệ thống sổ sách kế toán minh bạch, theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức quan tâm tới yếu tố vận động hành lang, tìm kiếm sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ, các chính khách để tác động lên các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực chống BPG ở nước nhập khẩu, đặc biệt là Hoa Kỳ.
- Từng doanh nghiệp khi bị kiện BPG ở thị trường EU cần lưu ý tới khả năng được hưởng quy chế kinh tế thị trường cá nhân.