Lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật về chống bán phá giá đầu tiên ở một số quốc gia

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 41 - 44)

đầu tiên ở một số quốc gia

Như trình bày tại Mục 1.1.1, BPG hàng xuất khẩu là hiện tượng gắn liền với kỷ nguyên công nghiệp hoá diễn ra ở châu Âu ngay từ thế kỷ thứ 17 và sau đó nhanh chóng trở thành một hiện tượng phổ biến của thế giới. Ngay từ khi xuất hiện, hiện tượng này đã được xem như một mối đe dọa đối với nền kinh tế của nước nhập khẩu. Vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp của nước nhập khẩu trực tiếp bị ảnh hưởng bày tỏ sự quan ngại đối với thực tiễn này mà ngay cả chính phủ các nước nhập khẩu cũng có chung mối quan ngại đó. Các nước nhập khẩu ngay lập tức đã có những hình thức can thiệp nhằm ngăn chặn BPG và giảm thiểu tác động của BPG lên các đối thủ cạnh tranh nội địa. Biện pháp mà các quốc gia

thường sử dụng để đối phó với BPG trong thời gian đầu, khoảng thế kỷ 17, 18 là tăng cao mức thuế nhập khẩu hoặc cấm nhập khẩu đối với hàng hóa BPG.

Mãi cho tới đầu thế kỷ 20, khi việc sử dụng thuế nhập khẩu để ngăn chặn hàng hoá BPG tỏ rõ nhiều bất cập, các quốc gia mới bắt đầu ban hành luật riêng về chống BPG. Canada là nước đầu tiên sửa đổi luật thuế nhập khẩu của mình để có một phần riêng quy định về thuế chống BPG vào năm 1904, qua đó trở thành nước đầu tiên trên thế giới ban hành luật chống BPG. Ý tưởng ban đầu của luật chống BPG này là ấn định một mức thuế đặc biệt đối với các hàng hóa nhập khẩu BPG. Mục đích của nó là vừa bảo vệ được các doanh nghiệp cùng ngành hàng ở trong nước trước hàng hoá bị BPG, vừa không phải thay đổi khung thuế nhập khẩu. Lúc đó, việc áp dụng thuế nhập khẩu để đối phó với BPG được xem là không phù hợp. Bởi lẽ thuế nhập khẩu là thuế áp dụng chung đối với mọi hàng hoá nhập khẩu và có tính ổn định tương đối, trong khi đó BPG là những vụ việc cụ thể được xem là những trường hợp ngoại lệ và tạm thời của luồng hàng hoá nhập khẩu. Để đối phó với những trường hợp ngoại lệ này cần có những biện pháp cụ thể mang tính linh hoạt cho từng trường hợp, và đó chính là thuế chống BPG [81, tr.30-32].

Mô hình pháp luật về chống BPG của Canada nhằm trao quyền kiểm soát chống BPG cho một vài cơ quan có thẩm quyền độc lập trong chính phủ, thường là các cơ quan cũng đồng thời chịu trách nhiệm kiểm soát thuế nhập khẩu và các loại thuế đặc biệt khác. Các cơ quan này cũng được áp thuế chống BPG đối với hàng hoá nhập khẩu khi có hai điều kiện xảy ra. Thứ nhất là phải có hiện tượng BPG, tức là chứng minh được rằng giá xuất khẩu của một hàng hóa nhập khẩu thấp hơn giá trị của chính hàng hóa đó ở thị trường nội địa. Thứ hai là hàng hóa nhập khẩu đó phải cùng loại hoặc tương tự như một hay một số hàng hóa cùng loại nào đó được sản xuất ở nước nhập khẩu. Điều kiện này cho thấy rõ Pháp luật về chống BPG được đặt ra để bảo hộ các nhà sản xuất nội địa chứ không phải để bảo vệ người tiêu dùng. Vì vậy, nếu nền kinh tế của nước nhập khẩu không có ngành công nghiệp sản xuất mặt hàng đó thì cho dù có hiện tượng BPG xảy ra để

các nhà nhập khẩu triệt tiêu lẫn nhau đi chăng nữa thì luật chống BPG cũng vẫn không được áp dụng.

Sau khi được ban hành, Pháp luật về chống BPG của Canada đã tỏ rõ tác dụng của nó trong việc bảo hộ các nhà sản xuất nội địa trước luồng hàng hoá giá rẻ từ nước ngoài tràn vào. Vì vậy, Pháp luật về chống BPG của nước này đã nhanh chóng trở thành hình mẫu để các nước khác noi theo. Cho đến năm 1921, mô hình Pháp luật về chống BPG của Canada đã được du nhập vào Nam phi (1914), Hoa Kỳ (1916, sau đó được sửa đổi bổ sung năm 1921), Úc (1921), Vương quốc Anh (1921), New Zealand (1921) [89, tr.245-246]. Tuy nhiên, các nước này cũng không hoàn toàn chỉ du nhập một cách nguyên vẹn mô hình của Canada mà có sự học hỏi lẫn nhau. Ví dụ, khi Úc xây dựng luật về chống BPG đầu tiên năm 1906, họ đã lần đầu tiên đưa vào Pháp luật về chống BPG của mình (Luật bảo tồn các ngành công nghiệp Úc (Australian Industries Preservation Act)) khái niệm “thiệt hại” (injury). Theo đó để trừng phạt một hành vi BPG, cụ thể là áp thuế chống BPG, thì chỉ có hành vi BPG không thôi thì chưa đủ mà việc BPG đó phải gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho ngành công nghiệp bản địa. Trên thực tế có thể có những hành vi thực sự là bán hàng hoá xuất khẩu với mức giá thấp hơn ở thị trường xuất hàng đi, Tuy nhiên, ngành sản xuất nội địa thích ứng nhanh và tự nâng cao khả năng cạnh tranh của mình một cách kịp thời và trên thực tế không có thiệt hại nào xảy ra. Khi đó, việc trừng phạt hành vi BPG là không cần thiết, bởi vì trong trường hợp đó người tiêu dùng sẽ là người được hưởng lợi cuối cùng.

Khái niệm “thiệt hại” này sau đó đã được Hoa Kỳ tiếp thu khi ban hành Luật chống BPG đầu tiên của mình năm 1916 và đến năm 1921 khi Luật này được Hoa Kỳ hoàn thiện thêm thì khái niệm và cách thức xác định giá trị thị trường nội địa (home market value) của hàng hóa BPG, vốn được quy định khá chung chung ở Luật 1916, được quy định rõ ràng hơn. Cụ thể Pháp luật về chống BPG của Hoa Kỳ lúc đó cho phép sử dụng chi phí sản xuất (cost of production)

hoặc tổng giá trị hợp lý và chi phí sản xuất (fair value and cost of production) để đối chiếu nhằm xác định BPG.

Trong số các luật chống BPG thời kỳ đầu tiên này, Luật chống BPG năm 1921 của Hoa Kỳ được giới học giả cũng như giới quản lý nhà nước xem là có nội dung ưu việt nhất thời bấy giờ. Chính luật này trong vài thập kỷ sau đó đã trở thành hình mẫu để xây dựng nên nền tảng của các quy định về chống BPG trong thương mại quốc tế mà cụ thể là các quy định của GATT sau này.

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(198 trang)
w