Cản trở nghiêm trọng sự hình thành ngành sản xuất nội địa

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 99 - 101)

Pháp luật của WTO, Hoa Kỳ và EU đều quy định nếu hàng hóa BPG đã được chứng minh là cản trở nghiêm trọng sự hình thành của một ngành sản xuất nội địa thì cũng coi như đã gây thiệt hại do đó có thể bị áp thuế chống BPG. Mặc dù vậy, so với hai trường hợp trên, trường hợp này rất hiếm khi được các nước áp dụng. Các vụ việc được đưa lên cho các cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO xử lý liên quan tới trường hợp này hầu như không có. Vì vậy, ngoài quy định trong Điều 3 của ADA thì chưa có án lệ nào của WTO giải thích khái niệm “cản trở nghiêm trọng sự hình thành” của ngành sản xuất nội địa có nghĩa là gì? Và các tiêu chí cần áp dụng để xác định đó là như thế nào?

Thực tế có thể lý giải vì các vụ kiện chống BPG bao giờ cũng được khởi động từ đơn kiện của các nhà sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Đối với trường hợp này thông thường do chưa có sự hình thành của một ngành sản xuất nội địa ở nước nhập khẩu thì rất khó để có đơn kiện từ phía các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự tại đây.

Trong bối cảnh đó, các vụ kiện chống BPG với lý do này diễn ra trong những năm vừa qua ở các nước thành viên WTO, kể cả EU, thường chịu ảnh hưởng của pháp luật Hoa Kỳ, nơi các quy định về vấn đề này được coi là đầy đủ nhất, mặc dù có thể không phải là quá chi tiết.

Để khởi kiện chống BPG với lý do cản trở nghiêm trọng sự hình thành của ngành sản xuất nội địa, tại Hoa Kỳ ITC phải xem xét trên thực tế ngành sản xuất nội địa đã hình thành chưa, nếu ngành công nghiệp đó đã hình thành nhưng còn sơ khai thì (i) thời điểm ngành công nghiệp đó được thành lập, đã có hoạt động sản xuất ra sản phẩm tương tự với sản phẩm bị kiện BPG chưa, (ii) tần suất của việc sản xuất đó có liên tục không hay còn đang chưa ổn định, (iii) quy mô sản xuất trong mối tương quan với toàn bộ thị trường nội địa, (iv) điểm hoàn vốn (break-even point) ngành sản xuất liên quan của Hoa Kỳ có đạt được mức hoàn vốn hay không, và (v) những yếu tố khác như tầng thương mại, tầng sản xuất… hoặc đó có thực sự là một ngành sản xuất mới chưa hay chỉ dừng lại ở dây truyền sản xuất của một nhà máy…Nếu ngành sản xuất liên quan chưa được hình thành thì ITC còn phải đánh giá xem các khó khăn đó là những khó khăn thông thường khi một ngành sản xuất mới khởi động hay đó là hệ quả của việc BPG hàng hóa bị điều tra [84, tr.41,42].

Cho dù rơi vào trường hợp nào trong số hai trường hợp trên thì để có thể khởi kiện BPG với lý do này thì các doanh nghiệp khởi kiện còn phải chứng minh được rằng hàng hóa BPG đã gây ra những khó khăn trong việc triển khai sản xuất của họ. Rất tiếc, pháp luật của WTO và các nước, trong đó có cả Hoa Kỳ, không có quy định về tiêu chí cụ thể của các chứng cứ dùng để chứng minh, cũng như cách thức để có thể chứng minh. Sự thiếu vắng các quy định cụ thể này dẫn tới chỗ cơ quan có thẩm quyền của các nước có thể tự ý áp dụng những tiêu chuẩn

riêng của mình hoặc thậm chí chấp nhận một cách tùy tiện các tiêu chuẩn và cách thức chứng minh do bên khởi kiện đưa ra trong từng vụ việc cụ thể.

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 99 - 101)