Rà soát hành chính giữa kỳ (interim review)

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 125 - 127)

Rà soát hành chính giữa kỳ là biện pháp xem xét lại thuế chống BPG đã được áp đặt đối với sản phẩm bị kiện BPG. Về bản chất, đây là một thủ tục hành chính do bản thân các cơ quan hành chính có thẩm quyền chống BPG của nước nhập khẩu tự thực hiện.

Theo quy định của WTO, biện pháp chống BPG chỉ được phép sử dụng và có hiệu lực chừng nào nó còn cần thiết để loại trừ BPG gây thiệt hại (Điều 11.1, ADA 1994). Chính vì vậy, rà soát hành chính giữa kỳ được cơ quan có thẩm quyền thực hiện sau một khoảng thời gian nhất định đã áp dụng biện pháp chống BPG và với mục tiêu xác định xem lúc này việc BPG gây thiệt hại đã được loại trừ hay chưa. Hai biện pháp chống BPG có thể được tiến hành rà soát giữa kỳ là thuế chống BPG và cam kết về giá. Biện pháp tạm thời không thuộc diện rà soát giữa kỳ.

Rà soát hành chính giữa kỳ được tiến hành trên cơ sở đề xuất của các bên liên quan. Có hai vấn đề cụ thể mà bên yêu cầu rà soát có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu xem xét và trả lời:

- Thứ nhất, việc tiếp tục áp dụng biện pháp đó có còn cần thiết để loại trừ thực tiễn BPG có liên quan nữa không? và

- Thứ hai, nếu như thay đổi biện pháp chống BPG (bao gồm cả việc thay đổi mức thuế chống BPG) hoặc dỡ bỏ biện pháp chống BPG thì liệu thiệt hại có còn xảy ra nữa không? (Điều 11.2, ADA 1994).

Nếu qua quá trình rà soát, cơ quan có thẩm quyền thấy rằng việc áp dụng thuế chống BPG hoặc cam kết về giá là không còn cần thiết thì biện pháp chống BPG tương ứng phải được dỡ bỏ ngay lập tức.

Ở Hoa Kỳ, rà soát giữa kỳ được gọi là “rà soát do thay đổi hoàn cảnh” (Review based on changed circumstance) (Điều 1675(b), USC 19). Việc rà soát này được tiến hành bởi ITC vào sau 24 tháng kể từ khi ban hành lệnh áp thuế chống BPG và theo yêu cầu rà soát của một trong các bên, trong đó có nêu những

lý lẽ chứng minh tình hình liên quan tới vụ việc chống BPG và hàng hóa đã có sự thay đổi cần thiết phải được rà soát. Nếu những lý lẽ này thuyết phục được ITC thì cơ quan này sẽ tiến hành việc rà soát. Nội dung rà soát và những vấn đề rà soát về cơ bản giống với các quy định của WTO.

Trên thực tế, rà soát do thay đổi hoàn cảnh là một thủ tục không quá quan trọng đối với các bên liên quan tới vụ kiện chống BPG tại Hoa Kỳ. Lý do là vì theo phương pháp tính thuế chống BPG của Hoa Kỳ như trình bày trên đây nước này áp dụng biện pháp tính thuế sau trên cơ sở thực tiễn chống BPG trong thời gian áp thuế. Việc tính thuế sau này được tiến hành theo yêu cầu của các bên liên quan, thường là nhà xuất khẩu bị đánh thuế BPG theo một trình tự gọi là rà soát định kỳ (periodic review), hay rà soát hành chính (administrative review). Khi tiến hành rà soát định kỳ, DOC sẽ tiến hành xác định GTTT, GXK và biên độ phá giá thực tế của sản phẩm đã nhập khẩu BPG trong giai đoạn bị áp thuế, qua đó DOC quyết định mức thuế chống BPG phù hợp cho giai đoạn đó. Chính thủ tục rà soát định kỳ này, chứ không phải là thủ tục rà soát giữa kỳ, mới được các bên quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là khi tiến hành rà soát định kỳ, DOC sẽ không xem xét tới việc liệu có tiếp tục đánh thuế BPG hay có nên dỡ bỏ thuế chống BPG hay không. Cơ quan này chỉ đơn giản thực hiện một công đoạn kỹ thuật tính toán mức thuế chống BPG cho đúng với thực tế BPG mà thôi.

Đối với EU, việc tiến hành rà soát giữa kỳ có vai trò hết sức quan trọng đối với nhà nhập khẩu bị đánh thuế chống BPG ở thị trường này bởi EU áp dụng cách tính thuế chống BPG theo cách thức tính trước, tức là ấn định một mức thuế cố định từ trước và áp dụng đối với tất cả các lô hàng nhập khẩu sau đó cho dù khi đó sản phẩm được bán với mức giá nào. Chính vì vậy mà rà soát giữa kỳ là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu yêu cầu UBCA điều chỉnh mức thuế chống BPG cho phù hợp với thực tiễn thương mại của mình.

Theo quy định của EU, rà soát giữa kỳ có thể được tiến hành theo yêu cầu của các doanh nghiệp có liên quan hoặc do UBCA thấy cần thiết phải tiến hành. Trong mọi trường hợp rà soát giữa kỳ chỉ có thể được thực hiện sau ít nhất 1 năm kể từ thời điểm áp dụng thuế chống BPG. EU yêu cầu doanh nghiệp đề nghị rà

soát phải đưa ra được bằng chứng thuyết phục cho thấy việc áp dụng biện pháp chống BPG là không cần thiết hoặc nếu dỡ bỏ biện pháp chống BPG thì thiệt hại vẫn sẽ không xảy ra. Hoặc các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất nội địa của EU cũng có thể sử dụng rà soát giữa kỳ như một cơ hội để nâng thêm mức thuế chống BPG nếu như họ chứng minh được mức thuế chống BPG hiện tại không đủ để loại trừ việc BPG gây hại (Điều 11.3, Quy định EC 384/96).

Khi nhận được đơn đề nghị rà soát giữa kỳ, UBCA sẽ tiến hành quá trình điều tra tương tự như khi điều tra ban đầu. Kết luận của UBCA sau khi kết thúc điều tra sẽ được trình lên HĐCA để đưa ra một trong ba loại quyết định: (1) hủy bỏ biện pháp chống BPG; (2) giữ nguyên biện pháp chống BPG; hoặc (3) sửa đổi biện pháp chống BPG, mà thường là sửa đổi mức thuế chống BPG.

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 125 - 127)