phá giá
Hoạt động BPG tự bản thân nó đã là một hoạt động mang tính xuyên quốc gia. Các nước ngay lập tức đã thấy lợi ích của mình bị tác động bởi các hành vi BPG và các biện pháp chống BPG, cho dù đó là nước có doanh nghiệp BPG ra nước khác hay bản thân nền kinh tế nước đó đang bị ảnh hưởng bởi hàng hoá bị BPG. Chính vì vậy, cũng là điều dễ hiểu khi không lâu sau khi BPG trở thành mối quan tâm của chính phủ các nước thì nó đã trở thành mối quan tâm chung trên phạm vi quốc tế. Hội Quốc liên (the League of Nations), một trong những tổ chức quốc tế liên chính phủ đầu tiên trên thế giới tiền thân của Liên Hợp quốc đã có sự quan tâm rất sớm tới BPG mặc dù đây là vấn đề không liên quan trực tiếp tới mục đích chính trị và ngoại giao mà tổ chức này vẫn theo đuổi. Tuy vậy, những nỗ lực của Hội Quốc liên đối với vấn đề BPG cũng chỉ dừng lại ở việc soạn thảo một Bản ghi nhớ về BPG (Memorandum on Dumping) không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia thành viên. Đến hội nghị Bretton Woods (1944-1945), vấn đề BPG đã được chính thức nêu ra để thảo luận trong phạm vi thương mại quốc tế đa phương.
Ngày 5/3/1946, Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp quốc thông qua một nghị quyết thành lập một uỷ ban chuẩn bị cho Hội nghị của Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển. Để đóng góp cho Hội nghị này và trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định Bretton Woods, Hoa Kỳ đã đệ trình dự thảo Hiến chương
thành lập Tổ chức thương mại quốc tế ITO (International Trade Organization). Hiến chương này đã được thông qua tại La Havana năm 1948 (Hiến chương Havana) có đưa ra những điều khoản cơ bản để thành lập một Tổ chức thương mại quốc tế. Tuy rằng tổ chức này sau đó không được thành lập nhưng Chương 4 của bản Hiến chương đó, phần liên quan tới chính sách thương mại cũng đã được thể hiện trong quy định của GATT năm 1947. Một trong những nội dung được đưa vào đã trở thành Điều VI nổi tiếng của GATT 1947 về chống BPG. Mục đích của Điều VI khi đó không phải là để kiểm soát BPG mà là để quy định về việc thi hành các biện pháp chống BPG. Do được Hoa Kỳ chủ trì soạn thảo nên Điều VI có rất nhiều điểm tương đồng với Luật 1921 của Hoa Kỳ về chống BPG; nó cũng quy định rằng một trong những điều kiện để trừng phạt hành vi BPG là nó phải gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho nền kinh tế của nước nhập khẩu. Tuy vậy, về thực chất, GATT 1947 không hề coi bản thân BPG là một thực tiễn kinh doanh đáng lên án. Nó chỉ đơn giản cho phép nước nhập khẩu được phép phản ứng lại đối với hàng hoá BPG nhập khẩu vào nước mình. Nhưng, nước xuất khẩu thì không bị lên án vì đã dung túng cho hành vi BPG; họ không có nghĩa vụ phải bảo đảm không có việc BPG từ nước mình. Dù sao, Điều VI của GATT 1947 đã giữ vai trò là xương sống cho Pháp luật về chống BPG quốc tế trong suốt thời gian sau đó, cho đến khi nó được thay thế bởi điều khoản tương ứng của GATT 1994.
Trên thực tế, trong suốt giai đoạn từ 1947 đến 1994, Điều VI của GATT 1947 cũng không phải là điều khoản duy nhất của pháp luật quốc tế điều chỉnh về BPG. Nội dung quy định của Điều VI có nhiều điểm không rõ ràng và dễ dẫn tới việc hiểu và áp dụng không thống nhất. Chính vì vậy, trong những vòng đàm phán trong khuôn khổ GATT tiếp sau đó, nhiều quan ngại đã được đặt ra xung quanh tính thực thi của Điều VI. Chính vì vậy mà trong quá trình đàm phán ở Vòng Kennedy (1964-1967), các nước đã thông qua Bộ luật về chống BPG của GATT (Antidumping Code – GATT/ADC 1967), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/1968. Bộ luật này đưa ra những quy định nội dung và thủ tục chi tiết hơn làm
cơ sở pháp lý cho việc áp đặt các biện pháp chống BPG. Cụ thể, Bộ luật quy định chỉ được áp đặt thuế chống BPG tạm tính khi có đầy đủ bằng chứng sơ bộ cho thấy đã có hành vi BPG và thiệt hại. Nó cũng không cho phép áp đặt các mức thuế chống BPG có giá trị hồi tố. Đồng thời Bộ luật cũng khuyến khích việc áp thuế chống BPG thấp hơn mức biên độ phá giá (dumping margin) nếu như bản thân mức đó đã đủ để bù đắp thiệt hại. Về các quy định nội dung, Bộ luật này định nghĩa rõ hơn về thuật ngữ “ngành sản xuất nội địa” đề cập ở Điều VI. Theo đó, ngành sản xuất nội địa bao gồm tổng thể các nhà sản xuất trong nước của nước nhập khẩu sản xuất ra sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra hoặc những nhà sản xuất trong nước mà có đầu ra sản phẩm khi kết hợp với nhau thì tạo thành phần lớn trong tổng sản phẩm đó.
Trên cơ sở kế thừa, GATT/ADC 1967 cũng còn là sự bổ sung quan trọng cho Điều VI của GATT 1947 điều chỉnh về chống BPG từ góc độ pháp luật quốc tế. Nó đã làm rõ hơn đáng kể nhiều điểm còn mập mờ, chưa rõ nghĩa của Điều VI. Tuy nhiên, bản thân nó cũng có những bất cập nhất định. Bất cập lớn nhất nằm ở nội dung quy định về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi BPG và thiệt hại của ngành sản xuất nội địa. Theo đó, GATT/ADC 1967 quy định cụ thể rằng hành vi BPG phải rõ ràng là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại. Quy định này đã gây nhiều khó khăn cho việc áp dụng trên thực tiễn bởi nó yêu cầu một cách quá cụ thể rằng nước nhập khẩu phải chứng minh được hành vi BPG chứ không phải hành vi nào khác là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.
Để khắc phục những bất cập của GATT/ADC 1967, các nước thành viên đã đàm phán và ký kết một hiệp định mới trong khuôn khổ Vòng đàm phán Tokyo (1973-1979), được gọi là Hiệp định chống BPG 1979 (Antidumping Agreement 1979-ADA 1979). Trong Hiệp định này, điều kiện về mối quan hệ nhân quả đã được quy định linh hoạt hơn để các nước nhập khẩu dễ áp dụng. Hiệp định này chỉ quy định rằng: “nếu những thiệt hại được gây ra bởi những nhân tố khác thì những thiệt hại đó không thể bị quy cho hành vi BPG” (Điều 3.5, ADA 1979).
Ngoài ra ADA 1979 còn mở rộng thêm các quy định về việc xác định và quản lý giá và số lượng hàng nhập khẩu. Nó cũng giới hạn chặt chẽ hơn nữa các mức thuế chống BPG có hiệu lực hồi tố, đồng thời yêu cầu các thủ tục điều tra và áp thuế chống BPG hoàn tất trong vòng một năm nếu không có lý do đặc biệt.
Nhìn chung, sau Vòng đàm phán Tokyo 1979, với sự ra đời của ADA 1979 thì các quy định về chống BPG của GATT 1947 đã được hoàn thiện thêm một bước.
Kể từ khi được ký kết, GATT 1947 trong đó có sự đóng góp của các quy định của nó về chống BPG đã có được những thành công đáng kể trong việc giảm bớt các hàng rào thuế quan và kiểm soát các rào cản phi thuế quan. Tuy nhiên, do yếu tố lịch sử khi thành lập nên bản thân nó có những nhược điểm không dễ dàng khắc phục, ví dụ như phạm vi điều chỉnh hẹp, bản chất lâm thời và thiếu vắng đi một bộ khung thiết chế bền vững và ổn định. Chính vì vậy mà ngay sau khi GATT 1947 được ký kết, các nước đã tiến hành những vòng đàm phán tiếp theo để bàn về việc cắt giảm thuế quan và các vấn đề liên quan tới tự do hóa thương mại. Ở vòng đàm phán cuối cùng, vòng đàm phán thứ tám, diễn ra từ năm 1986 đến năm 1994 (Vòng đàm phán Uruguay), 125 nước thành viên đã đạt được một thành quả quan trọng là ký kết với nhau hiệp định thành lập nên Tổ chức thương mại thế giới (The World Trade Organization - WTO), hay còn gọi là Hiệp định Marakesh. Hiệp định thành lập WTO bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/1995 với 16 điều khoản nội dung và phần Phụ lục bao gồm các Hiệp định thương mại đa biên trong khuôn khổ WTO, trong số đó có Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT 1994) và Hiệp định về việc thực thi điều VI của GATT 1994 (thường được gọi là Hiệp định về chống BPG 1994 hay ADA 1994). Sau khi các văn kiện thành lập WTO được ký kết và chính thức có hiệu lực, Điều VI của GATT 1994 và ADA 1994 đã thay thế Điều VI của GATT 1947 và ADA 1979. Đó cũng chính là bộ khung quy phạm pháp luật hiện hành của WTO điều chỉnh về chống BPG trong thương mại quốc tế. (Theo quy định của GATT 1994 thì toàn bộ nội dung của GATT 1947, trong đó có Điều VI, đã trở thành một phần của GATT 1994.
Sau khi GATT 1994 có hiệu lực thì GATT 1947 trên thực tế cũng không còn được viện dẫn trong các cam kết quốc tế. ADA cũng mang tên gọi là Hiệp định về việc thực thi Điều VI của GATT 1994 chứ không phải GATT 1947)
Như vậy, luật lệ của WTO về chống BPG hiện nay dựa trên hai nguồn quan trọng là Điều VI của GATT 1994 và ADA 1994. Điều VI quy định một cách khái quát về các điều kiện áp dụng thuế chống BPG, giới hạn của các mức thuế chống BPG và vai trò của việc xác định thiệt hại đối với việc áp thuế chống BPG. ADA 1994 là nơi mà các điều kiện, giới hạn mức thuế chống BPG và các vấn đề thủ tục được hướng dẫn và quy định một cách chi tiết hơn. Hiệp định này bao gồm ba phần, mười tám điều khoản và hai phụ lục mang tính quy phạm, trong đó có các điều khoản riêng về cách thức xác định việc BPG (Điều 2), cách thức xác định mức thiệt hại (Điều 3), định nghĩa ngành sản xuất nội địa (Điều 4), phương thức tiến hành điều tra xác định BPG (Điều 5), các biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 7) .v.v. Có thể coi ADA 1994 là văn bản cụ thể hóa và hướng dẫn áp dụng Điều VI của GATT 1994 về việc áp dụng các biện pháp chống BPG.
Bên cạnh đó, luật lệ về chống BPG của WTO cũng luôn được bổ sung bởi các quyết định của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (Disputes Settlement Body – DSB). Về thực chất các quyết định này chính là các tài liệu pháp lý giải thích các quy định của WTO về chống BPG thông qua thực tiễn giải quyết các tranh chấp theo từng vụ việc cụ thể do Cơ quan phúc thẩm (Appellate Body) và Ban hội thẩm (Panel) của WTO trình lên và được DSB thông qua.