Thủ tục tố tụng đối với các vụ kiện chống bán phá giá

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 39 - 41)

Dịnh nghĩa về chống BPG được phát biểu khá đơn giản, song thực tiễn các vụ kiện chống BPG trong thương mại quốc tế thường diễn ra rất phức tạp. Một vụ kiện chống BPG có thể liên quan tới nhiều chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp sản xuất trong ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu với khối lượng và giá trị hàng hóa nhập khẩu lớn, diễn ra trong vòng nhiều năm. Các vụ kiện chống BPG cũng có xu hướng thường liên quan tới các ngành sản xuất có sử dụng nhiều lao động giản đơn nên hệ quả của các vụ kiện có thể gây ra những vấn đề xã hội ở cả nước nhập khẩu và nước xuất khẩu. Chính vì lý do này mà các vụ kiện chống BPG cũng thường nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía các chính phủ nước nhập khẩu. Do tính chất phức tạp như vậy nên hầu hết các nước đều quy định thủ tục tố tụng khá phức tạp. Thủ tục tố tụng giải quyết vụ kiện chống BPG theo quy định của WTO và hầu hết các

nước đều được tiến hành qua một số giai đoạn nhất định và ở mỗi giai đoạn đều có những bước tiến hành cụ thể.

Giai đoạn điều tra: giai đoạn này bắt đầu từ khi có yêu cầu khởi kiện chống BPG. Yêu cầu này thường do một trong hai đối tượng sau đưa ra:

- Các doanh nghiệp sản xuất đại diện cho ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu bị thiệt hại do hàng hóa BPG hoặc

- Cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu, thường là một cơ quan hành chính trong bộ máy nhà nước.

Đơn yêu cầu khởi kiện chống BPG phải có đầy đủ các thông tin về chủ thể nộp đơn, mô tả đầy đủ sản phẩm bị nghi BPG, danh tính của các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm đó vào thị trường nước nhập khẩu, các thông tin về GTTT, GXK của sản phẩm bị kiện BPG và thông tin khác. Đơn kiện cũng phải đi kèm với các bằng chứng xác thực về việc BPG, thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố này. Sau khi nhận được đơn yêu cầu khởi kiện hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ, điều tra để xác định ba vấn đề cơ bản của chống BPG là: (1) có việc BPG hay không? (2) có thiệt hại xảy ra đối với ngành sản xuất nội địa không? và (3) có mối quan hệ nhân quả giữa việc BPG và thiệt hại không? Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị kiện thường phải đưa ra ý kiến và cung cấp các chứng cứ thuyết phục để bảo vệ ý kiến của mình.

Giai đoạn xác định mức thuế chống BPG: trong giai đoạn này, căn cứ vào kết quả cụ thể sau khi xác định được ba vấn đề nêu trên, cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu sẽ xác định có cần áp dụng biện pháp chống BPG hay không và nếu có thể sẽ áp dụng biện pháp nào. Pháp luật về chống BPG của từng quốc gia có quy định cụ thể về các điều kiện áp dụng từng biện pháp chống BPG. Nếu quyết định áp thuế chống BPG đối với sản phẩm nhập khẩu, cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ xác định mức thuế chống BPG cụ thể.

Giai đoạn rà soát sau khi áp thuế chống BPG: một vụ kiện chống BPG không bao giờ kết thúc ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định về mức

thuế chống BPG. Thuế chống BPG thường được áp dụng trong một thời hạn nhất định với khả năng được gia hạn. Luật lệ của WTO cũng như pháp luật các nước đều có quy định về các cơ chế rà soát lại mức thuế chống BPG. Các cơ chế rà soát cụ thể được quy định ở các quốc gia có thể khác nhau. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa bị áp thuế chống BPG có thể kiện quyết định áp thuế chống BPG lên tòa án có thẩm quyền của nước nhập khẩu; doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể thông qua các đợt rà soát hành chính định kỳ, giữa kỳ hoặc cuối kỳ để giảm hoặc thuyết phục cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu bãi bỏ thuế chống BPG.

Nhìn chung, thủ tục tố tụng đối với một vụ kiện chống BPG trải qua nhiều giai đoạn phức tạp và thường kéo dài nhiều năm. Các yêu cầu về chứng cứ, chứng minh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào quá trình tố tụng thường rất ngặt nghèo, đòi hỏi sự tỉ mỉ với việc phải dành nhiều thời gian, chi phí và công sức. Đây là những nhân tố góp phần làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu luôn ở thế bất lợi trong các vụ kiện chống BPG, qua đó càng làm cho tính chất bảo hộ của Pháp luật về chống BPG được thể hiện một cách rõ ràng hơn.

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(198 trang)
w