Biện pháp tạm thời (provisional measures)

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 108 - 111)

Về nguyên tắc, các biện pháp tạm thời luôn được áp dụng sau khi các cơ quan có thẩm quyền đã có kết luận sơ bộ khẳng định có BPG và có thiệt hại xảy ra. Pháp luật của WTO, Hoa Kỳ và EU đều cho phép điều này.

Theo quy định của WTO, các biện pháp tạm thời được coi là những biện pháp không phải để nhằm trừng phạt hành vi BPG mà chỉ nhắm vào việc khắc phục kịp thời các thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa do hàng hóa BPG gây ra. Thông thường, biện pháp tạm thời được áp dụng khi chưa có kết luận điều tra cuối cùng vì thế chưa khẳng định chắc chắn được mức độ BPG của hàng hóa hay mức độ thiệt hại. Chính vì vậy, WTO quy định chỉ được áp dụng biện pháp tạm thời khi các điều kiện sau đây đã được thỏa mãn (Điều 7.1, 7.3, 7.4, ADA 1994):

Thứ nhất, các cơ quan có thẩm quyền đã bắt đầu tiến hành điều tra vụ việc BPG theo đúng quy định của pháp luật và đã có thông báo công khai về việc này. Các bên có quan tâm cũng đã được tạo đủ cơ hội để nộp thông tin và bình luận của mình. Mục đích của điều kiện này là để ngăn các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời một cách tùy tiện. WTO cũng quy định các biện pháp tạm thời không thể được áp dụng trong thời gian 60 ngày kể từ ngày bắt đầu điều tra, để có đủ thời gian xem xét kỹ lưỡng vụ việc và tạo điều kiện cho các bên liên quan cung cấp thông tin và ý kiến rồi mới được ra quyết định.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định sơ bộ khẳng định có BPG và thiệt hại đã xảy ra. Các biện pháp tạm thời, tuy chưa có giá trị chính thức như thuế chống BPG song cũng đã đem lại trách nhiệm vật chất nhất định mà các nhà nhập khẩu phải gánh vác, nên cũng phải có lý do chính đáng cho việc áp dụng.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền xét thấy việc áp dụng biện pháp tạm thời là cần thiết để ngăn ngừa thiệt hại xảy ra trong khi quá trình điều tra đang tiếp tục.

Thực tế ngay khi đã xác định được có thiệt hại xảy ra thì các cơ quan có thẩm quyền thường có xu hướng kết luận rằng việc áp dụng biện pháp tạm thời là cần thiết. Song để tránh sự tùy tiện WTO quy định biện pháp tạm thời không được vượt quá 4 tháng kể từ khi được ban hành, ngoại lệ có thể kéo dài nhưng không được quá 6 tháng. Trong trường hợp đặc biệt thời hạn đó có thể kéo dài thêm nhưng không quá 9 tháng.

Theo quy định của WTO, biện pháp tạm thời có thể được áp dụng dưới một trong các hình thức như mức thuế tạm thời (provisional duty) hoặc một biện pháp bảo đảm tài chính nào đó. Trong đó, biện pháp bảo đảm tài chính được WTO khuyến khích áp dụng hơn vì khi chưa có quyết định chính thức về vụ việc BPG thì việc đưa ra một mức thuế BPG, cho dù là tạm thời, cũng không phải là hợp lý. Hơn nữa biện pháp bảo đảm tài chính cũng phù hợp hơn với bản chất của biện pháp tạm thời là ngăn ngừa thiệt hại xảy ra trong quá trình điều tra BPG.

WTO quy định có hai hình thức bảo đảm tài chính có thể được áp dụng là ký quỹ tiền mặt (cash deposit) hoặc trái phiếu (bond). Mức ký quỹ hoặc trái phiếu có thể tương đương với mức thuế chống BPG ước tính sơ bộ, nhưng không được nhiều hơn biên độ phá giá dự tính tạm thời (Điều 7.4, ADA 1994).

Một biện pháp tạm thời nữa cũng được WTO quy định là tạm đình chỉ định giá tính thuế (withholding of appraisement) với điều kiện mức thuế thông thường và mức thuế BPG tạm tính được chỉ rõ ra. Trên thực tế, bản chất của biện pháp này không hoàn toàn giống một biện pháp ngăn chặn thiệt hại mà là một biện pháp nhằm giữ chỗ để áp dụng hồi tố thuế chống BPG sau này (Điều 7.4, ADA 1994) [114, 85, tr.189].

Có thể thấy, quy định của WTO về các biện pháp tạm thời đã có những nội dung khá cụ thể. Về cơ bản các nội dung này đều được cụ thể hóa và thực thi trực tiếp vào pháp luật của Hoa Kỳ và EU. Những điểm khác biệt, nếu có, thường là ở những khía cạnh kỹ thuật, phù hợp với đặc thù của từng quốc gia hay khu vực.

Ở Hoa Kỳ, các biện pháp tạm thời chỉ có thể được áp dụng nếu cả DOC và ITC có kết luận khẳng định về việc BPG và thiệt hại đã xảy ra. Thực tế, nếu ITC đã có kết luận sơ bộ khẳng định là có thiệt hại thì điều đó cũng có nghĩa gần như

chắc chắn rằng biện pháp tạm thời sẽ được áp dụng, bởi DOC hầu hết sẽ xác định là có hành vi BPG. Điều này đã được chứng minh trong thực tiễn hoạt động của DOC: trong suốt 4 năm từ 2000 đến 2003, DOC chỉ kết luận có 2 trường hợp không có BPG [88, tr.10].

Hoa Kỳ cũng là nước cho phép áp dụng hồi tố biện pháp tạm thời nếu bên nguyên đơn chứng minh được có tồn tại cái gọi là “tình hình nghiêm trọng” (critical circumstances) trong vụ việc chống BPG. Khái niệm tình hình nghiêm trọng được hiểu là trường hợp thiệt hại là lớn và khẩn cấp đến nỗi phải kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp tạm thời thậm chí ra trước cả thời điểm có kết luận sơ bộ về việc chống BPG. Để có được thời hạn áp dụng hồi tố này, bên nguyên đơn sẽ phải chứng minh được với cả DOC và ITC rằng có tình hình nghiêm trọng. DOC sẽ kết luận là có tình hình nghiêm trọng nếu như họ thấy rằng: (1) bên bị đơn đã có tiền sử BPG ở Hoa Kỳ hay bất kỳ đâu hoặc doanh nghiệp nhập khẩu biết là sản phẩm BPG mà vẫn nhập vào Hoa Kỳ và (2) có hiện tượng nhập khẩu ồ ạt sản phẩm BPG đang bị kiện vào Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn. ITC sẽ bị thuyết phục là có tình hình nghiêm trọng nếu như họ thấy rằng: (1) ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ đang bị thiệt hại nghiêm trọng; (2) có hiện tượng nhập khẩu ồ ạt ngay trước khi có kết luận sơ bộ của DOC để tránh thuế; và (3) việc nhập khẩu ồ ạt gây ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường một khi thuế chống BPG được áp dụng (Điều 1673b.(e), USC 19). Hoa Kỳ đã áp dụng mức thuế tạm thời cho một số vụ kiện chống BPG đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, ví dụ trong vụ “Tôm” năm 2003, mức thuế tạm thời Hoa Kỳ áp đặt đối với các doanh nghiệp Việt Nam là từ 12,11%-93,13%, trong vụ “Lò xo không bọc” năm 2008 là 116,31%, trong vụ “Túi nhựa PE” năm 2009 là từ 52,3 – 76,11% [42].

Khác với Hoa Kỳ, pháp luật EU không quy định về việc có thể áp dụng hồi tố các biện pháp tạm thời. Tuy nhiên, trước khi áp dụng biện pháp tạm thời, UBCA phải tham khảo ý kiến các nước thành viên. Trong trường hợp khẩn cấp phải áp dụng ngay biện pháp tạm thời thì UBCA tự quyết định về việc áp dụng và thông báo về việc áp dụng đó cho các thành viên của Liên minh. Sau đó, UBCA

cũng phải thông báo tới HĐCA và HĐCA bằng số phiếu đa số tăng cường có thể phủ quyết quyết định của UBCA (Điều 7.4, 7.5, 7.6, Quy định EC 384/96).

Về cơ bản EU tuân thủ các quy định của WTO về các biện pháp tạm thời và đôi khi EU áp dụng các quy định này theo hướng khá có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Một ví dụ điển hình là EU quy định biện pháp tạm thời chỉ có thể được áp dụng sau ít nhất 60 ngày và không được muộn hơn 9 tháng kể từ ngày bắt đầu cuộc điều tra (Điều 7.1, Quy định EC 384/96). Các biện pháp tạm thời ở EU cũng thường được áp dụng dưới hình thức một khoản bảo đảm tài chính tương đương với mức thuế tạm thời. Khi doanh nghiệp nhập khẩu nộp khoản bảo đảm này thì hàng hóa mới được giải phóng khỏi cảng để đưa vào lưu thông trong thị trường EU (Điều 7.3, Quy định EC 384/96). Bên cạnh đó, EU cũng có những quy định được coi là không thực sự phù hợp với tinh thần và quy định của WTO về vấn đề áp dụng biện pháp tạm thời. WTO quy định thời hạn áp dụng biện pháp tạm thời tối đa là 4 tháng, ngoại lệ là 6 tháng hay đặc biệt là 9 tháng. Trong khi đó, EU lại quy định rằng biện pháp tạm thời có thể được áp dụng với thời hạn ngay lập tức là 6 tháng, tức là nhiều hơn thời hạn quy định bởi WTO là 50% và đặc biệt có thể kéo dài thêm 3 tháng (Điều 7.7, Quy định EC 384/96).

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 108 - 111)