Trong thực tiễn chống BPG đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có một số điểm đáng lưu ý như sau.
Thứ nhất, cho đến nay chưa từng có một vụ việc chống BPG nào được khởi kiện và giải quyết ở Việt Nam, kể cả trước hay sau khi Pháp lệnh chống BPG được ban hành. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc điều tra các vụ kiện liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại gồm các biện pháp chống BPG, chống trợ cấp và tự vệ hiện nay là Cục quản lý cạnh tranh. Trong suốt thời gian hoạt động cho đến nay, Cục quản lý cạnh tranh mới tiếp nhận duy nhất một vụ hai doanh nghiệp Việt Nam khởi kiện sản phẩm kính nổi nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng vụ kiện đó lại liên quan tới biện pháp tự vệ chứ không phải biện pháp chống BPG. Trên thực tế cũng đã có doanh nghiệp nghi ngờ có hành vi BPG gây thiệt hại cho mình và có đến tham khảo ý kiến tư vấn của cơ quan có thẩm quyền, Tuy nhiên, sau đó họ cũng không khởi kiện.
Mặc dù chưa có vụ kiện chống BPG nào xảy ra trên thực tế thì điều đó cũng không có nghĩa là không có hiện tượng BPG ở Việt Nam. Không cần số liệu thống kê chính thức cũng có thể thấy rằng rất nhiều chủng loại hàng hóa giá rẻ của các nước đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng thường xuyên đưa tin về việc doanh nghiệp Việt Nam dù rất cố gắng nhưng vẫn bị thua ngay trên “sân nhà”. Thực tiễn đó có thể có nhiều nguyên nhân nhưng cũng không thể không nghi ngờ tới nguyên nhân hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam đã được BPG.
Thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực chống BPG đã được thành lập. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cơ quan này bao gồm Hội đồng xử lý vụ việc chống BPG và Cơ quan điều tra chống BPG (Điều 6, Nghị định 90/2005/NĐ-CP).
Hội đồng xử lý vụ việc chống BPG được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 04/2006/NĐ-CP. Hội đồng bao gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và một số
thành viên khác do Bộ trưởng Bộ Thương mại bổ nhiệm trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ với nhiệm kỳ năm năm. Theo quy định của pháp luật, Hội đồng sẽ nghiên cứu, xem xét, cân nhắc kết quả của Cơ quan điều tra chống BPG, trên cơ sở đó thảo luận và ra quyết định theo đa số về việc không hoặc có BPG hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Trên thực tế, Hội đồng này đã được thành lập gồm các thành viên đều kiêm nhiệm, đến từ các bộ, ngành có liên quan, đứng đầu hội đồng là một Thứ trưởng Bộ Thương mại. Tuy nhiên, do từ trước tới nay chưa có vụ kiện chống BPG nào được tiến hành nên Hội đồng xử lý vụ việc chống BPG chưa có dịp để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Cơ quan điều tra chống BPG chính là Cục quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công thương), được thành lập theo Nghị định số 06/2006/NĐ-CP. Thẩm quyền quản lý của Cục quản lý cạnh tranh bao gồm không chỉ các vấn đề về chống BPG mà cả vấn đề chống trợ cập, tự vệ và cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam. Trong cơ cấu tổ chức của Cục có Ban Xử lý chống BPG, chống trợ cấp và tự vệ giúp Cục trưởng cục quản lý cạnh tranh thực hiện quản lý trong lĩnh vực chống BPG. Sau khi tiếp nhận đơn kiện chống BPG hoặc khi thấy có dấu hiệu BPG, Cục quản lý cạnh tranh, mà trực tiếp là Ban xử lý chống BPG, chống trợ cấp và tự vệ của mình sẽ tiến hành điều tra, thu thập thông tin, xác minh các vấn đề liên quan tới việc BPG, như: (1) có BPG xảy ra hay không? (2) có thiệt hại vật chất xảy ra hay không? và (3) có mối quan hệ nhân quả giữa BPG và thiệt hại vật chất hay không. Trên cơ sở kết quả điều tra, Cục quản lý cạnh tranh sẽ làm báo cáo và đề xuất hướng xử lý gửi cho Hội đồng xử lý vụ việc chống BPG xem xét.
Tuy nhiên, Hội đồng xử lý vụ việc chống BPG không phải là cơ quan quyết định chính thức việc áp dụng biện pháp chống BPG. Bộ Công thương mới là cơ quan có thẩm quyền chính thức áp dụng biện pháp chống BPG. Bộ sẽ thực hiện quyền này dựa trên đề xuất của Hội đồng xử lý vụ việc chống BPG (Chương II, Pháp lệnh chống BPG năm 2005).
Thứ ba, nhận thức của giới doanh nghiệp Việt Nam về Pháp luật về chống BPG của Việt Nam còn rất thấp. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn, còn chưa hiểu BPG là gì và trong trường hợp nào thì có thể kiện chống BPG. Trong một hội thảo về Pháp luật về chống BPG của Việt Nam do Cục quản lý cạnh tranh tổ chức vào tháng 8 năm 2010, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam tham gia đều không biết tiêu chí để xác định dấu hiệu doanh nghiệp nước ngoài BPG tại thị trường trong nước. Phần lớn doanh nghiệp cho rằng giá bán của sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn giá của sản phẩm trong nước là có thể kiện chống BPG. Một quan chức hiệp hội doanh nghiệp ở trung ương còn lấy ví dụ dây đồng nhập khẩu của Trung quốc rẻ hơn sản phẩm tương tự ở trong nước sản xuất từ 10-15%, theo quan chức hiệp hội này như vậy đã đủ điều kiện để kiện chống BPG. Theo số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, trong số 17.000 thành viên của hiệp hội có khoảng 50% không hiểu về quyền khởi kiện chống BPG. Đã có không ít doanh nghiệp cho rằng mình đang bị cạnh tranh bởi sản phẩm nhập khẩu BPG song hầu hết họ chỉ dựa trên nhận xét cảm tính.
Thứ tư, trong quan hệ quốc tế của Việt Nam với một số nước trên thế giới vẫn còn tồn tại một số thực tiễn có thể ảnh hưởng tới khả năng doanh nghiệp Việt Nam có thể kiện chống BPG đối với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ tại thị trường Việt Nam. Ví dụ điển hình là trong Tuyên bố chung bên lề Hội nghị ASEM 5 giữa Việt Nam và Trung Quốc tháng 10 năm 2004 có đề cập hai nước cam kết không kiện chống BPG đối với sản phẩm của nước kia nhập khẩu vào nước mình. Với cam kết chung này, cho dù doanh nghiệp Việt Nam có kiện chống BPG đối với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc tại thị trường Việt Nam thì các cơ quan có thẩm quyền cũng khó lòng thụ lý và giải quyết.