Lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật về chống bán phá giá của Hoa Kỳ và EU

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 48 - 51)

của Hoa Kỳ và EU

Tại Hoa Kỳ, Luật chống BPG, sau khi ra đời lần đầu tiên năm 1916, đã được thay thế bằng một luật mới ban hành năm 1921. Chính Luật năm 1921 này đã đóng vai trò quan trọng để các nước đàm phán các quy định về chống BPG trong khuôn khổ GATT 1947. Cho dù GATT 1947 khi đó có cách tiếp cận chặt chẽ hơn Luật năm 1921 của Hoa Kỳ, song Luật năm 1921 vẫn tiếp tục được áp

dụng với những sửa đổi thích hợp trong hơn 50 năm sau đó. Vào những năm của thập kỷ 70 và 80 của Thế kỷ 20, do nhu cầu áp dụng các biện pháp chống BPG tăng cao, Nghị viện Hoa Kỳ đã thông qua khá nhiều đạo luật sửa đổi những nội dung khác nhau của Đạo luật năm 1921 và qua đó ban hành Đạo luật về các Hiệp định thương mại (The Trade Agreements Act- TAA) năm 1979 thay thế cho Đạo luật chống BPG năm 1921 đồng thời chính thức đưa các quy định về chống BPG thành một phần (Quyển VII) của Đạo luật thuế quan năm 1930 (the Tariff Act 1930-TA 1930) [76, tr.7]. Sau khi được Nghị viện Hoa Kỳ pháp điển hóa, Đạo luật thuế quan năm 1930 cùng với những sửa đổi bổ sung của nó được đưa vào Quyển 19 của Bộ luật Hoa Kỳ (The US Code – USC) và các quy định về chống BPG được đưa vào Phần II, Quyển phụ số 4 (Subtitle 4) của Quyển 19, Bộ luật Hoa Kỳ, với các điều khoản từ 1671 tới 1677.

Tuy nhiên, đó chỉ là phần quy định của cơ quan lập pháp Hoa Kỳ về chống BPG. Hai cơ quan chủ chốt trong việc thực thi các quy định của Đạo luật thuế quan năm 1930 về chống BPG là Bộ thương mại Hoa Kỳ (Department of Commerce – DOC) và Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (International Trade Commission – ITC) cũng đã ban hành những hướng dẫn cụ thể để hướng dẫn thực hiện phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình. DOC là cơ quan thuộc nhánh hành pháp có trách nhiệm tiến hành điều tra xác định xem có BPG hay không đồng thời giám sát việc áp dụng các biện pháp chống BPG. Các quy định chi tiết hướng dẫn việc xác định chống BPG như thế nào được DOC ban hành tại Phần 351.101-702, Chương III, Quyển 19, Bộ pháp quy liên bang (Code of Federal Regulations – CFR). Khác với DOC, ITC có nhiệm vụ xác định xem mức thiệt hại của hành vi BPG đối với nền kinh tế hay một ngành sản xuất nào đó của Hoa Kỳ tới mức độ nào để trên cơ sở đó quyết định có áp dụng thuế chống BPG hay không và mức thuế chống BPG là như thế nào. ITC đã ban hành các quy định chi tiết để hướng dẫn xác định mức thiệt hại do hành vi BPG gây ra hoặc đe dọa gây ra đối với kinh tế Hoa Kỳ tại Phần 207.1-120, Chương II, Quyển 19, Bộ pháp quy liên bang.

Trong hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ về chống BPG cũng có các án lệ do tòa án Hoa Kỳ, cụ thể là Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ (United States Court of International Trade-CIT) tuyên trong các vụ xét xử về chống BPG. Tuy nhiên, sự đóng góp của án lệ vào pháp luật nội dung trong lĩnh vực này ở Hoa Kỳ là khá khiêm tốn. Lý do là vì lĩnh vực BPG được xem là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý hành chính khá chặt chẽ của DOC và ITC và vì vậy hai cơ quan này có quyền tự quyết khá lớn về các vấn đề liên quan tới chống BPG. Khi xét xử các vụ chống BPG, CIT thường chỉ chú trọng tới khía cạnh pháp lý của vụ việc, tức là tính hợp pháp của quyết định áp dụng biện pháp chống BPG, mà ít khi can thiệp vào vấn đề nội dung.

Khác với Hoa Kỳ có tới hai cơ quan có nhiệm vụ quyền hạn khác nhau trong việc xác định và áp dụng các biện pháp chống BPG, ở EU, Ủy ban châu Âu (UBCA) là cơ quan duy nhất có nhiệm vụ quản lý các hoạt động chống BPG. UBCA tiếp nhận các đơn khiếu nại và thực hiện tất cả các cuộc điều tra để xác định việc BPG và đưa ra các biện pháp xử lý thích hợp. Tuy nhiên, không phải UBCA mà Hội đồng châu Âu (European Council) (HĐCA) mới là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng về biện pháp xử lý đối với các vụ việc BPG cụ thể (Điều 9, Quy định 384/96). Do HĐCA là cơ quan thiên về làm chính sách hơn là cơ quan hành chính nên các quyết định của cơ quan này về chống BPG trong từng trường hợp cụ thể thường dựa vào các đề xuất của UBCA.

Khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động điều tra, xác định BPG và áp thuế chống BPG tại EU được xây dựng dựa trên một văn bản do HĐCA ban hành, gọi là Quy định Cơ bản về bảo vệ trước các hàng hóa nhập khẩu BPG từ các nước không phải thành viên Cộng đồng châu Âu. Văn bản này được ban hành lần đầu tiên năm 1968 (Quy định 459/68) và đến nay đã trải qua bốn lần ban hành mới. Quy định Cơ bản hiện hành về vấn đề này là Quy định 384/96 do Hội đồng châu Âu ban hành ngày 22/12/1995 và có hiệu lực kể từ ngày 6/3/1996. Quy định 384/96 được ban hành ngay sau khi Hiệp định chống BPG năm 1994 được ký kết trong khuôn khổ WTO.

Về mặt nội dung, Quy định 384/96 bao gồm 20 điều khoản chứa đựng các quy phạm điều chỉnh về các vấn đề liên quan tới chống BPG. Cho đến nay, Quy định 384/96 đã được sửa đổi bổ sung 6 lần vào các năm 1996, 1998, 2000, 2002, 2004 và 2005 [60,61,62,63,64] (sau đây gọi chung là “Quy định 384/96 sửa đổi bổ sung”) nhằm mục đích quy định rõ thêm các quy định về xác định các yếu tố BPG, các quy định về thủ tục, cũng như các quy định liên quan tới việc áp dụng biện pháp cư xử như đối với các nước có nền kinh tế thị trường đối với một số nước trong đó có Việt Nam.

Cũng giống như Hoa Kỳ, cơ quan tài phán về chống BPG ở EU, Tòa án Sơ thẩm (The Court of First Instance) có vai trò như một tòa án hành chính. Tòa án này có thẩm quyền xét xử các quyết định hành chính do UBCA và HĐCA ban hành trong lĩnh vực chống BPG. Các phán quyết của Tòa án Sơ thẩm cũng thường chỉ tập trung vào khía cạnh pháp lý chứ không phải là khía cạnh nội dung của các vụ kiện chống BPG.

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(198 trang)
w