Đe dọa gây thiệt hại đáng kể (threat of material injury)

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 97 - 99)

Theo quy định của WTO, Hoa Kỳ và EU, ngay cả trong trường hợp thiệt hại đáng kể chưa thực sự xảy ra thì hàng hóa BPG vào các thị trường này vẫn có thể phải chịu thuế BPG nếu như chúng đe dọa gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất nội địa (Điều 3.7, ADA 1994; Điều 1673(e)(F), USC 19; Điều 3.9, Quy định EC 384/96). “Đe dọa gây thiệt hại đáng kể” là những dấu hiệu hiện hữu và rõ ràng cho thấy tuy thiệt hại đáng kể chưa xảy ra song chắc chắn nó sẽ xảy ra nếu như tình hình tiếp tục diễn biến như hiện tại. Khi đó mức độ đe dọa gây thiệt hại đáng kể cao cũng được coi là một dạng thiệt hại đã xảy ra đối với ngành sản xuất nội địa và điều đó có thể dẫn tới nhu cầu và sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp chống BPG để ngăn chặn.

Để có thể kết luận một dấu hiệu nào là mối đe dọa gây thiệt hại đáng kể, cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu phải thỏa mãn được những điều kiện sau đây khi tiến hành hoạt động điều tra của mình:

Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành điều tra và đưa ra kết luận căn cứ trên những bằng chứng thực tiễn chứ không phải chỉ dựa trên sự cáo buộc, thông tin phiến diện hay chỉ là khả năng xa.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được rằng có sự thay đổi trong tình hình nhập khẩu của sản phẩm BPG và sự thay đổi đó tất yếu sẽ dẫn tới thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa nếu không có sự can thiệp kịp thời.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được rằng thiệt hại tất yếu xảy ra do sự thay đổi trong xu hướng nhập khẩu sản phẩm BPG là thiệt hại ở mức đáng kể.

Trên cơ sở tuân thủ các điều kiện trên đây, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xem xét những yếu tố sau để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tồn tại hay không mối đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.

Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét liệu hàng hóa BPG vào thị trường nội địa có tăng đáng kể hay không và xu hướng tăng đó có cho thấy khả năng tiếp tục tăng lên đáng kể trong tương lai gần hay không.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét liệu việc tăng thêm đáng kể hiện tại hoặc trong tương lai trong sản lượng của các doanh nghiệp xuất khẩu có phải là chỉ dấu cho thấy sẽ có sự tăng thêm đáng kể khối lượng sản phẩm BPG vào thị trường nước nhập khẩu. Khi xem xét yếu tố này, cơ quan có thẩm quyền phải cân nhắc tới cả khả năng tiêu thụ sản phẩm tương tự ở các thị trường nhập khẩu khác. Sản lượng của các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cao trong khi nhu cầu của các thị trường nhập khẩu khác đã được thỏa mãn có thể là dấu hiệu cho thấy sẽ có sự tăng đột biến trong khối lượng sản phẩm đó nhập khẩu vào nước đang tiến hành điều tra BPG.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ phải xem xét liệu sản phẩm có được đưa vào thị trường nước nhập khẩu với mức giá có thể làm giảm hoặc kìm hãm đáng kể giá trong nước của sản phẩm nội địa và qua đó tăng thêm nhu cầu đối với hàng hóa đó hay không.

Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét tới khối lượng tồn kho của sản phẩm đang bị điều tra. Khối lượng tồn kho còn ít trong khi nhu cầu tại nước nhập

khẩu tăng cao có thể được coi là dấu hiệu cho thấy lượng nhập khẩu sản phẩm đó trong thời gian tới sẽ tăng lên.

Dựa trên kết quả xem xét các yếu tố trên đây của tình hình nhập khẩu sản phẩm BPG, cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra kết luận về khả năng có hay không có mối đe dọa gây thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, tại Điều 3.7 của ADA 1994 quy định rằng cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu nên dựa trên những yếu tố trên đây để tiến hành đánh giá, như vậy họ không bắt buộc phải xem xét riêng rẽ và toàn bộ các yếu tố đó.

Thậm chí, WTO còn cho phép các nước thành viên quy định thêm các yếu tố khác để xem xét khi đánh giá khả năng tồn tại mối đe dọa gây thiệt hại đáng kể. Vì vậy Hoa Kỳ đã đưa thêm vào hai yếu tố để đánh giá khả năng tồn tại mối đe dọa gây thiệt hại đáng kể, đó là (1) khả năng chuyển sang sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm đang bị kiện BPG của các doanh nghiệp hiện đang không sản xuất mặt hàng này ở nước xuất khẩu và (2) tác động tiêu cực hiện hữu hoặc tiềm tàng tới các nỗ lực sản xuất và phát triển của ngành sản xuất nội địa, bao gồm cả những nỗ lực phát triển phiên bản cao cấp hơn của sản phẩm đang bị kiện BPG (Điều 1673e.(b)(F)(VI) và (VIII), USC 19). Việc đưa thêm vào xem xét những yếu tố này làm cho khả năng áp thuế chống BPG dễ xảy ra hơn đối với hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ.

Một phần của tài liệu Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU (Trang 97 - 99)