- Đội ngũ công nhân Thái Nguyên với việc phát triển kinh tế văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh
2.2.1.2. Những nhân tố trong nước
- Những nhân tố chung của đất nước:
Trước sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ và yêu cầu chung của sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ 2001 đến 2010 là:
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng XHCN, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế, đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến 2020 nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại [16, tr.24]
Điều đó đã có tác động rất lớn đến xu hướng biến đổi của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân Thái Nguyên nói riêng chẳng hạn:
Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tất yếu sẽ làm cho giai cấp công nhân phát triển đa dạng, tự do về thị trường việc làm với những đặc điểm khác nhau về vị thế, thu nhập, tiền lương, sự cạnh tranh về việc làm và đặt ra yêu cầu nâng cao trình độ của người công nhân trên mọi lĩnh vực.
Đảng và Nhà nước chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, định hướng phát triển cơ cấu ngành, cơ cấu vùng khiến giai cấp công nhân phát triển theo các chiều hướng: chuyển dịch công nhân từ ngành này sang ngành khác; xuất hiện thêm công nhân các ngành kinh tế mới nhất là công nhân dịch vụ hiện đại, công nhân có trình độ khoa học công nghệ cao khiến cho số lượng công nhân tăng lên và xu hướng trẻ hóa trong đội ngũ.
Chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước sẽ hình thành và phát triển đội ngũ công nhân nông nghiệp ở nhiều bình diện khác nhau...
Ngoài ra, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cũng tác động tích cực đến xu hướng biến đổi của giai cấp công nhân như: chính sách tiền lương, chính sách giải quyết việc làm, chính sách giáo dục đào tạo, chính sách phát triển khoa học - công nghệ, chính sách mở rộng kinh tế đối ngoại, chính sách phát triển kinh tế vùng miền.
- Nhân tố riêng của tỉnh Thái Nguyên:
Ngoài những nhân tố quốc tế, nhân tố chung của đất nước, đội ngũ công nhân Thái Nguyên còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nhân tố riêng của địa phương.
Thái Nguyên là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Ngoài hệ thống giao thông thuận lợi, cửa ngõ của khu vực Việt Bắc xưa (với 6 tỉnh), Thái Nguyên còn là tỉnh rất giàu tiềm năng, khoáng sản. Địa hình phong phú nên vừa có thể xây dựng các khu công nghiệp, vừa có khả năng xây dựng các vùng chuyên canh trồng cây nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến phát triển. Bản thân Thái Nguyên đã là một tỉnh có nền công nghiệp truyền thống, vì vậy có tiềm năng phát triển một mô hình kinh tế đa dạng với nhiều ngành công nghiệp và có khả năng trở thành một trong những tỉnh hàng đầu khu vực Việt Bắc về phát triển công nghiệp. Hơn thế nữa, Thái Nguyên còn là tỉnh có dân số tương đối đông, nguồn lao động dồi dào, trình độ học vấn cao hơn so với các tỉnh lân cận và một số tỉnh khác. Là một trong 6 trung tâm giáo dục của cả nước hiện nay với trên 20 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, hàng năm có khoảng 30 ngàn người theo học ở các cơ sở nói trên. Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ của Thái Nguyên phát triển nhanh đủ sức đáp ứng yêu cầu thích nghi và đổi mới khoa học - công nghệ hiện đại. Hiện tại toàn tỉnh có 20.500 người có trình độ cao đẳng trở lên, tiến sĩ 122, thạc sĩ 502, PGS.GS là 35. Đây là nguồn
nhân lực hết sức quan trọng, hết sức thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và điều đó cũng tác động trực tiếp đến xu hướng biến đổi của đội ngũ công nhân Thái Nguyên trong những năm tiếp theo.
Từ những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, xã hội đã nêu, Thái Nguyên còn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng. Nhân dân các dân tộc của tỉnh đoàn kết nhất trí trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, trên cơ sở thế mạnh của địa phương đồng thời khắc phục những trì trệ kéo dài. Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã có bước sáng tạo trong tư duy phát triển kinh tế và trong thực tế đạt được nhiều thành tựu hết sức khả quan. Với chủ trương:
Tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện... Tiến hành sắp xếp doanh nghiệp nhà nước một cách hợp lý, tận dụng thế mạnh địa phương... tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ... xây dựng đội ngũ công nhân phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng... [17, tr.23, 51].
Kết quả là từng bước đưa Thái Nguyên thoát dần khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, giữ mức tăng trưởng kinh tế khá và ổn định, cải thiện đời sống nhân dân. Tiếp theo đó, Đại hội Đảng bộ XVI (2000-2005) căn cứ vào những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn 1995-2000, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiệm vụ cơ bản trong phát triển công nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 là: "Tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, tập trung phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh ở địa phương, thu hút vốn đầu tư với nước ngoài... Có chính sách phát triển khoa học - công nghệ hợp lý, xây dựng đội ngũ công nhân lớn mạnh" [20, tr.29].
Đó là những nhân tố riêng của Thái Nguyên có mối quan hệ chặt chẽ, vừa đan xen vừa thâm nhập lẫn nhau và đều ảnh hưởng đến sự biến động của đội ngũ công nhân Thái Nguyên ở những mức độ khác nhau một cách trực tiếp và gián tiếp.