trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Thái Nguyên
Là một tỉnh miền núi trung du phía Bắc, tập quán canh tác lạc hậu, thủ công, thì song song với phát triển công nghiệp hiện đại Thái Nguyên phải đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong những năm qua, đội ngũ công nhân Thái Nguyên đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp mỗi năm đều cao hơn năm trước: Năm 1991 tỷ trọng công nghiệp là 25,4% thì đến 2004 đã đạt 37,27% [47, tr.2],
nông, lâm nghiệp 26,58%. Nông, lâm nghiệp của Thái Nguyên bắt đầu được trang bị những tư liệu sản xuất máy móc, công cụ, phương tiện và kỹ thuật tiên tiến cũng như nguyên vật liệu có thể tạo ra năng suất lao động cao hơn hẳn so với trước đây. Trên địa bàn tỉnh có một số xí nghiệp sản xuất những sản phẩm chủ yếu phục vụ cho phát triển nông nghiệp như: Công ty Cổ phần cơ khí Phổ Yên, Công ty TNHH Phụ tùng máy Sông Công, Công ty Cổ phần xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần cơ khí 3-2... cung cấp những loại máy móc phù hợp địa hình có chất lượng phục vụ cho phát triển nông nghiệp chẳng hạn: các loại máy kéo vừa và nhỏ, máy cày tay, máy bơm nước. Các loại máy phục vụ chế biến nông sản như: Máy tuốt lúa, máy xay sát, máy sấy, máy chuyên dụng cho sản xuất chè... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có một số công ty sản xuất phân bón, giống cây trồng, thức ăn gia súc, thuốc phòng trừ sâu bệnh và vật nuôi không những chỉ phục vụ cho phát triển nông nghiệp tỉnh mà còn lưu thông sang rất nhiều tỉnh khác. Công nghiệp chế biến của Thái Nguyên đang được đẩy mạnh vì thế đội ngũ công nhân Thái Nguyên là lực lượng chính thúc đẩy quá trình giao lưu truyền thống giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn. Việc mở rộng quy mô sản xuất của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, các xí nghiệp chè Thái Nguyên, nhà máy chế biến thức ăn gia súc, Công ty sữa Nassteclvina, Công ty Ván dăm, Công ty Cổ phần và chế biến thực phẩm, Công ty Dâu tằm tơ Thái Nguyên... đã tiêu thụ một số lượng lớn nông sản chủ yếu được sản xuất trên địa bàn tạo đà cho nông nghiệp phát triển (chẳng hạn các đơn vị chế biến mỗi năm tiêu thụ khoảng gần 70 ngàn tấn chè, 304 ngàn tấn hạt các loại, 500 tấn thuốc lá, trên 100 ngàn tấn nguyên liệu giấy...). Cùng với việc trang bị cho nông nghiệp Thái Nguyên những tư liệu sản xuất, trang thiết bị phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp đội ngũ công nhân Thái Nguyên đã góp phần rất lớn trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Quá trình đẩy nhanh sự phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh gắn với việc hình thành các khu công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn nông thôn nhờ hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội như điện, đường, trường, trạm, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống nước sạch, các dịch vụ công cộng phát triển... Điều đó đã tạo thời cơ thuận lợi cho nông dân tiếp cận được với tiến bộ khoa học công nghệ và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, bộ mặt nông thôn
Thái Nguyên đang dần từng bước thay đổi tích cực. 100% số xã có điện lưới quốc gia, với 90,16% số hộ đã sử dụng điện lưới, 100% có đường ô tô đến các trung tâm xã, 100% xã có trường học, trạm y tế, phủ sóng truyền thanh, truyền hình... Nhiều vùng nông thôn Thái Nguyên xưa thuần túy trồng cây lương thực hoặc một vài loại cây khác với quy mô nhỏ, phân tán, nay đã trở thành vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu cây công nghiệp phục vụ trực tiếp cho phát triển công nghiệp ở tỉnh nhà.