Đội ngũ công nhân Thái Nguyên ra đời rất sớm bắt nguồn từ vị trí địa lý (địa chính trị, địa kinh tế) của Thái Nguyên.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đội ngũ công nhân Thái Nguyên với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá pptx (Trang 28 - 30)

(địa chính trị, địa kinh tế) của Thái Nguyên.

Đội ngũ công nhân Thái Nguyên ra đời sớm, gần như đồng thời với sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung do những thuận lợi về vị trí địa lý cũng như điều kiện kinh tế - xã hội riêng có. Thái Nguyên là một tỉnh miền núi và trung du thuộc Bắc Bộ , có địa giới hành chính chung với 6 tỉnh trong cả nước. Phía Bắc giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Đông Nam giáp với tỉnh Bắc Giang, Đông Bắc giáp với tỉnh Lạng Sơn, phía Nam giáp với thủ đô Hà Nội; Tây Nam giáp với tỉnh Vĩnh Phúc và phía Tây giáp với tỉnh Tuyên Quang. Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 3.541 km2. Dân số là 1.083.779 người, với mật độ trung bình là 306 người/km2. Việc tiếp giáp với 6 tỉnh và

thành phố đã tạo nên một vị thế hết sức đặc biệt xét về góc độ địa lý: Xưa nay Thái Nguyên vẫn thường được xem như một nét gạch nối giữa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với vùng đại ngàn Việt Bắc, với địa thế "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ", nên ngay trong thời kỳ chống sự xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc, Thái Nguyên đã được cha ông ta chọn là một trong những phòng tuyến quan trọng nhất nhằm bảo vệ thủ đô thân yêu cũng như làm bàn đạp phản công để tiêu diệt quân địch. Địa hình Thái Nguyên mang đặc trưng 3 vùng: Vùng trung du gồm thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và các huyện Phổ Yên, Phú Bình. Vùng núi gồm huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ. Vùng cao là huyện Võ Nhai.

Chính vì đặc điểm địa hình tự nhiên vừa miền núi, vừa trung du nên tiềm năng đất đai rất đa dạng cả về đất nông nghiệp, đất công nghiệp và đất rừng. Đất Thái Nguyên thuộc loại Feralit, đất đá vôi và đất ruộng, thích hợp cho việc phát triển cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Vùng đô thị thành phố Thái Nguyên và hai huyện liền kề: Phú Bình, Phổ Yên địa hình tương đối bằng phẳng, kết cấu đất ổn định, gần đường giao thông liên tỉnh rất thuận lợi cho việc phát triển các khu công nghiệp. Đặc biệt Thái Nguyên là vùng đất nổi tiếng giàu về tài nguyên, khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn với nhiều chủng loại phong phú như các mỏ sắt, vàng, chì, kẽm... từ lâu đã là nguồn hấp dẫn đối với nhiều nhà khai khoáng trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng khoảng thời gian trị vì 4 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiên Trị, Tự Đức, cả nước có 4 mỏ chì được khai thác thì mỏ chì ở Quán Triều - Thái Nguyên là mỏ có trữ lượng lớn nhất. Theo Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thái Nguyên cho thấy hiện tại trong lòng đất Thái Nguyên có 4 nhóm khoáng sản:

- Nhóm khoáng sản nhiên liệu: 10 điểm mỏ than.

- Nhóm khoáng sản kim loại: Fe (39 điểm quặng), Mg, Titan, Cu; Ag và thiếc.

- Nhóm nguyên liệu và vật liệu xây dựng: Đá vôi, đất sét, cuội, sỏi, cao lanh, cát...

- Nhóm khoáng sản phi kim loại: Pirýt, barít...

Bên cạnh đó, Thái Nguyên có nhiều sông, suối phân bổ tương đối đều trên địa bàn tỉnh, trong đó lớn nhất là sông Cầu và sông Công. Sông Cầu bắt nguồn từ huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) chảy xuống địa bàn tỉnh Thái Nguyên dọc từ Bắc xuống Nam qua các huyện Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên, Phú Bình và Phổ

Yên tạo nên gần như trục đối xứng cả về lãnh thổ và hướng dốc của tỉnh. Chính vì vậy, thời Pháp thuộc, sông Cầu là tuyến giao thông chủ yếu và quan trọng để địch thuyên chuyển lực lượng, vũ khí, lương thực và phương tiện chiến tranh từ phía Nam lên phía Bắc. Với vị trí là cửa ngõ của vùng Việt Bắc nên hệ thống giao thông của Thái Nguyên tương đối đa dạng, ngoài đường thủy Thái Nguyên còn có đường bộ khá hoàn chỉnh.

Những ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên cũng như vị thế chiến lược của một vùng đất địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt, chính vì thế mà ngay sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Thái Nguyên từ 1884-1896, thực dân Pháp ráo riết xây dựng ngay một bộ máy thống trị một mặt đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên, mặt khác đưa máy móc và huy động nhân công tiến hành khai thác khoáng sản hiện có. Đội ngũ công nhân Thái Nguyên ra đời từ đó với số lượng lên tới gần 1 vạn công nhân, đời sống hết sức cơ cực do giá nhân công rẻ mạt và sự bóc lột tàn tệ của thực dân Pháp. Tiếp nối truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông xưa nên ngay từ khi mới ra đời, đội ngũ công nhân Thái Nguyên đã đấu tranh dũng cảm chống tình trạng cúp lương, chống đánh đập và sa thải thợ. Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của trên 300 công nhân mỏ Hích vào tháng 11-1913, tiếp đến là cuộc đấu tranh chống phạt vạ của hàng trăm công nhân mỏ than Phấn Mễ, đồng thời trong cuộc đấu tranh của binh lính người Việt trong quân đội Pháp 31-8-1917 do Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến chỉ huy, đội ngũ công nhân Thái Nguyên cũng đã trực tiếp tham gia [48, tr.50-51] và đóng góp rất lớn cho thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Thông qua các cuộc đấu tranh đó, đội ngũ công nhân không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng đồng thời cũng tự kiện toàn dần về tổ chức, đoàn kết nhất trí trong đấu tranh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đội ngũ công nhân Thái Nguyên với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá pptx (Trang 28 - 30)