Xây dựng và hoàn thiện pháp luật CBCC là một trong những vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Trên cơ sở định hướng từ các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều VBQPPL tạo thành hệ thống thể chế pháp luật CBCC mà bước đột phá đầu tiên là việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua pháp lệnh CBCC ngày 26/2/1998.
Sau một thời gian thực hiện, pháp lệnh CBCC năm 1998 bộc lộ một số hạn chế trong quá trình quản lý, sử dụng đội ngũ CBCC. Trước tình hình đó Đảng đã đề ra một số nhiệm vụ cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng đội ngũ CBCC thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khoá VIII (1999), Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX, Hội nghị Trung ương 6 khoá IX (2002) ngày 29/4/2003 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh CBCC (pháp lệnh CBCC 2003) sau đó Chính phủ và các bộ ngành ban hành các nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành. Như vậy, có thể thấy cùng với pháp lệnh CBCC, hệ thống các VBQPPL về CBCC đã có sự hoàn thiện dần cùng với sự thay đổi của thực tiễn đất nước, góp một phần rất quan trọng trong xây dựng và phát triển đội ngũ CBCC ngày càng chính quy, hiện đại:
Việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức được đổi mới từ khâu tuyển chọn, đánh giá, thi nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật đến đào tạo
bồi dưỡng và chế độ chính sách đãi ngộ..., góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước [41, tr.113]. Trong giai đoạn đổi mới pháp luật về CBCC nói chung và pháp lệnh CBCC nói riêng đã điều chỉnh khá toàn diện các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ, điều kiện phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ công vụ, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật... Đây là một cố gắng lớn của Đảng và Nhà nước, và là một bước tiến trong quá trình hoàn thiện pháp luật CBCC.
Pháp luật CBCC hiện nay đã phần nào bám sát các nhiệm vụ chính trị, đã cụ thể hoá được chủ trương, đường lối do ĐCSVN đề ra. Pháp luật CBCC đã phần nào theo kịp tiến trình đổi mới toàn diện của đất nước, góp phần tạo ra một đội ngũ CBCC ngày càng trưởng thành, có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, góp phần thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính nhà nước, xây dựng nhà nước Việt Nam trong sạch vững mạnh.
Pháp lệnh CBCC sửa đổi 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có sự phân định rõ cơ chế quản lý CBCC trong các cơ quan quản lý nhà nước với đội ngũ CBCC trong các đơn vị sự nghiệp. Sự phân định này góp phần nâng cao tính tự chủ và chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Việc giao cho Chính phủ quy định định mức biên chế CBCC trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương, quy định định mức biên chế hành chính thuộc UBND cấp tỉnh là đã thực hiện được chủ trương của Đảng về phân cấp mạnh mẽ giữa Trung ương và địa phương trong việc quản lý biên chế CBCC. Việc phân cấp này tạo điều kiện để Chính phủ quản lý thống nhất ở tầm vĩ mô và tạo điều kiện cho các cấp chính quyền tự chủ, sáng tạo trong quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp ở địa phương.
Pháp luật CBCC đã bổ sung CBCC cấp xã vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật cũng như Nghị định 14/2003 của Chính phủ quy định về CBCC cấp xã, Nghị
định 121/2003 về chế độ chính sách đối với đối tượng ngày là một bước phát triển mới hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. CBCC cấp xã cũng là đối tượng phải thi hành công vụ, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đây là cơ sở góp phần xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần thể chế hoá chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn kiện toàn đội ngũ công chức cấp xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX.
Pháp luật CBCC đã đưa thêm đối tượng là công chức dự bị vào phạm vi điều chỉnh cũng là một ưu điểm, vì khi tuyển dụng những đối tượng trẻ, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, được đào tạo cơ bản về cơ sở làm việc theo chế độ công chức dự bị sẽ tạo nguồn để bổ sung vào đội ngũ CBCC, tạo điều kiện cho lớp trẻ được rèn luyện qua thực tiễn ở cơ sở. Việc bổ sung chế độ xét tuyển trong pháp lệnh đối với một số đối tượng đặc biệt góp phần khắc phục tình trạng thiếu nhân lực ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.