Pháp luật cán bộ, công chức thời kỳ 1954 đến

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Lịch sử phát triển và phương hướng hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 57 - 63)

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn phải chịu sự kiểm soát của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Như vậy đến năm 1954, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta mới căn bản hoàn thành trên

miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng ta đã xác định và đề ra nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trong thời kỳ này chúng ta chưa có điều kiện đào tạo, quy hoạch đội ngũ CBCC nên việc tuyển dụng cán bộ, nhân viên vào làm việc trong các cơ quan nhà nước được thực hiện một cách rộng rãi, không qua thi tuyển, mà được tuyển thẳng từ các nguồn như: lực lượng vũ trang, công nhân quốc phòng, dân công hoả tuyến và được gọi chung là "cán bộ, công nhân viên chức nhà nước". Tất cả những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể, hội quần chúng và các xí nghiệp quốc doanh đều được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Thời kỳ 1954 đến 1956 để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, nhà nước ta đã ban hành một số các văn bản pháp luật, những văn bản này nhằm quy định những chế độ, thể lệ đối với cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước, trên cơ sở điều chỉnh từng lĩnh vực riêng rẽ đối với từng đối tượng.

Như vậy, pháp luật trong giai đoạn này không đi theo hướng điều chỉnh chuyên biệt các đối tượng phục vụ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp mà vẫn kế thừa phát triển theo xu hướng điều chỉnh chung. Vì vậy, chúng ta thực hiện chế độ công nhân viên chức và cán bộ bao gồm những người trong biên chế nhà nước, có bậc lương từ cán sự 1 trở lên làm việc trong các cơ quan từ trung ương đến địa phương trong các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân. Công chức nhà nước trở thành một bộ phận của giai cấp công nhân tuân theo các quy định chung của Luật Lao động.

Ngày 31/05/1958 Nhà nước ban hành Nghị định số 270/CP quy định chế độ trả lương cho khu vực hành chính, sự nghiệp.

Việc phân loại, xếp ngạch viên chức được quy định tại Thông tư số 46- NV/CB ngày 3/7/1958 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp cho cán bộ, nhân viên, công nhân cơ quan thuộc khu vực hành chính sự nghiệp; Thông tư số

08/LĐTT ngày 16/4/1958 hướng dẫn sắp xếp cấp bậc cho công nhân, nhân viên kỹ thuật, nhân viên hành chính quản lý xí nghiệp thuộc khu vực sản xuất.

Năm 1959, miền Bắc cơ bản hoàn thành công cuộc khôi phục và cải tạo kinh tế, bước vào thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. miền Nam sau những biện pháp đàn áp tàn khốc của Mỹ, nguỵ nhân dân ta đã vùng lên đấu tranh cả về chính trị và quân sự, với mục tiêu giành độc lập, thống nhất tổ quốc. Sự thay đổi đó đặt ra những yêu cầu mới cho việc xây dựng nhà nước và pháp luật. Sau một thời gian dài nghiên cứu và dự thảo ngày 31/12/1959 Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới. Điều 6 hiến pháp 1959 quy định: "Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp, pháp luật, hết lòng phục vụ nhân dân"

Trên cơ sở hiến pháp mới, hệ thống các cơ quan nhà nước, các tổ chức Đảng, đoàn thể xã hội, các đơn vị sản xuất kinh doanh do Nhà nước quản lý ngày càng mở rộng kể cả quy mô, và số lượng. Nhưng khi đó chúng ta chưa có điều kiện đào tạo nên đại bộ phận CBCC không qua thi tuyển theo quy định trong quy chế công chức 1950. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Nhà nước ta đã ban hành các VBQPPL để bổ sung, thay thế các quy định của quy chế công chức 1950.

Ngày 30/6/1960 Chính phủ ban hành Nghị định số 23/CP về phân loại tổ chức, phân loại chức vụ cán bộ viên chức trong khu vực hành chính sự nghiệp nhằm xác định hệ thống tổ chức và chức vụ cán bộ, viên chức.

Nội dung của Nghị định là việc phân loại tổ chức được quyết định theo cấp, theo ngành và lĩnh vực công tác. Căn cứ vào 3 tiêu chuẩn là: tính chất công tác, khối lượng công tác và phạm vi trách nhiệm. Về chức vụ cán bộ căn cứ vào hai tiêu chuẩn là: Nhiệm vụ công tác và trình độ đào tạo, từ đó phân loại thành các hệ thống sau:

Hệ thống chức vụ lãnh đạo trong bộ máy hành chính từ trung ương đến huyện và các cơ quan chuyên môn, sự nghiệp.

Hệ thống chức vụ các cán bộ nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, xí nghiệp từ trung ương đến địa phương.

Hệ thống chức vụ các nhân viên làm công tác hành chính quản trị ở các cơ quan hành chính và sự nghiệp.

Có thể nói Nghị định số 23/CP là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị thực tiễn cao về phân loại cán bộ, viên chức ở thời kỳ này.

Tiếp sau đó, ngày 1/07/1960 Chính phủ ban hành Nghị định số 24/CP quy định chế độ tiền lương thuộc khu vực sản xuất để điều chỉnh các quan hệ tiền lương theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Ngày 05/07/1960 Chính phủ ban hành tiếp Nghị định số 25/CP quy định chế độ tiền lương thuộc khu vực hành chính sự nghiệp.

Cả hai Nghị định này đều quy định việc áp dụng nguyên tắc hưởng lương theo lao động đối với tất cả các đối tượng là cán bộ, công nhân, viên chức.

Ngày 27/12/1961 Chính phủ ban hành Nghị định số 218/CP về điều lệ tạm thời quy định các chế độ bảo hiểm xã hội: Đối tượng điều chỉnh của Nghị định bao gồm toàn cán bộ, công nhân viên chức được tuyển vào lực lượng lao động thường xuyên trong các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học, bệnh viên, các đoàn thể nhân dân từ cấp huyện trở lên, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang.

Ngày 13/3/1963 Chính phủ ban hành Nghị định số 24/CP ban hành điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân viên chức nhà nước.

- Căn cứ vào nhu cầu sản xuất và công tác.

- Căn cứ vào chỉ tiêu lao động, và chỉ tiêu biên chế đã được Chính phủ quy định cho các cơ quan, xí nghiệp.

Điều kiện và tiêu chuẩn tuyển dụng là:

- Có quyền công dân, có lý lịch rõ ràng, tự nguyện phục vụ. - Có trình độ thích hợp với công việc.

- Có đủ sức khoẻ và đủ 18 tuổi

* Chế độ thôi việc được quy định trong các trường hợp sau đây; Công nhân viên chức xin thôi việc; Công nhân viên chức bị buộc thôi việc; Công nhân viên chức bị buộc phạt giam vì tội có liên quan đến công tác của mình.

Có thể nói Nghị định số 24/CP quy định khá đầy đủ về điều kiện, trình tự, thủ tục, căn cứ để tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức chúng ta có thể vận dụng cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật CBCC sau này. Nhưng trên thực tế lúc bấy giờ việc tuyển dụng các cán bộ vào các cơ quan nhà nước chủ yếu là tuyển thẳng từ các lực lượng vũ trang chuyên ngành, từ các phong trào quần chúng và từ nguồn đào tạo trong và ngoài nước cho nên đội ngũ CBCC đa số không được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kiến thức về quản lý nhà nước. Điều này dẫn đến đội ngũ CBCC luôn có sự điều động, thuyên chuyển không ổn định, năng lực tổ chức quản lý chủ yếu bằng kinh nghiệm.

Ngày 31/12/1964 Chính phủ ban hành Nghị định 195/CP ban hành điều lệ về kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan nhà nước. Nghị định 195CP đã có những quy định làm cơ sở cho các hình thức kỷ luật, trình tự cũng như thủ tục xét kỷ luật công nhân, viên chức. Theo Nghị định các hình thức kỷ luật được xác định

lại so với quy chế công chức 1950 gồm: khiển trách, cảnh cáo hạ bậc công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật, chuyển đi làm việc khác, buộc thôi việc.

Tiếp sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 49/CP ngày 30/4/1968 ban hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân viên chức đối với tài sản của Nhà nước.

Như vậy, trong điều kiện đất nước vừa có hoà bình, vừa có chiến tranh các văn bản pháp luật trên đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà nước quản lý có hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức đông đảo lúc bấy giờ. Pháp luật CBCC giai đoạn này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho đội ngũ cán bộ công nhân, viên chức được đặt dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Các văn bản pháp luật thời kỳ này còn có tác dụng huy động được nguồn lực CBCC tham gia vào quản lý đất nước và công cuộc xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội góp công sức vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Tuy nhiên, pháp luật CBCC giai đoạn này còn có một số những hạn chế sau:

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, hệ thống VBQPPL về CBCC được ban hành khá nhiều, nhưng việc xác định phạm vi không được rõ ràng. Tất cả được gom vào một khái niệm quá chung và rộng: "Cán bộ, công nhân viên nhà nước" với thành phần và nguồn gốc hình thành đa dạng và phong phú. Do không phân biệt được từng đối tượng chuyên biệt nên tất cả đều phải điều chỉnh theo một quy chế pháp lý chung. Phạm vi điều chỉnh rộng nên ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người không đúng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, trình độ dẫn đến chế độ đãi ngộ cũng bất hợp lý, tình trạng kỷ luật thiếu nghiêm minh, điều động thuyên chuyển, tuỳ tiện.

Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử đặc thù của đất nước chúng ta lúc đó những hạn chế, bất cập nêu trên là không tránh khỏi: Đất nước còn nhiều khó khăn; miền

Nam đang đấu tranh giành độc lập, miền Bắc đang tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật CBCC sau này, chúng ta cũng phải tính đến điều kiện lịch sử đặc thù của đất nước để xây dựng hệ thống pháp luật CBCC mới, vừa bảo đảm yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, lại phải tính đến các yếu tố lịch sử cụ thể. Có như vậy, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước chúng ta đã huy động được một lực lượng cán bộ, công nhân đông đảo của nhiều ngành, nhiều cấp, của cả hệ thống chính trị góp một nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp cách mạng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Lịch sử phát triển và phương hướng hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 57 - 63)