Các tiêu chí đánh giá pháp luật cán bộ, công chức qua các giai đoạn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Lịch sử phát triển và phương hướng hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 27 - 32)

đoạn

Để đánh giá được hệ thống pháp luật CBCC qua các giai đoạn cần phải có những tiêu chí cụ thể. Mỗi một tiêu chí được xem như là một căn cứ để xác định, xem xét về tính hoàn thiện của hệ thống pháp luật CBCC ở những phương diện khác nhau. Vì pháp luật CBCC là một lĩnh vực pháp luật liên ngành (liên quan tới nhiều ngành luật) như đã phân tích cho nên, việc xác định các tiêu chí để đánh giá hệ thống pháp luật CBCC là một việc không dễ dàng, tuy nhiên xin nêu một số tiêu chí để đánh giá pháp luật CBCC như sau:

* Tính toàn diện:

Để đánh giá hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật CBCC nói riêng trước hết phải xem xét hệ thống pháp luật đó đã toàn diện chưa. Đây có thể coi là tiêu chí đầu tiên để xem xét đánh giá pháp luật CBCC. Tính toàn diện nghĩa là tất cả những vấn đề gì có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến CBCC đều phải được quy định trong các VBQPPL. Chừng nào mà các vấn đề có liên quan đến việc: sử dụng, quản lý CBCC; chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật; trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn; tiêu chuẩn, chức danh; đào tạo bồi dưỡng... còn thiếu vắng nghĩa là pháp luật CBCC vẫn còn lỗ hổng chưa toàn diện, chưa bao quát được hết các vấn đề thì khi đó hệ thống pháp luật CBCC vẫn chưa được coi là hoàn chỉnh và hoàn thiện.

Pháp luật CBCC phải xác định rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh, vì vậy, đòi hỏi mọi vấn đề có liên quan đến CBCC phải được quy định đầy đủ, rõ ràng, rành mạch trong một hệ thống VBQPPL thống nhất.

Tính toàn diện của hệ thống VBQPPL về CBCC còn thể hiện trong việc ban hành đầy đủ, kịp thời các VBQPPL. Mặc dù, chúng ta đã có pháp lệnh CBCC nhưng còn thiếu các quy định về công vụ, thanh tra công vụ, quy chế hoạt động công vụ, đạo đức công vụ... đây là những vấn đề mà các nước trên thế giới đã xây dựng từ lâu. Có thể coi đây là một khiếm khuyết lớn trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật CBCC như vậy dẫn đến tiêu chí về tính toàn diện chưa đáp ứng được. Đem đến hậu quả là hoạt động của CBCC nhà nước chưa được bảo đảm về mặt pháp lý và gây ra những khó khăn cho việc xác lập kỷ cương, trật tự trong cơ quan tổ chức và nhất là trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc của CBCC. Khi nào mà trên thực tế hoạt động xây dựng pháp luật cho ra các "sản phẩm" mang tính đồng bộ, bao quát toàn diện các vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động công vụ, đến CBCC thì tiêu chí về tính toàn diện của hệ thống pháp luật mới được đáp ứng.

Tóm lại, tiêu chí về tính toàn diện của hệ thống pháp luật CBCC là phải xây

dựng được một hệ thống các VBQPPL quy định tương đối toàn diện các vấn đề về CBCC.

* Tính đồng bộ:

Tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về CBCC đòi hỏi phải xem xét đánh giá xem giữa các văn bản, các quy định có thống nhất với nhau không, có mâu thuẫn, trùng lặp, chồng chéo với nhau không. Có thể khẳng định đây là một tiêu chí rất quan trọng vì nó thể hiện trình độ lập pháp của các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành pháp luật của bất kỳ một quốc gia nào.

Tính đồng bộ là một tiêu chí quan trọng và không thể thiếu để đánh giá một hệ thống pháp luật. Tính đồng bộ còn thể hiện thông qua việc quy định thống nhất trong các VBQPPL mà thường là đối tượng của nó có liên quan đến nhiều ngành luật khác nhau, có tính đan xen với nhau mà điển hình là pháp luật CBCC. Nếu không bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ trong các VBQPPL CBCC sẽ dẫn tới hiện tượng xung đột pháp luật, làm giảm hoặc triệt tiêu hiệu lực pháp lý của các văn bản. Bảo đảm tính đồng bộ sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và điều hành của BMNN và cả hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước. Một hạn chế dễ nhận thấy nhất của hệ thống pháp luật về CBCC nhà nước ở nước ta là hệ thống pháp luật CBCC còn chưa đồng bộ, thiếu tính thống nhất, còn có sự mâu thuẫn chồng chéo: "Các chế định chưa được lượng hoá cụ thể nên trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc có nhiều cách vận dụng khác nhau, tạo nên sự không nhất quán khi xem xét, giải quyết công việc" [39, tr.70].

Do đặc điểm của chế độ chính trị nước ta và đặc điểm của nền công vụ bắt nguồn từ một thực tế khách quan là Đảng lãnh đạo công tác cán bộ, nhà nước có bộ máy của Nhà nước nhưng tất cả đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật CBCC đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về sử dụng, quản lý CBCC và cả các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội phải có sự thống nhất cao khi định ra các chính sách đối với CBCC để tránh hiện tượng có sự chênh lệch, vênh nhau trong việc thực thi chính sách, chế độ đối với CBCC.

Tính đồng bộ còn thể hiện ở sự hài hoà nhưng rõ ràng, rành mạch giữa các quy định. Trên thực tế hệ thống pháp luật CBCC của chúng ta chưa quy định rõ giữa nghĩa vụ của CBCC với các quy định về tiêu chuẩn đạo đức của CBCC khi tham gia hoạt động công vụ mà các quy định này còn nằm tản mạn trong các VBQPPL khác nhau. Như vậy, khi tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật CBCC không được đảm bảo sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng

cũng như hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý của nhà nước và chất lượng đội ngũ CBCC.

* Tính khả thi:

Pháp luật về CBCC phải bảo đảm tính khả thi, tính khả thi ở đây nghĩa là yêu cầu, đòi hỏi các VBQPPL về CBCC phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được các yêu cầu khách quan của thực tiễn. Bởi vì, thực tiễn chính là nơi phản ánh và cũng là nơi để kiểm nghiệm tính đúng đắn của các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được đưa vào cuộc sống thông qua hệ thống pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, có thể coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá xem xét sự điều chỉnh của pháp luật đối với CBCC có phù hợp không, có kịp thời thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hay không.

Vì vậy, tiêu chí về tính khả thi của hệ thống pháp luật đòi hỏi pháp luật phải được xây dựng ban hành căn cứ vào thực tiễn khách quan của cuộc sống, phải đặt trong mối liên hệ giữa sự phát triển của kinh tế - xã hội với xây dựng pháp luật. Do đó, khi xây dựng, ban hành các VBQPPL phải: nghiên cứu kỹ thực tiễn xã hội; các quá trình kinh tế - chính trị của đất nước; phải xuất phát từ thực trạng và những đòi hỏi khách quan của việc xây dựng đội ngũ CBCC; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm lịch sử, tư tưởng, văn hoá, truyền thống dân tộc và chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về đổi mới hệ thống chính trị; xuất phát từ thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước.

Nhìn chung, pháp luật CBCC của chúng ta qua các thời kỳ lịch sử đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước do ĐCSVN đề ra, góp phần xây dựng được đội ngũ CBCC ngày càng trưởng thành, củng cố tăng cường hiệu lực, hiệu quả của BMNN. Hệ thống pháp luật CBCC đã phần nào đáp ứng được tiêu chí về tính khả thi, do vậy, đã đi vào thực tế cuộc sống. Pháp luật hiện hành đã phần nào phản ánh

được tiến trình đổi mới toàn diện của đất nước. Việc điều chỉnh của pháp luật đối với các lĩnh vực có liên quan đến CBCC đều đã gắn với việc thực hiện cải cách nền hành chính nhà nước. Pháp lệnh CBCC là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chế độ CBCC trong công cuộc đổi mới; là cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ CBCC có phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực góp phần xây dựng nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh.

Như vậy, pháp luật nói chung cũng như pháp luật CBCC nói riêng phải luôn luôn xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống đưa vào thực tiễn kiểm nghiệm để rút ra "chân lý" đúng đắn và nó không chỉ phù hợp với hiện tại mà còn vượt cả thời gian để thích ứng với tương lai. Điều này đòi hỏi khả năng của các nhà làm luật là phải nắm bắt được bản chất và quy luật của vấn đề.

* Tính khoa học:

Tính khoa học trước tiên thể hiện ở hình thức và nội dung của hệ thống VBQPPL CBCC. Từ các VBQPPL có giá trị cao đến các văn bản hướng dẫn thi hành đều phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và bảo đảm tính lôgíc.

Pháp luật CBCC được quy định trong nhiều VBQPPL nhưng đòi hỏi phải được sắp xếp theo trật tự, thứ bậc và phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau như: Hiến pháp, các luật, bộ luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư. Tất cả các VBQPPL do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành đều phải trên cơ sở Hiến pháp - là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là cơ sở hình thành pháp luật CBCC.

Ngoài ra, tính khoa học còn thể hiện ở tính lôgíc nghĩa là khi xây dựng và ban hành các VBQPPL CBCC phải tuân theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, khi ban hành VBQPPL nói chung, pháp luật CBCC nói riêng các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, ban ngành có liên quan, trường hợp cần thiết phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Vấn đề này phải được thực hiện theo luật ban

hành VBQPPL và đây cũng là một trong những cách thức để nâng cao chất lượng điều chỉnh của pháp luật CBCC.

Tính khoa học còn đòi hỏi trong hoạt động xây dựng pháp luật phải biết sử dụng tổng hợp các tri thức và phương pháp khoa học để xác định quan hệ nào cần điều chỉnh bằng pháp luật, nhu cầu điều chỉnh của pháp luật nên đặt ở mức độ nào và theo phương thức nào, có đảm bảo, có hiện thực không, phải dự trù được những hậu quả tích cực, tiêu cực sẽ như thế nào. Đánh giá pháp luật CBCC của chúng ta trong các giai đoạn lịch sử cũng như hiện nay chúng ta thấy chưa đáp ứng được tiêu chí này. Một số quy phạm pháp luật khi đặt ra chưa tính hết khả năng thực thi và những hậu quả tiêu cực xảy ra trong thực tế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng pháp luật CBCC của chúng ta vừa thừa nhưng lại thiếu. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một khía cạnh nữa của tính khoa học trong hệ thống pháp luật CBCC là tất cả các VBQPPL về CBCC từ thấp đến cao đều được xây dựng với phong cách biểu đạt ngôn ngữ trong sáng, đại chúng, dễ hiểu và phải được hiểu một cách thống nhất.

Tiêu chí về tính khoa học là một tiêu chí cần thiết khi đánh giá hệ thống pháp luật CBCC ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào và nó phải được quán triệt sâu sắc trong quá trình đổi mới, hoàn thiện pháp luật CBCC để tránh khuynh hướng chủ quan, tùy tiện, duy ý chí. Tiêu chí về tính khoa học có tác dụng khắc phục những nhược điểm của chủ nghĩa kinh nghiệm, phát huy những thành tựu của nhiều lĩnh vực khoa học vào quá trình xây dựng luật, làm cho pháp luật thực sự phản ánh được những nhu cầu khách quan cần điều chỉnh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Lịch sử phát triển và phương hướng hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 27 - 32)