Pháp luật cán bộ, công chức từ năm 1986 đến nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Lịch sử phát triển và phương hướng hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 67 - 82)

Sau nhiều năm duy trì cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, hiệu quả hoạt động của BMNN bị giảm sút đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải đổi mới toàn diện các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến tư tưởng, văn hoá, xã hội khắc phục tư duy cũ, cách làm ăn cũ.

Tháng 12/1986 ĐCSVN đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI với chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ: "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" [11, tr.121]. Đại hội đã phân tích những sai lầm, khuyết điểm, vạch rõ nguyên nhân và đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó cải cách BMNN theo tinh thần kiên quyết sắp xếp lại tổ chức và tinh giản biên chế các cơ quan hành chính sự nghiệp làm cho bộ máy gọn nhẹ; hoạt động có hiệu quả hơn. Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ thực sự của nhân dân lao động, Đại hội khẳng định: "Cần thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức BMNN ở tất cả các cấp, nêu cao vai trò của Quốc hội, HĐNN và HĐND các cấp; tăng cường pháp chế XHCN, thực hiện quản lý xã hội, quản lý kinh tế bằng pháp

luật; đổi mới phong cách làm việc của các cơ quan nhà nước, đổi mới quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, tức là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền nhằm phát huy vai trò quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân lao động".

Giai đoạn này đánh dấu sự ra đời của Hiến pháp 1992 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1980

Đây là giai đoạn đánh dấu tiến trình đổi mới của đất nước, sự đổi mới của nền kinh tế kéo theo sự đổi mới từng bước hệ thống chính trị. Để thực hiện chủ trương này ngày 29/12/1987 HĐBT ban hành Nghị quyết số 227/HĐBT về việc sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế các cơ quan hành chính sự nghiệp:

Tiếp theo ngày 12/4/1992 HĐBT ban hành Nghị quyết số 109/HĐBT và Nghị quyết số 111/HĐBT xác định các biện pháp nhằm chấn chỉnh sắp xếp tổ chức biên chế, hành chính sự nghiệp, từng bước tạo ra bộ máy quản lý phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Điều chỉnh một bước các tổ chức hành chính, sự nghiệp ở các ngành, các cấp cho phù hợp hơn, bớt những tổ chức trùng lắp chồng chéo hoặc chức trách không rõ ràng.

Ngày 9/3/1992 HĐBT ban hành Quyết định số 76/HĐBT về chất lượng và các biện pháp đẩy mạnh việc sắp xếp lại tổ chức biên chế hành chính, sự nghiệp theo hướng tinh giản và bố trí những CBCC tiếp tục làm việc trong biên chế hành chính sự nghiệp vào đúng ngạch, bậc phù hợp với năng lực của mỗi người trên cơ sở chức danh tiêu chuẩn, nghiệp vụ, tổ chức hoạt động của BMNN thay đổi theo hướng ngày càng tinh giản gọn nhẹ, hiệu quả do đó pháp luật về CBCC cũng phải thay đổi theo hướng nhằm chấn chỉnh đổi mới chế độ công chức, xây dựng đội ngũ CBCC có trình độ, năng lực, đạo đức để đáp ứng yêu cầu như Nghị quyết Đại hội VI đã chỉ rõ: "Đổi mới tổ chức và cán bộ là điều kiện quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới".

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế đến năm 2000 chỉ rõ: Đổi mới căn bản công tác cán bộ phù hợp với cơ chế mới, phân biệt rõ ràng cán bộ dân cử hoạt động theo nhiệm kỳ với công chức, viên chức chuyên nghiệp và cán bộ, công nhân viên các đơn vị sản xuất kinh doanh.

Để thể chế hoá đường lối đó ngày 25/5/1991 HĐBT ban hành Nghị định số 169/HĐBT về công chức. Có thể nói đây là văn bản rất quan trọng báo hiệu xu hướng mới trong quy định của pháp luật đối với hoạt động công vụ và công chức của nhà nước ta.

Nghị định 169 đã đưa ra được khái niệm công chức như sau: "Công dân Việt Nam được tuyển dụng và bổ nhiệm giữ một công vụ thường xuyên trong một công sở của nhà nước ở trung ương hay địa phương, ở trong hay ngoài nước, được xếp vào một ngạch hưởng lương do ngân sách nhà nước cấp". Theo nghị định thì công chức phảI hội đủ các điều kiện: Là công dân Việt Nam, làm việc trong BMNN từ trung ương đến địa phương ở trong hay ngoài nước; Được tuyển dụng và bổ nhiệm thực hiện một công vụ mang tính thường xuyên; Được xếp vào một ngạch công chức; Hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Quan niệm này đã tách công chức ra khỏi đối tượng người lao động bình thường, người làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể và cán bộ chính trị.

Nghị định 169 đã liệt kê những đối tượng không phải là công chức gồm: Những người được bầu theo nhiệm kỳ giữ các chức vụ trong cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; những người làm việc trong các tổ chức kinh tế của Nhà nước, sỹ quan, hạ sỹ quan trong quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ tại ngũ; những người đang trong thời kỳ tạm tuyển hợp đồng.

Kể từ khi quy chế công chức 1950 được ban hành ngày 20/5/1950 khái niệm công chức nhà nước lại được quy định cụ thể trong một văn bản pháp lý của Nhà nước. Nghị định đã tạo cơ sở quan trọng cho chúng ta xây dựng chế độ công

chức mới. Việc phân biệt rõ công chức nhà nước với những cán bộ viên chức khác mà Nhà nước có định hướng nghiên cứu xây dựng các chế độ, chính sách tương ứng với từng loại đối tượng nói chung, công chức nhà nước nói riêng.

Quá trình đổi mới quản lý kinh tế - xã hội đặt ra yêu cầu bức thiết phải phân định rõ cán bộ dân cử hoạt động theo nhiệm kỳ và các loại công chức, viên chức chuyên nghiệp... xây dựng quy chế công chức, viên chức trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, hoạt động sự nghiệp, sản xuất kinh doanh.

Do đó, nhà nước đã ban hành một hệ thống các văn bản sau. Ngày 23/5/1993 Chính phủ ban hành Nghị định số 26/CP quy định chế độ tiền lương mới của viên chức trong các doanh nghiệp. Quyết định số 69/QĐ-TW ngày 17/5/1993 của Ban Bí thư trung ương về hệ thống ngạch, bậc lương của các cơ quan Đảng, đoàn thể. Ngày 29/5/1993 Bộ trưởng - Trưởng ban tổ chức cán bộ chính phủ ban hành quyết định số 418 - TCCB - VC về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức hành ngân hàng. Quyết định số 202-TTCP-VC ngày 8/6/1993 của Bộ trưởng - Trưởng ban tổ chức cán bộ, Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch giáo dục đào tạo. Quyết định số 415/TCCP-VC ngày 29/5/1993 về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch y tế.

Ngày 25/9/1993 Bộ trưởng - Trưởng ban tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành quyết định số 414 - TCCP-VC về tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức hành chính bao gồm 11 ngạch: chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự, kỹ thuật viên đánh máy, nhân viên đánh máy, nhân viên kỹ thuật, nhân viên văn thư, nhân viên phục vụ, lái xe cơ quan, nhân viên bảo vệ.

Như vậy, thời điểm này Nhà nước đã tiến hành cải cách một bước chế độ tiền lương, xây dựng được một hệ thống ngạch bậc các mức lương thống nhất của công chức và viên chức nhà nước. Phân biệt rõ hệ thống ngạch, bậc lương của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp với hệ thống lương của cán bộ do bầu cử cán

bộ thuộc các tổ chức Đảng, đoàn thể, viên chức trong các doanh nghiệp nhà nước và lực lượng vũ trang.

Về chế độ bảo hiểm: Ngày 22/6/1993 Chính phủ ban hành Nghị định số 43/CP quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội bao gồm: chế độ trợ cấp ốm đau, chế độ trợ cấp thai sản, chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất. Ngày 25/1/1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 12/CP ban hành điều lệ quy định thống nhất việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc đối với tất cả công chức, viên chức nhà nước và các đối tượng khác.

Thời điểm này cũng có nhiều văn bản quy định vấn đề tuyển dụng CBCC do Ban tổ chức - cán bộ chính phủ ban hành như: Ngày 28/12/1994 Ban tổ chức - cán bộ chính phủ ban hành Thông tư số 99 - TTCP - CV về tổ chức tuyển dụng công chức bằng hình thức thi tuyển. Theo đó việc tuyển chọn công chức dựa vào trình độ, khả năng chuyên môn, năng lực công tác và bằng cấp. Ngày 20/1/1996 Bộ trưởng - Trưởng ban tổ chức - cán bộ chính phủ ban hành thông tư số 32/TCCP - BCTL. Nội dung của Thông tư quy định tất cả các cơ quan hành chính sự nghiệp, từ nay khi tuyển dụng công chức, viên chức nhất định phải thực hiện chế độ thi tuyển những người không qua thi tuyển không được tuyển dụng vào biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp.

Căn cứ tuyển dụng: Căn cứ vào chỉ tiêu biên chế hàng năm của cơ quan, căn cứ vào nhu cầu công việc, căn cứ vào kết quả thi tuyển, căn cứ vào vị trí công tác của các chức danh.

Thông tư cũng quy định rõ nội dung thi tuyển, hình thức, thủ tục, trình tự thi tuyển và cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi tuyển là: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ở Trung ương còn ở địa phương là UBND tỉnh.

Như vậy, việc tuyển dụng thông qua hình thức thi tuyển có tác dụng bảo đảm sự lựa chọn chính xác những người có khả năng, trình độ tương xứng với vị trí công

tác. Chế độ thi tuyển hơn hẳn so với việc phân bổ biên chế từ trên xuống trong thời kỳ trước đồng thời nó có ý nghĩa trong việc tiêu chuẩn hoá đội ngũ công chức.

Tóm lại, thời kỳ này nhà nước ta đã ban hành được một số khối lượng lớn

các VBQPPL về CBCC đánh dấu một bước phát triển mới của hệ thống pháp luật CBCC ở nước ta để phù hợp hơn trong điều kiện cải cách hành chính và xu thế hội nhập.

Một trong những vấn đề cơ bản và cấp bách đang được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong công cuộc đổi mới hiện nay đó là việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước CHXHCNVN trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thư XIII đã chỉ rõ: “Phải xây dựng và ban hành văn bản về chế độ công vụ và công chức”.

Ngày 26/02/1998 UBTVQH khoá X đã thông qua pháp lệnh CBCC và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/05/1998. Pháp lệnh CBCC năm 1998 ra đời đã tạo ra một khung pháp lý tương đối hoàn thiện điều chỉnh khá bao quát các vấn đề về CBCC. Pháp lệnh ra đời là cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động của CBCC, xây dựng đội ngũ CBCC đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới góp phần củng cố hoàn thiện BMNN. Sau khi pháp lệnh CBCC được ban hành Chính phủ đã ban hành một số nghị định quy định về các vấn đề pháp lý cụ thể. Ngoài ra còn có thông tư của các bộ, ban, ngành hướng dẫn áp dụng tạo thành một hệ thống VBQPPL về CBCC khá đồng bộ.

Ngày 17/11/1998 Chính phủ ban hành nghị định số 95/CP quy định về chế độ tuyển dụng, sử dụng và quản lý CBCC. Ngày 17/11/1998 Chính phủ ban hành nghị định số 96/CP quy định về chế độ thôi việc đối với CBCC. Nghị định số 97/CP cùng ngày về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với CBCC. Quyết định số 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC ngày 15/12/1998 của Bộ trưởng - Trưởng ban tổ chức, cán bộ Chính phủ về việc ban hành quy chế đánh giá CBCC hàng năm.

Trước yêu cầu đổi mới của thực tiễn ngày 28/04/2000 UBTVQH đã ban hành văn bản số 21/2000/PL-UBTVQH sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh CBCC 1998.

Mặc dù pháp lệnh CBCC đã được sửa đổi, bổ sung năm 2000 nhưng đã bộc lộ rõ một số hạn chế trong quá trình quản lý CBCC sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế, cải cách chính sách tiền lương và thực hiện xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp. Pháp luật CBCC hiện hành là hành lang pháp lý quan trọng để từng bước đưa công tác quản lý đội ngũ CBCC vào nề nếp tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý sử dụng đội ngũ CBCC đưa công tác quản lý nhân sự từ khâu xây dựng chức danh, tiêu chuẩn thi tuyển, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách khen thưởng kỷ luật đi dần vào nề nếp. Việc ban hành các văn bản pháp quy để cụ thể hoá pháp lệnh CBCC theo chiều hướng ngày càng đồng bộ, tạo điều kiện cho pháp lệnh đi vào đời sống, từng bước ổn định các quan hệ pháp luật về CBCC.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá IX đề ra nhiệm vụ cần thiết là tách quản lý biên chế hành chính với biên chế sự nghiệp, bổ sung cán bộ chuyên trách ở cơ sở và dự bị vào phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh CBCC. Để thể chế hoá các nghị quyết của Đảng, ngày 29/4/2003 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh CBCC năm 1998 đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2003. Cũng trên cơ sở pháp lệnh sửa đổi, bổ sung 2003 Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tiếp tục ban hành các nghị định, quy định, thông tư hướng dẫn, triển khai thực hiện.

Pháp lệnh sửa đổi bổ sung năm 2003 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối tượng là CBCC gồm các đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 1 và thêm những người bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong thường trực HĐND, UBND, Bí thư, Phó bí thư Đảng uỷ, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội xã,

phường, thị trấn (gọi là cán bộ chuyên trách cấp xã) (mục g, h pháp lệnh 2003); và những người được tuyển dụng, giao giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã.

Pháp lệnh CBCC 2003 đã phân biệt đối tượng là công chức ngạch hành chính và ngạch sự nghiệp (công chức ngạch hành chính sự nghiệp gọi là viên chức). Việc phân biệt hai đối tượng này tạo điều kiện pháp lý cho việc xây dựng đội ngũ CBCC nhà nước ngày một chính quy, hiện đại.

Để cụ thể hoá pháp lệnh 2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về việc tuyển dụng, sử dụng quản lý CBCC trong các cơ quan nhà nước. Điều 2 Nghị định 117 thì công chức là công dân Việt Nam trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước được quy định tại điểm b, c, e Khoản 1, Điều 1 của pháp lệnh, làm việc trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Như vậy, Nghị định không chỉ điều chỉnh những vấn đề có liên quan đến công chức nhà nước mà còn liên quan đến công chức thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Ngày 10/10/2003 Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 116/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý CBCC trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Lịch sử phát triển và phương hướng hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 67 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)