Cách mạng tháng 8 - 1945 thành công đã đập tan bộ máy thống trị của bọn thực dân, phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam á. Lịch sử đất nước bước sang một trang mới, toàn thể dân tộc bắt tay vào xây dựng đất nước, xây dựng nhà nước dân chủ đầu tiên trong khu vực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc ấy đã đề cao vai trò của công tác tổ chức nhân sự, Người cho rằng, điều hành bộ máy nhà nước phải có một đội ngũ CBCC vừa có tài vừa có đức, tận tuỵ với công việc của Chính phủ, biết làm những gì có lợi cho dân. Muốn làm được điều đó phải có quy định để định rõ nghĩa vụ, quyền lợi cho CBCC.
Ngày 29/5/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 188/SL về việc thiết lập một chế độ công chức mới và một thang lương chung cho các công chức Việt Nam: Gồm 28 bậc (trừ nhân viên quốc phòng, quân đội và dân quân tự vệ) theo một quy định riêng. Nội dung của Sắc lệnh 188/SL nhằm sửa đổi chế độ công chức hiện thời, đơn giản hoá chế độ công chức, cụ thể hoá và cải thiện đời sống cho công chức. Sắc lệnh đã chia công chức thành 5 nghạch: Ngạch tá sự: từ bậc 1 đến bậc 10;
Ngạch cán sự: từ bậc 5 đến bậc 15; Ngạch tham sự: từ bậc 10 đến bậc 19; Ngạch kiểm sự: Từ bậc 12 đến bậc 22; Ngạch giám sự: Từ bậc 16 đến bậc 25
Sắc lệnh 188/SL gồm 16 điều bao gồm những nội dung sau: Quy chế thang lương chung, các khoản phụ cấp (phụ cấp gia đình, phụ cấp khu vực, phụ cấp gạo đắt); trọng dụng thành tích và tài năng, quy định đối với công chức là phụ nữ, đồng bào miền núi, công chức gia nhập quân đội; chế độ đối với công chức cũ trở lại làm việc hoặc được Chính phủ trưng tập; các quy định đối với công chức tạm thời và đối với công chức chính ngạch đang tại chức.
Có thể nói, Sắc lệnh 188/SL là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về chế độ công chức, tạo môi trường pháp lý cho chế độ công chức được thực hiện trên thực tế. Sắc lệnh đã chính thức bãi bỏ các bất công, đặc quyền đặc lợi của chế độ quan lại, thực dân phong kiến đặt nền móng cho việc xây dựng một chế độ công chức nhà nước mới, thể hiện rõ tính ưu việt của nhà nước cách mạng tiến bộ và góp phần từng bước xây dựng và ổn định đội ngũ CBCC.
Như vậy, ngay từ khi thành lập nước những nội dung căn bản nhất, cấp bách nhất về công chức nhà nước đã được điều chỉnh bằng pháp luật. Điều đó có tác dụng động viên mọi tầng lớp lao động, trí thức, nhân dân tham gia vào việc xây dựng bảo vệ chính quyền, kiến thiết một nhà nước kiểu mới, đồng thời tạo ra một đội ngũ công chức trung thành với tổ quốc, tận tâm với công vụ, phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến.
Sắc lệnh đã định ra được một hệ thống hạng, ngạch mới và một thang lương chung cho các ngạch, bậc đồng thời xây dựng chế độ ưu đãi đối với những công chức là đối tượng đặc biệt như phụ nữ, đồng bào miền núi, người có công trong công cuộc giải phóng dân tộc và những người có thành tích và tài năng.
Tuy nhiên Sắc lệnh 188/SL có những hạn chế nhất định đó là: Sắc lệnh chưa định ra được một hệ thống các chế định pháp lý đồng bộ về chế độ công chức
làm cơ sở xây dựng BMNN vững mạnh; có đủ khả năng quản lý đất nước. Hơn nữa, BMNN trong kháng chiến dần dần đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả, tổ chức BMNN đã được chấn chỉnh, nhiệm vụ quản lý điều hành của BMNN ngày càng tăng, đặt ra nhu cầu tuyển dụng thêm công chức mới. Vì những lý do trên, Sắc lệnh 188 không còn đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.
Ngày 22/05/1950 Hồ Chủ tịch với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ký Sắc lệnh số 76/SL ban hành bản quy chế công chức nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Nội dung và mục đích của bản quy chế công chức Việt Nam là nhằm xây dựng một đội ngũ công chức kiểu mới, vững mạnh để thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Quy chế bao gồm 7 chương, 92 điều quy định các nội dung sau: Đối tượng điều chỉnh; Nghĩa vụ, quyền lợi của công chức; Tuyển dụng; Các vấn đề về tập sự, bãi chức, chuyển ngạch; Khen thưởng, kỷ luật; Chế độ nghỉ ngơi của công chức
Quy chế công chức Việt Nam đã đưa ra được khái niệm công chức Việt Nam. Điều 1: "Những công dân Việt Nam được chính quyền nhân dân tuyển để giữ một chức vụ thường xuyên trong các cơ quan của Chính phủ ở trong hay ngoài nước đều là công chức Việt Nam theo quy chế này trừ trường hợp riêng biệt cho Chính phủ quy định".
Đây là quan niệm đầu tiên về công chức ở nước ta thể hiện sự điều chỉnh của pháp luật đối với một đối tượng chuyên biệt gần với quan niệm về công cụ, công chức của các nước trên thế giới. Theo quy chế thì phạm vi công chức là rất hẹp chỉ những người làm việc trong các cơ quan của Chính phủ.
Quy chế công chức 1950 quy định rất rõ vấn đề quyền lợi và nghĩa vụ của công chức cũng như các điều kiện và hình thức tuyển dụng công chức thời bấy giờ
Hình thức tuyển dụng: Tuyển bổ qua kỳ thi, theo học bạ hoặc văn bằng hoặc theo đề nghị của hội đồng tuyển trạch. Khi vào ngạch công chức phải qua thời gian tập sự là 1 năm, muốn xếp lên ngạch trên phải qua kỳ thi tuyển ngạch, công chức không đủ năng lực để làm việc theo ngạch mình thì bị xếp xuống ngạch dưới hoặc buộc thôi việc. Công chức ra khỏi ngạch trong các trường hợp: Từ chức, thôi việc vì lý do sức khoẻ, hoặc thiếu năng lực, từ chức bắt buộc nếu chết, mất tích, về hưu. Chế độ khen thưởng kỷ luật công chức được quy định rất rõ ràng, nghiêm minh, các hình thức, thẩm quyền, trình tự khen thưởng được quy định rõ. Nếu công chức tận tuỵ với công vụ hoặc có công trạng sẽ được khen thưởng. Công chức phạm lỗi tuỳ theo mức độ nặng nhẹ sẽ phải chịu một trong các hình thức trừng phạt như: cảnh cáo, khiển trách, hoãn dụ thăng thưởng trong hạn một hoặc hai năm, xoá tên trong bảng thăng thưởng, giáng một hoặc hai trật, từ chức bắt buộc hoặc cách chức. Ngoài các hình thức kỷ luật này, theo điều 66 của bản quy chế "Công chức phạm pháp sẽ bị truy tố trước toà án theo luật lệ chung".
Có thể nói, bản quy chế công chức Việt Nam năm 1950 kèm theo Sắc lệnh số 76/SL có rất nhiều ưu điểm. Bản quy chế thể hiện tính khoa học, dân chủ, với nội dung khá hoàn chỉnh, phù hợp với nền công vụ, công chức hiện đại, gần với chế độ công vụ, công chức của các nước trên thế giới. Nội dung của bản quy chế thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong công việc của công chức theo chế độ chức nghiệp, nhưng phải có nghĩa vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị, trung thành với Chính phủ đúng như Hồ Chủ tịch đã nói: "Cán bộ là công bộc của dân".
Theo quy chế công chức 1950 khi công chức "ra ngạch" (chương VII) phải theo nguyên tắc hội đồng là những người đại diện cả phía cơ quan nhà nước và của công chức trong quá trình thi tuyển, thăng, khen thưởng, kỷ luật... thành phần Hội đồng gồm có người đại diện cấp quản trị là cơ quan quản lý và sử dụng công chức từ một hoặc hai người do công chức đoàn thể cử ra và bắt buộc phải có một công chức cùng ngạch trên trật hoặc dưới trật tuỳ từng trường hợp do cơ quan quản trị chỉ định. Đặc biệt quy chế còn quy định cụ thể: "Việc hoãn dự thăng thưởng, xoá tên
trong bảng thăng thưởng, giáng trật, từ chức bắt buộc, cách chức do cấp quản trị quyết định theo đề nghị của Hội đồng kỷ luật". Điều này thể hiện tính công khai, dân chủ, công bằng, bình đẳng trong các xử sự hết sức thận trọng đối với danh dự, sinh mệnh chính trị của công chức.
Trong lời nói đầu quy chế công chức Việt Nam nhắc lại có tính khẳng định điều 1 chương I của Hiến pháp 1946: "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân", đồng thời nhấn mạnh
"... Công chức Việt Nam cần có một địa vị xứng đáng với tài năng của mình. Địa vị
ấy được đề cao trong quy chế này". Quy chế công chức Việt Nam đã thể hiện sự cố
gắng lớn lao, tính cấp thiết của chế định công chức trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mặc dù trong điều kiện vừa dành được chính quyền lại vừa kháng chiến nhưng nhà nước ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành kịp thời các văn bản pháp luật về công chức nhà nước.
Tóm lại, pháp luật CBCC giai đoạn này đánh dấu một bước tiến trong quá trình xây dựng chế độ công chức, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đội ngũ CBCC. Đặc biệt là quy chế công chức đã góp phần tăng thêm hiệu lực hoạt động của BNMN, củng cố chính quyền cách mạng thúc đẩy công cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Sau này do hoàn cảnh lịch sử nên quy chế công chức năm 1950 được thực hiện không lâu, và bị các văn bản khác thay thế, nhưng các quy định của quy chế vẫn là khuôn mẫu về sự điều chỉnh của pháp luật, là cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về CBCCtheo hướng điều chỉnh chuyên biệt giữa các đối tượng khác nhau.