- Tòa án nhân dân
1.2.6.2. Phương pháp giám sát
Để thực hiện giám sát đối với hoạt động của các đối tượng giám sát thi hành án dân sự, chủ thể giám sát thi hành án dân sự sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào nội dung giám sát và yêu cầu của mỗi đợt giám sát, cũng như chức năng, nhiệm vụ của chủ thể giám sát. Căn cứ vào chức năng, quyền hạn của chủ thể giám sát thi hành án dân sự, có thể xác định có những phương pháp giám sát sau:
- Trực tiếp tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự. Ví dụ nhân dân tham gia làm chứng trong việc kê biên tài sản, hoặc cưỡng chế yêu cầu giao vật, tài sản cho người được thi hành án hoặc cho người mua đấu giá thành;
- Kiểm sát hoạt động thi hành án. Ví dụ, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự;
- Gặp gỡ để thu thập thông tin liên quan đến thi hành án dân sự. Ví dụ, đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để thu thập thông tin về đối tượng giám sát thi hành án dân sự;
- Gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền để khiếu nại các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát thi hành án dân sự;
- Chất vấn. Ví dụ, đại biểu Quốc hội hay đại biểu hội đồng nhân dân chất vấn đối tượng giám sát về việc thực hiện pháp luật trong thi hành án dân sự;
- Kiểm tra hồ sơ thi hành án và xem xét các báo cáo thi hành án dân sự. Ví dụ các cơ quan quản lý thi hành án dân sự kiểm tra hoạt động thi hành án dân sự tại đơn vị thi hành án hoặc xem xét các báo cáo thi hành án dân sự;
- Thành lập các tổ công tác để xem xét các vấn đề cụ thể. Ví dụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Đoàn thanh tra hay kiểm tra để kiểm tra, thanh tra hoạt động thi hành án dân sự....