Các loại đối tượng giám sát thi hành án dân sự

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giám sát thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 29 - 32)

Thứ nhất, cơ quan thi hành án dân sự

Theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Điều 3 Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, thì cơ quan thi hành án dân sự bao gồm:

- Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; - Thi hành án quân khu và tương đương.

Thi hành án dân sự cấp tỉnh, thi hành án dân sự cấp huyện, thi hành án cấp quân khu và tương đương chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài Thương mại; giải quyết khiếu nại về thi hành án; tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự, thực hiện chế độ báo cáo thống kê thi hành án. Ngoài ra, thi hành án dân sự cấp tỉnh còn chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự đối với thi hành án dân sự cấp huyện; hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự cho chấp hành viên, công chức khác của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trên địa bàn [6].

Như vậy, cơ quan thi hành án dân sự là trung tâm của quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án và quyết định của Trọng tài Thương mại, chịu trách nhiệm chính về việc lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thi hành án dân sự. Do đó, hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự có ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích của các bên đương sự, nên cơ quan thi hành án dân sự phải chịu sự giám sát của chủ thể giám sát thi hành án dân sự và trở thành đối tượng giám sát thi hành án dân sự.

Thứ hai, thủ trưởng và chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự

Thủ trưởng cơ quan thi hành án là người lãnh đạo cao nhất của cơ quan thi hành án dân sự, được bổ nhiệm từ chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự. Thủ trưởng cơ quan thi hành án có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Ra các quyết định về thi hành án;

Phân công chấp hành viên thực hiện việc thi hành án;

Hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra công tác thi hành án đối với chấp hành viên hoặc cơ quan thi hành án cấp dưới theo quy định của pháp luật;

Đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân phối hợp trong việc tổ chức thi hành án;

Yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định đó để thi hành;

Kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu có căn cứ cho thấy có vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án hoặc phát hiện có tình tiết mới;

Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án và trả lời kháng nghị về thi hành án theo thẩm quyền;

Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.

Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước cơ quan thi hành án cấp trên và ủy ban nhân dân cùng cấp. Việc báo cáo về công tác thi hành án dân sự của thủ trưởng cơ quan thi hành án trong quân đội do Bộ Quốc phòng quy định.

Chấp hành viên là người được Nhà nước giao trách nhiệm tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự và quyết định của Trọng tài Thương mại. Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định dân sự; áp dụng đúng đắn các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự;

Triệu tập đương sự, người có liên quan đến trụ sở cơ quan thi hành án hoặc ủy ban nhân dân cấp xã nơi thi hành án để thực hiện việc thi hành án; giải thích, thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành án;

ấn định thời hạn để người phải thi hành án tự nguyện thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Pháp lệnh của Pháp lệnh Thi hành án dân sự;

Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của đương sự; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan hữu quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác có liên quan đến việc thi hành án;

Quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự quy định cả Pháp lệnh Thi hành án dân sự để bảo đảm thi hành án;

Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành án; quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.

Qua các quy định trên có thể thấy rằng hầu hết các hoạt động của thủ trưởng và chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự đều trực tiếp liên quan đến quyền lợi của người được thi hành án, người phải thi hành án. Đồng thời, hoạt động của chấp hành viên cơ quan thi hành án còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ trật tự pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nếu như hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự là trung tâm của thi hành án dân sự, thì có thể nói hoạt động của chấp hành viên là hạt nhân, vì hoạt động của chấp hành viên tạo lên sức mạnh, uy tín của cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án mạnh hay yếu, hoạt động có hiệu quả hay không có hiệu quả, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và của Nhà nước đến mức độ nào phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của chấp hành viên. Chính vì vậy, hoạt động của thủ trưởng và chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cũng

cần được đặt dưới sự giám sát của các chủ thể có quyền giám sát thi hành án dân sự và trở thành đối tượng giám sát quan trọng nhất trong giám sát thi hành án dân sự.

Thứ ba, các cơ quan tiến hành tố tụng - Viện kiểm sát nhân dân

Điều 1 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, cơ quan thi hành án, chấp hành viên, cơ quan nhà nước khác, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật [43].

Để thực hiện được chức năng của mình, pháp luật quy định cho Viện Kiểm sát nhân dân những quyền hạn nhất định (quyền được rút hồ sơ thi hành án để kiểm sát hoạt động thi hành án; kiểm sát trực tiếp quá trình thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án, hoãn việc thi hành án, kháng nghị thi hành án dân sự...) mà khi thực hiện những quyền năng đó, thì Viện kiểm sát đã tác động trực tiếp đến quá trình thi hành án. Như vậy, khi thực hiện chức năng kiểm sát thi hành án dân sự, thì ngoài việc trở thành chủ thể giám sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân với tư cách là người thực hiện quyền lực nhà nước và đảm bảo cho quyền lực nhà nước được thực hiện, cũng trở thành đối tượng giám sát thi hành án dân sự.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Giám sát thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)