ngũ báo cáo viên pháp luật
Nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật có mối quan hệ biện chứng với nhau. Bên cạnh việc đổi mới nội dung thì cần đổi mới hình thức và phương pháp hoạt động giáo dục pháp luật.
Thứ nhất: Đổi mới hình thức hoạt động giáo dục pháp luật.
Việc đổi mới hình thức hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật cần thực hiện theo các hướng sau:
- Cần tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hình thức tuyên truyền miệng.
Tuyên truyền miệng là hình thức cơ bản và chủ yếu trong hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật. Đây là hình thức mà các báo cáo viên pháp luật trực tiếp truyền đạt cho người nghe về một nội dung, một chuyên đề pháp luật nào đó nhằm giúp cho họ nắm được các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật, đồng thời giúp cho họ hiểu được các quyền và nghĩa vụ của mình.
Hoạt động giáo dục pháp luật thông qua tuyên truyền miệng đem lại hiệu quả khá cao, vì thông qua các buổi phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp các báo cáo viên pháp luật biểu lộ được thái độ, tình cảm của mình trước người nghe, kết hợp với ngôn ngữ, sắc thái, động tác…để diễn đạt nội dung pháp luật cần truyền đạt. Từ đó giúp cho người nghe dễ nắm bắt được những nội dung pháp luật mà các báo cáo viên trình bày. Tuy nhiên, việc tuyên truyền miệng tốt hay không còn tuỳ thuộc rất nhiều vào kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội và phụ thuộc vào khả năng truyền đạt của các báo cáo viên pháp luật. Bên cạnh đó, hình thức này còn đòi hỏi các báo cáo viên pháp luật phải là người thật sự nhiệt tình, tận tâm với hoạt động giáo dục pháp luật.
Để hình thức tuyên truyền miệng đạt kết quả cao, các báo cáo viên pháp luật ở Quảng Bình cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giáo dục pháp luật thông qua các buổi phổ biến giáo dục pháp luật, các buổi sinh hoạt, các buổi tọa đàm, nói chuyện về pháp luật trong các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức trong hệ thống chính trị. Các báo cáo viên pháp luật được phân công cần chuẩn bị kỹ, chi tiết về nội dung cần truyền đạt và cần chuẩn bị thêm một số tình huống gắn với lý luận đã trình bày.Tránh tình trạng lúng túng, bị động khi người nghe đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó cần xây dựng lịch phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cơ quan, ban, ngành. Lịch này được xây dựng từ đầu tháng, đầu quý, tránh sự bị động hoặc chồng chéo trong công việc, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của các báo cáo viên pháp luật. Khi xây dựng lịch cần tranh thủ ý kiến của của lãnh đạo cơ quan, để cơ quan tạo điều kiện về thời gian cũng như vật chất cho các báo cáo viên hoạt động.
Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần quy định cụ thể việc phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ quan ban ngành là một công việc bắt buộc, tránh tình trạng có tư tưởng ỷ lại, xem trách nhiệm đó là của cơ quan tư pháp. Từ đó, tạo điều kiện tốt cho các báo cáo viên pháp luật hoạt động.
- Tăng cường hoạt động, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng như sách, báo, đài phát thanh và truyền hình.
Cùng với hình thức tuyên truyền miệng, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng là một hình thức giáo dục pháp luật quan trọng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng có vị trí vô cùng quan trọng đối với nhân dân, đây là kênh thường xuyên, chủ yếu cung cấp thông tin trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… cho nhân dân, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân. Ngày nay, chúng ta đang thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một nhà nước mà ở đó tất cả mọi tổ chức, mọi cá nhân và các cơ quan nhà nước đều phải sống và làm việc theo pháp luật thì vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật thông qua các báo cáo viên pháp luật nói riêng là rất quan trọng.
Hiện nay, hoạt động của các báo cáo viên pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng vẫn còn nhiều bất cập như số lượng bài viết chưa nhiều, một số bài viết chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Do vậy, trong thời gian tới, các báo cáo viên pháp luật cần thường xuyên viết bài cho các báo và tạp chí nhiều hơn, các bài viết cần chú ý giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trên cơ sở lý luận, tránh tình trạng viết chung chung dưới dạng lý luận, mà không có số liệu cụ thể để chứng minh. Trong bài viết phải thể hiện tính chiến đấu cao, thể hiện quan điểm của mình rõ ràng dứt khoát.
Với số lượng báo cáo viên pháp luật như hiện nay, cần tăng thời lượng phát sóng trên truyền hình, không chỉ hạn chế thời lượng phát sóng mỗi tuần một buổi từ 15 đến 20 phút mà mỗi tuần phải có từ 2 đến 3 buổi, mỗi buổi từ 20 đến 30 phút. Cần mở thêm nhiều chuyên mục mới như: pháp luật với nhà nông, pháp luật với cán bộ công chức, pháp luật với doanh nghiệp, pháp luật với cuộc sống, để làm phong phú thêm chương trình. Bên cạnh đó, cơ quan tư pháp cần thường xuyên phát hành các tờ rơi, tờ bướm nhằm hướng dẫn và tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Để người nghe tiếp thu tốt nội dung giáo dục pháp luật thì chủ thể giáo dục pháp luật phải có phương pháp giáo dục tốt. Trên cơ sở đảm bảo nội dung giáo dục pháp luật, phương pháp giáo dục pháp luật chính là tìm sự giao thoa, đồng cảm giữa người giáo dục và người được giáo dục. Để đạt được mục đích đó cần chú ý cải tiến phương pháp tiến hành từ khâu nghiên cứu nhu cầu của đối tượng, tìm hiểu đặc điểm đối tượng, xử lý các tình huống xuất hiện trong quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật. Kinh nghiệm cho thấy, trong buổi giáo dục pháp luật nếu những báo cáo viên nào chuẩn bị chi tiết quá những nội dung cần truyền đạt thì dẫn đến bị phụ thuộc vào bài chuẩn bị, do vậy làm cho buổi phổ biến, giáo dục pháp luật khô cứng, tẻ nhạt, kém hấp dẫn. Do vậy, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật của các báo cáo viên cần chú ý những điểm sau:
- Xác định đúng nội dung, trọng tâm của vấn đề, tìm các văn bản quy phạm pháp luật liên quan xoay quanh vấn đề đó để làm rõ bản chất của nó. Khi phổ biến tránh trình bày quá dài dòng hoặc đọc các quy định pháp luật mà cần làm rõ bản chất của các quy định đó.
- Tăng cường sự trao đổi giữa các báo cáo viên pháp luật với người nghe. Trao đổi không nhất thiết là những câu hỏi và trả lời, tranh luận, thảo luận mà có khi chỉ qua sự đồng cảm, sự chăm chú, ủng hộ… đã là sự giao lưu giữa người nói và người nghe. Qua một câu nói dí dỏm, một ví dụ về một vụ án, có tình tiết tạo ra tình huống hài hước, báo cáo viên có thể “đọc” được sự chú ý của người nghe tới đâu, mức độ đồng tình, ủng hộ như thế nào để từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp thuyết trình cho phù hợp.
Khi đưa ra những nội dung, báo cáo viên pháp luật cần cắt nghĩa rõ những vấn đề đặt ra, luôn luôn phải trả lời được những câu hỏi tại sao và như thế nào? Ví dụ: Trình bày về những quy định bồi thường thiệt hại của Bộ luật Dân sự thì báo cáo viên phải cắt nghĩa vì sao pháp luật chúng ta quy định là bố mẹ phải bồi thường thiệt hại khi trẻ em làm thiệt hại cho người khác, hoặc phải giải thích vì sao Luật Hôn nhân và gia đình lại cấm kết hôn trong phạm vi ba đời…
Bên cạnh đó, các báo cáo viên pháp luật khi phổ biến pháp luật cần đảm bảo tính chiến đấu trong các buổi tuyên truyền, tuy nhiên cần tránh sự gò ép. Sự phân tích mổ xẻ vấn đề là rất cần thiết trong buổi tuyên truyền, nhất là trong giai đoạn hiện nay, có nhiều quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc mà các thế lực thù địch tuyên truyền nhằm chống lại cách mạng nước ta.
Cùng với những vấn đề trên, trong quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật các báo cáo viên cần đặc biệt chú ý đến đối tượng để xử lý cho phù hợp. Nếu là hội nghị bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp, các tuyên truyền viên pháp luật cấp cơ sở, nhu cầu chủ yếu của người nghe là những nhận định, đánh giá, những nội dung mới của các văn bản vừa ban hành, các báo cáo viên cần phải quan tâm nhiều đến sự phân tích lôgíc các sự kiện trên cơ sở khoa học. Đối với các cán bộ, công chức, người lao động thì nhu cầu của họ ngoài những nội dung về quy định pháp luật mang tính chất chung họ còn chú ý đến những nội dung các văn bản pháp luật cụ thể, sát thực với quyền và nghĩa vụ của mình, như các nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị; Đối với cán bộ lãnh đạo các ban ngành, các cấp hoặc các cán bộ hưu trí thì ngoài nội dung thông tin cần thiết, người nghe rất muốn biết những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề mới đang còn tranh luận. Ngược lại, nếu đối tượng là sinh viên, học sinh thì lại mong muốn có nhiều thông tin mới, cách trình bày hấp dẫn, dí dỏm…
Tóm lại, tuỳ từng đối tượng cụ thể mà báo cáo viên pháp luật có những nội dung, hình thức và phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, từ đó đạt được hiệu quả cao trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.