Những kết quả đạt được trong hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở tỉnh Quảng Bình thời gian qua như trên vừa trình bày là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó vẫn còn nhiều khuyết điểm cần khắc phục. Luận văn xin rút ra một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở Quảng Bình như sau:
Thứ nhất: Mặc dù đã có sự chuyển biến trong nhận thức về công tác giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật nói riêng, song một số thủ trưởng cơ quan ban ngành, đơn vị, tổ chức vẫn chưa coi trọng đúng mức công tác giáo dục pháp luật, chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác này. Do vậy, việc tạo điều kiện về vật chất và thời gian cho các báo cáo viên pháp luật hoạt động còn hạn chế.
Thứ hai: Chế độ thông tin, báo cáo cũng như cơ chế hoạt động của các báo cáo viên pháp luật còn hạn chế, lỏng lẻo. Chưa có quy chế hoạt động cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, và ở 7 huyện, thành phố, do vậy chưa có cơ chế ràng buộc, quy định quyền và nghĩa vụ rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý cho các báo cáo viên pháp luật hoạt động. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu dựa vào ý thức chủ quan của các đối tượng, nên tính tự giác nhiều lúc chưa cao.
Thứ ba: Các báo cáo viên pháp luật đa số là những cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn, chỉ kiêm nhiệm, cho nên về mặt nào đó còn xem nhẹ, chưa thật toàn tâm, toàn ý với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ tư: Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là về kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền đạt của các báo cáo viên pháp luật.
Một số báo cáo viên pháp luật chưa có trình độ cử nhân Luật, hoặc chưa được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nên chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Bên cạnh đó, khả năng sư phạm, phương pháp thuyết trình của các báo cáo viên còn yếu cũng là nguyên nhân dẫn đến nhược điểm trong hoạt động giáo dục pháp luật của các báo cáo viên pháp luật trong thời gian qua.
Thứ năm: Kinh phí đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn quá ít, “ Bình quân mỗi năm, UBND tỉnh cấp ngoài kế hoạch cho Sở Tư pháp 50- 60 triệu đồng. Riêng năm 2001 và 2002 mỗi năm cấp 100 triệu đồng; UBND các huyện, thị cấp từ 20- 40 triệu đồng mỗi năm cho cơ quan Tư pháp triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật" [77, tr.2]. Do vậy, chưa động viên, khuyến khích các báo cáo viên pháp luật hoạt động, dẫn đến hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao.
Thứ sáu: Đội ngũ báo cáo viên pháp luật còn ít, chưa thể đảm bảo được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh hiện nay.