Những hạn chế và khuyết điểm trong hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở tỉnh Quảng Bình thời gian qua

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở tỉnh Quảng Bình hiện nay pdf (Trang 50 - 52)

ngũ báo cáo viên pháp luật ở tỉnh Quảng Bình thời gian qua

Bên cạnh những thành tích đạt được như trình bày ở phần trên, thời gian qua hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật vẫn còn những tồn tại sau đây:

Thứ nhất: Đối với các báo cáo viên pháp luật.

Nhìn chung, trình độ của báo cáo viên pháp luật chưa đồng đều, hầu hết chưa qua các lớp sư phạm, do đó việc báo cáo, trình bày văn bản pháp luật của nhiều báo cáo viên pháp luật chưa được khoa học, chưa thu hút người nghe. Lực lượng báo cáo viên pháp luật cấp huyện lại càng hạn chế về phương pháp sư phạm, ít đầu tư thời gian để soạn đề cương

trước khi trình bày một văn bản pháp luật. Có báo cáo viên trong buổi tuyên truyền pháp luật chỉ biết đọc các điều khoản trong văn bản luật, không giải thích, phân tích được những điều cần thiết, làm cho người nghe dễ nhàm chán.

Các báo cáo viên pháp luật ở sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện đa số là kiêm nhiệm, khi tuyên truyền còn nặng về chuyên môn của ngành, chưa quan tâm nhiều đến nội dung của pháp luật.

Phạm vi hoạt động của các báo cáo viên pháp luật còn hạn chế, kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, do đó việc truyền đạt kiến thức pháp luật cũng còn gặp nhiều khó khăn. Các báo cáo viên pháp luật chưa qua đại học luật thì việc hiểu thấu đáo các thuật ngữ pháp lý cũng đã khó khăn, chưa nói đến việc truyền đạt các thuật ngữ ấy cho người nghe.

Thứ hai: Về nội dung hoạt động giáo dục pháp luật.

Nội dung hoạt động giáo dục pháp luật của các báo cáo viên pháp luật tuy được cải tiến, đổi mới cho phù hợp với đối tượng truyền đạt, phù hợp với trình độ học vấn, nghề nghiệp, cán bộ, nhân dân từng vùng miền, song nhìn chung các báo cáo viên pháp luật thường chú ý các văn bản pháp luật, ít chú ý tới nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt văn bản hướng dẫn của các bộ và văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương. Đa số các buổi phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ chú ý đến các văn bản mới ban hành, ít có sự so sánh với các văn bản pháp luật cũ và các ngành luật khác để làm sáng tỏ nội dung cần truyền đạt.

Thứ ba: Về hình thức hoạt động giáo dục pháp luật.

Tuy đã áp dụng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng nhìn chung hiệu quả giáo dục pháp luật đem lại chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ những nội dung mà đối tượng yêu cầu.

Hình thức có khi còn rập khuôn, đơn điệu như phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua cuộc họp, hội nghị… song chưa thật phù hợp, sát với các đối tượng khác nhau trong hội nghị đó.

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của các báo cáo viên trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được thường xuyên liên tục.

Các bài viết chưa thật sâu sắc, thường nêu các quy định của pháp luật, chưa đi sâu phân tích, mổ xẻ các quy phạm pháp luật để thấy bản chất của vấn đề, chưa đề ra các giải pháp phù hợp, do vậy khi phổ biến, giáo dục pháp luật làm cho người nghe khó nhớ và

chóng quên. Hoạt động thông qua việc in ấn các đề cương, tờ rơi, tờ bướm đã có nhưng còn quá ít.

Về việc dạy và học pháp luật ở các trường, các báo cáo viên pháp luật còn nặng về thuyết trình, diễn giải trên lớp, ít chú ý đến phương pháp thảo luận. Thông thường khi thuyết trình, các báo cáo viên pháp luật cố gắng cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt, còn ít chú ý xem đối tượng tiếp thu được bao nhiêu, tiếp thu được những gì, do vậy hiệu quả của việc giáo dục pháp luật đem lại thấp.

Về hình thức câu lạc bộ, tuy các báo cáo viên pháp luật có tham gia sinh hoạt, song chưa thật thường xuyên, đồng thời cũng chưa thật say sưa tâm huyết, chưa dành nhiều thời gian cho việc sinh hoạt ở các câu lạc bộ.

Trên đây là những hạn chế chủ yếu trong hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua, phù hợp với đánh giá của UBND tỉnh Quảng Bình về hạn chế của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh nhà nói chung.

Một số ngành, địa phương, đơn vị chưa xác định rõ trách nhiệm của mình và chưa thực sự quan tâm đến công tác này, thiếu chủ động trong việc triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc triển khai không thường xuyên, mang tính hình thức; sự phối hợp giữa cơ quan chuyên trách và cơ quan liên quan đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thiếu chặt chẽ và đồng bộ; chưa thực sự hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật còn nghèo, kinh phí, phương tiện bố trí cho công tác này còn hạn chế [82, tr.1].

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở tỉnh Quảng Bình hiện nay pdf (Trang 50 - 52)