Đổi mới nội dung giáo dục pháp luật

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở tỉnh Quảng Bình hiện nay pdf (Trang 68 - 69)

Việc xác định nội dung cụ thể, thiết thực để các báo cáo viên pháp luật tiến hành giáo dục pháp luật có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, mục tiêu giáo dục. Hiện nay, nội dung hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở Quảng Bình vẫn còn nhiều điểm bất cập, vì vậy việc đổi mới nội dung hoạt động giáo dục pháp luật là một việc làm rất cần thiết.

Nhược điểm lớn nhất trong hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật là nặng về lý thuyết, các báo cáo viên pháp luật khi phổ biến giáo dục pháp luật chủ yếu cung cấp cho đối tượng người nghe những điều luật, những quy định mang tính chất chung chung, làm cho người nghe nhàm chán. Đồng thời, mỗi báo cáo viên chuẩn bị nội dung theo ý thích của mình, do vậy có nhiều phần trọng tâm cơ bản của văn bản pháp luật lại không giới thiệu, chủ yếu giới thiệu những vấn đề chung chung, không gắn thiết thực với cuộc sống.

Nội dung hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật cần được đổi mới theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật mà còn phải mang tính thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nội dung giáo dục pháp luật nhằm trang bị cho đối tượng người nghe những nguyên lý lý luận, phương pháp luận cần thiết, làm cơ sở cho họ trong việc nâng cao khả năng nhận thức và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác.

Để đảm bảo nội dung hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật thống nhất, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp cần có hướng dẫn về nội dung giáo dục pháp

luật, tránh tình trạng mỗi báo cáo viên đưa một nội dung khác nhau. Mặc dù sổ tay báo cáo viên pháp luật đã được xuất bản song vẫn chưa đủ và chưa thường xuyên.

Trên cơ sở nội dung, chương trình giáo dục pháp luật chung do Bộ Tư pháp ban hành, các báo cáo viên pháp luật khi phổ biến giáo dục pháp luật cần phải biên soạn lại cụ thể phù hợp với đặc điểm, điều kiện, trình độ nhận thức, tính chất công việc của từng đối tượng cụ thể như:

Đối với nhân dân, nội dung phải đi từ những vấn đề rất cụ thể và đơn giản sau đó mới đi đến những quy định khái quát.

Đối với cán bộ, công chức là phụ nữ: cần tập trung nội dung giáo dục vào lĩnh vực như pháp luật về lao động, về bảo hộ lao động, quy định đối với lao động nữ, Luật Hôn nhân và gia đình; các quyền, nghĩa vụ của phụ nữ trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội…

Đối với thanh niên, nội dung cần tập trung vào lĩnh vực Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống ma tuý, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính…

Bên cạnh những nội dung pháp luật mang tính chất quy định chung, các báo cáo viên pháp luật cần chuẩn bị các văn bản hướng dẫn cụ thể như: nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị, từ đó giúp cho đối tượng giải quyết những vấn đề cụ thể từ thực tiễn đặt ra.

Định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng phải tiến hành sơ kết, đánh giá lại nội dung giáo dục pháp luật, từ đó để có cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xác định nội dung chung, nội dung cụ thể phù hợp cho từng đối tượng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoạt động giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở tỉnh Quảng Bình hiện nay pdf (Trang 68 - 69)