Hiện nay các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại thị trường Việt Nam ngày càng được hưởng một môi trường kinh doanh lành mạnh và thông thoáng, do có sự quan tâm rất lớn từ nhà nước Việt Nam. Số lượng các công ty, các doanh nghiệp gia tăng nhanh trong những năm gần đây, khi quy chế kinh doanh đơn giản hơn, rõ ràng hơn. Ngoài ra, Nhà nước, bộ Thương Mại ngày nay rất quan tâm đến vẫn đề xây dựng thương hiệu tại thị trường Việt
Nam. Vì vậy, sự phát triển của ngành PR là rất rộng mở dưới sự ủng hộ của nhà nước và sự thúc đẩy của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Hơn nữa, tại Việt Nam, trong xã hội mà tiếng nói của mỗi cá nhân ngày càng được coi trọng, con người có quyền và thích được bày tỏ quan điểm, thì những hoạt động giao tiếp với các tầng lớp công chúng cũng ngày càng đa dạng. Hoạt động PR theo đó cũng có một môi trường thuận lợi để phát triển, đồng thời điều đó cũng đặt ra yêu cầu cho hoạt động PR phải đúng đắn, chuyên nghiệp nếu không muốn bị công chúng phê phán, tẩy chay.
Trong vài năm gần đây, cùng với sự phát triển của ngành PR, số lượng các công ty PR và công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp và các phòng ban PR nội bộ doanh nghiệp được thành lập gia tăng đáng kể. Sự phát triển đó đòi hỏi phải có sự quản lý bằng văn bản pháp luật để bảo vệ quyền lợi của những công ty này, đồng thời điều chỉnh hoạt động PR để không vi phạm luật pháp Việt Nam, không đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc và không cản trở sự phát triển của nhau.
Hiện nay chưa có một văn bản pháp lý chính thức nào quy định về hoạt động PR nhưng đã có một số văn bản quy định có liên quan đến các công cụ của PR và một vài hoạt động thuộc PR. Do vậy hiện nay, có thể coi hoạt động PR chịu sự điều chỉnh của những quy định này.
Điều 30 Hiến Pháp năm 1992 đã quy định: Sách, báo cũng là một loại hình văn hoá phẩm đặc biệt, do vậy khi thực hiện các kế hoạch PR thông qua những kênh này cũng phải lưu ý nội dung và hình thức – không được chứa đựng tư tưởng phản động, đồi truỵ, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Thông tư 65/BC ngày 06/10/1995 của Bộ Văn Hoá Thông Tin hướng dẫn thi hành Nghị định 133/HĐBT về họp báo và một số văn bản quy định về việc cung cấp thông tin lên mạng Internet.
Pháp lệnh về Quảng cáo được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X thông qua ngày 16-11-2001, điều chỉnh hoạt động quảng cáo, điều 9 có quy định những phương tiện quảng cáo bao gồm khá nhiều công cụ của PR như: báo chí gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử;
mạng thông tin máy tính; xuất bản phẩm gồm cả phim, ảnh, băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh; chương trình hoạt động văn hoá thể thao; hội chợ triển lãm; bảng, biển, pa-no, băng rôn, màn hình đặt nơi công cộng… Như vậy, có thể thấy khá nhiều công cụ của PR được điều chỉnh bởi pháp lệnh này. Tuy nhiên, sử dụng văn bản pháp lệnh về quảng cáo để điều chỉnh hoạt động PR càng làm cho nhiều người tưởng lầm PR là quảng cáo, cần có một hành lang pháp lý cho hoạt động PR trước sự phát triển nhanh chóng của ngành này.
Cách đây không lâu đã xảy ra vụ khủng hoảng sản phẩm Knorr của công ty Unilever. Chỉ vì sơ suất trong khâu kiểm duyệt mẫu bao bì, mẫu mã mà toàn bộ chiến dịch tiếp thị sản phẩm Knorr “tự nhiên hơn bột ngọt” bị phá sản. Tiếp đó là vụ khủng hoảng của một loạt những thương hiệu khác như: nước tương Chin-su, sữa Nestle, game “Võ lâm truyền kỳ”… Có một nguyên nhân đáng lo ngại: sự tham gia của các công ty PR trong việc khai thác sai lầm của đối thủ. Như đã có trình bày ở trên, các công ty PR không chỉ đánh bóng quá mức sự thật mà còn là công cụ tung tin đồn thất thiệt, nói xấu… để ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đối thủ. Do ngành PR còn khá mới, nhiều công ty PR đã lợi dụng khe hở pháp luật để kiếm lợi mà đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của PR. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt đó, kiến nghị lớn nhất của những doanh nghiệp làm PR chân chính là cần có một hành lang pháp lý cho hoạt động này. Chính phủ đã có văn bản luật quy định về hoạt động quảng cáo, đã có luật kinh doanh bảo hiểm để phạt những cá nhân có hành vi lừa đảo khách hàng hay cạnh tranh bất chính, thì cũng đến lúc cần phải có bộ luật tương tự cho hoạt động PR.