Về nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh hoạt động PR cho sản phẩm kỹ thuật số tại Việt Nam (Trang 45 - 47)

Những năm gần đây, nghề PR đang dần lên ngôi ở Việt Nam. Truớc đây, ngành này chưa được đào tạo bài bản tại các trường Đại học, nguồn tuyển dụng chính của các công ty vẫn là những sinh viên báo chí và những người làm trong ngành báo chí. Nhiều công ty chủ động mời các nhà báo về làm PR cho mình, vì cho rằng họ đã có sẵn những mối quan hệ trong ngành truyền thông, rất có lợi cho hoạt động PR. Điều này cũng khá dễ hiểu, vì trên thế giới tình trạng này cũng đã và đang diễn ra, đa số các PR chuyên nghiệp đều xuất thân từ ngành báo.

Trong các doanh nghiệp, nhân sự cho công tác PR đôi khi là những người của bộ phận Marketing hoặc quan hệ đối ngoại, hoặc quảng cáo. Trong các công ty coi trọng PR thì cũng chỉ có một vài người phụ trách PR mà rất ít công ty có một phòng PR đầy đủ và chuyên về làm PR.

Tác giả khoá luận có tham khảo một số tài liệu về những nhân viên PR thành công tại Việt Nam và nhận thấy nhìn chung những nhân viên PR đều năng động, giỏi giao tiếp, trẻ trung (từ độ tuổi 20 -35). Những nhân viên PR bắt đầu với những nghề rất khác nhau, nhưng sau đó bị cuốn hút và dấn thân vào nghề PR đầy vất vả cũng như đầy đam mê và sáng tạo. Các nhân viên PR đa số đều tốt nghiệp ở một vài ngành, trường như Đông Phương học, Marketing, Ngoại ngữ, Nhân văn, Báo chí hay một số trường kinh tế như Ngân Hàng, Kinh Tế, Ngoại Thương... Hiện nay PR được coi là một trong những nghề “hot” nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nghề PR đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, ngoài những yêu cầu về óc sáng tạo, sự bền bỉ, khả năng giao tiếp và kiến thức rộng, những kỹ năng nắm bắt, cập nhật, thẩm định và phân tích thông tin là không thể thiếu được. Do phần lớn là không được đào tạo cơ bản, các nhân viên PR gặp khá nhiều khó khăn vất vả và phải mất một vài năm để làm quen với công việc. Điều này gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng các hoạt động PR chất lượng chưa cao, chưa chuyên nghiệp hiện nay như đã nói ở trên.

Trước đây, các cơ sở, tổ chức đã tổ chức các khoá ngắn hạn, đạo tạo trực tiếp các kỹ năng của PR. Tại Hà Nội, một số trung tâm giáo dục như THAME hay Victoria có cấp chứng chỉ đào tạo PR. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên Cứu Châu Á bắt đầu dạy khoá học PR theo trình độ quốc tế chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên từ các viện nghiên cứu, nhà báo, chuyên gia trong các lĩnh vực giao tế, lễ tân ... Họ giảng dạy một số nội dung như: quan hệ với báo chí, chính quyền, tổ chức họp báo, quảng cáo, phát biểu trước công chúng…

Khoa Thương Mại du lịch trường ĐH Kinh Tế TP Hồ Chí Minh cũng có mở các khoá ngắn hạn. Học viên được học qua các kiến thức căn bản về tổ chức sự kiện, viết thông cáo báo chí, quan hệ ...

ĐH Quốc tế RMIT cũng thường xuyên đạo tạo PR theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Từ năm 2006, ngành PR được chính thức đào tạo chính quy bậc đại học ở Việt Nam, tại Học viện Báo chí và tuyên truyền. Chương trình chuyên ngành này sẽ có những môn học như: chiến lược quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, thông tin nội bộ và cộng đồng, so sánh truyền thông, tạo dựng và quảng bá hình ảnh...

Như vậy, mặc dù nhân viên PR hiện nay chưa có trình độ chuyên nghiệp cao như các quốc gia có ngành PR phát triển, nhưng nguồn nhân lực trẻ dồi dào cho thấy một tương lai phát triển chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn cho ngành PR Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh hoạt động PR cho sản phẩm kỹ thuật số tại Việt Nam (Trang 45 - 47)