- Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics nhằm
3.2.1.2 Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động Logistics:
Theo phân tích ở Chương 2, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành logistics còn yếu về cả chất lượng và số lượng, chưa đáp ứng được cho nhu cầu phát triển của ngành.
Mục tiêu giải pháp:
- Đào tạo nguồn nhân lực cao hơn về chất lượng và nhiều hơn về số lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng nhanh chóng của ngành logistics.
- Nâng cao trình độ của nguồn nhân lực giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tuyển được nhân viên giỏi giảm áp lực về chất lượng nhân viên.
- Đào tạo được nguồn nhân lực giỏi phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước trong hoạch định chiến lược phát triển ngành hiệu quả.
- Hỗ trợ thực hiện các giải pháp khác đạt hiệu quả cao nhất.
Đứng trước những cơ hội và thách thức mới, chúng ta cần phải có một chiến lược tổng thể về đào tạo nguồn nhân lực trong đó bao gồm các mục tiêu, lộ trình thực hiện và quan trọng hơn hết là phải được hiện thực hóa bằng các giải pháp cụ thể như cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo.
- Trước hết, cần tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ quản lý và cán bộ giảng dạy thông qua các chương trình liên kết với nước ngoài nhằm giữ và thu hút người tài tham gia công tác đào tạo. Chương trình đạo tạo có thể được “nhập khẩu” từ các chương trình tiên tiến của nước ngoài nhưng phải được rà soát, xây dựng lại trên cơ sở nhu cầu thực tế. Song song đó, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, huấn luyện cũng phải được đầu tư thích hợp thì chương trình đào tạo mới phát huy được hiệu quả.
- Các cơ sở đào tạo cũng nên liên doanh, liên kết với nhau hoặc tham gia vào các hiệp hội chuyên ngành quốc tế để tiếp cận và trao đổi những kiến thức và kinh nghiệm tiên tiến về đào tạo, huấn luyện. Cần có sự gắn kết, phối hợp giữa các trường đào tạo và các công ty giao nhận, các hãng tàu lớn nhằm đảm bảo chương trình giảng dạy được ứng dụng vào thực tiễn một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất.
- Hiện nay các tập đoàn vận tải lớn trên thế giới đều sử dụng chiến lược tìm kiếm nguồn nhân lực từ các trường đại học, đó là các sinh viên đang học năm thứ nhất, nhì với các chương trình cấp học bổng và cam kết nhận thực tập, đào tạo ngay khi chính sinh viên đó mới ra trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang áp dụng những qui trình tuyển dụng xưa cũ, chỉ tuyển chọn những người đã có nhiều năm kinh nghiệm hoặc tối thiểu là những sinh viên mới ra trường. Không muốn tốn kém chi phí cho đào tạo nguồn nhân lực, vì thế phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều phàn nàn là thật khó để tìm ra được những sinh viên mới ra trường mà đáp ứng được các yêu cầu tuyển chọn. Do vậy, đầu tư cho nguồn nhân lực ngay từ ban đầu, đồng thời có thêm những ưu đãi, thăng tiến xứng đáng cho nguồn nhân lực cấp cao sẽ là các giải pháp đúng đắn cho các doanh nghiệp logistics trong nước.
- Để phần nào khắc phục thực trạng yếu và thiếu về nguồn nhân lực trong thời gian qua, VIFFAS đã và đang kết hợp với các hiệp hội giao nhận các nước ASEAN (AFFA), các chương trình của Bộ Giao thông vận tải, tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ giao nhận, gom hàng đường biển, liên kết với trường Cao đẳng Hải quan mở lớp đào tạo về đại lý khai hải quan, cấp bằng, chứng chỉ cho các hội viên tại TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Hiện nay VIFFAS đã có liên kết với công ty truyền thông Phương Nam tổ chức các khóa học về logistics tương đối hiệu quả, cần phát huy hơn nữa để có thể phục vụ cho nhu cầu logistics đang tăng trưởng nhanh như hiện nay.
- Trong dài hạn, các trường đại học và cao đẳng kinh tế nên xem xét mở các bộ môn và khoa logistics, tìm kiếm các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế cho các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn, tranh thủ hợp tác với các tổ chức FIATA, và các tổ chức phi chính phủ khác để có nguồn kinh phí đào tạo thường xuyên hơn. Bên cạnh đó các trường Đại Học nên liên kết với các trường Đại Học trên thế giới chuyên về logistics để đào tạo chuyên ngành này trong trường đại học. Để chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn, các doanh nghiệp có thể thông báo cho Hiệp hội về nhu cầu đào tạo, các lĩnh vực quan tâm cũng như mời các chuyên gia kinh nghiệm đào tạo nội bộ doanh nghiệp.
Thực hiện tốt các giải pháp có tính định hướng nói trên sẽ góp phần tăng cường xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics ở nước ta, là tiền đề cho sự phát triển và tăng cường mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập WTO cũng như sự phát triển của ngành logistics.
Tính khả thi của giải pháp:
Người Việt Nam có tố chất thông minh và truyền thống cần cù, ham học hỏi. Chỉ cần có định hướng đúng đắn thì giải pháp này sẽ được thực hiện hiệu quả nhất.