MẶT HÀNG CHỦ LỰC CỦA VIỆT NAM TRONG 2 NĂM 2001-2002
1. Năm 2001
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ đạt 17,5 tỷ USD, bằng 90,4% kế hoạch, tăng 5,1% so với năm 2000, trong đó:
Xuất khẩu hàng hoá đạt 15,1 tỷ USD, bằng 90,1% kế hoạch, tăng khoảng 4,5% so với năm 2000. trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 8,352 tỷ USD, bằng 89,2% kế hoạch, tăng 9,2% và của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,748 tỷ USD, bằng 91,2% kế hoạch, giảm 0,9% so với năm 2000.
Xuất khẩu dịch vụ đạt 2,4 tỷ USD, bằng 92,3% kế hoạch, tăng khoảng 9,1% so với năm 2000.
Năm 2001 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá không đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Tốc độ xuất khẩu năm 2001 đạt 4,5%.
Giá cả của nhiều hàng hoá trên thị trường thế giới giảm mạnh làm cho giá xuất khẩu của ta bị giảm như: hạt tiêu giảm 39,3%, cà phê 38%, hạt điều 28,3%, dầu thô 17,5%, gạo 13,7%, giá gia công hàng dệt may giảm bình quân 15-20%, thậm chí có chủng loại giảm tới 30%... nên lượng xuất khẩu tăng nhanh nhưng lại giảm về giá trị hoặc kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng lại tăng chậm hơn lượng hàng xuất khẩu.
Cơ cấu hàng xuất khẩu tuy đã được cải thiện: tỷ trọng hàng qua chế biến tăng dần, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu; tỷ trọng nhóm nguyên liệu thô và sơ chế đã có xu hướng giảm dần nhưng mức giảm chưa đáng kể; tỷ trọng hàng chế tạo nhất lá sản phẩm công nghệ còn rất nhỏ, khả năng cạnh tranh còn thấp, còn ít mặt hàng mới với kim ngạch xuất khẩu lớn.
So với yêu cầu của thị trường, sức cạnh tranh của hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Đây là một tồn tại hết sức cơ bản tác động đến xuất khẩu nước ta năm 2001 và những năm tiếp theo.\
Tuy kim ngạch xuất khẩu tăng chậm, nhưng hoạt động xuất khẩu năm 2001 cũng đạt được một số thành tựu đáng lưu ý sau:
Xuất khẩu của nhóm hàng hoá ngoài dầu thô là chịu tác động mạnh của cơ chế, chính sách cũng như các giải pháp được đưa ra trong năm 2001, tăng trưởng tới 8,9% so với năm 2000.
Đa số các nông sản chủ lực đều được tổ chức tiêu thụ tốt, mức tăng trưởng khá về số lượng.
Kim ngạch của nhóm hàng hoá khác có kim ngạch từ 30 triệu USD trở lên như thực phẩm chế biến, hàng cơ khí, đồ gỗ... lại có tốc độ tăng trưởng 27,6%- mức cao nhất từ trước đến nay, tỷ trọng nhóm hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 21% năm 2000 lên tới 26% năm 2001.
Công tác tìm kiếm và mở rộng thị trường có nhiều tiến bộ. Số lượng các hợp đồng Chính phủ đã tăng lên. Công tác đàm phán để mở rộng thị trường được coi trọng, nhờ vậy thị trường truyền thống tiếp tục được mở rộng và số thị trường mới ngày càng càng tăng.
2. Năm 2002
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2002 đạt 16.530 triệu USD, tăng 10%, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 8.761 triệu USD tăng 6,5%, của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7.769 triệu USD, tăng 4,3%.
Về khối lượng hàng hoá xuất khẩu: cả năm, tăng 11,6% (góp phần tăng 1.476 triệu USD), trong đó 5 tháng đầu năm xấp xỉ cùng kỳ, nhiều mặt hàng giảm sút hoặc tăng chậm, nhưng từ tháng 6 tăng nhanh như: thuỷ sản, cao su, hạt tiêu, nhân điều, chè...
Tốc độ xuất khẩu hàng hoá năm 2002 tăng 10%. Tốc độ xuất khẩu năm 2002 tăng 2,2 lần so với năm 2001 (4,5%). Nếu không kể dầu thô thì xuất khẩu hàng hoá tăng 11,8%, đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra.
Về giá xuất khẩu: cả năm, giảm 1,4% (làm giảm 243 triệu USD), một số mặt hàng giảm giá đáng lưu ý là: gạo, rau quả, hạt tiêu, điều nhân, linh kiện điện tử và máy tính.
Cơ cấu hàng xuất khẩu: tỷ trọng nhóm hàng chủ yếu tăng dần, nhóm hàng khác giảm dần, cụ thể là: nhóm hàng chủ yếu 6 tháng đầu năm chiếm 75% tổng kim ngạch, tốc độ tăng trưởng giảm 5% so với cùng kỳ năm 2001; cả năm chiếm 77%, tốc độ tăng trưởng tăng 13,1%.
Về thị trường: cơ cấu thị trường cũng chuyển dịch theo hướng tích cực; so với năm 2001, tỷ trọng của thị trường Châu Mỹ tăng từ 9,7% lên 95,9%, trong đó Hoa Kỳ tăng từ 7% lên 14%; Châu Đại Dương tăng từ 7,2% lên 8,1%; Châu Âu ổn định, giữ nguyên tỷ trọng; Châu á giảm từ 58,4% xuống 51,9%, Châu Phi giảm từ 1,2% xuống 0,8%.
Các tháng cuối năm tăng nhanh xuất khẩu vào: Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Irắc...Một số thị trường 6 tháng đầu năm giảm mạnh, nhưng 6 tháng cuối năm đã tăng khá như: Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore...
Các mặt hàng chủ lực: Gạo:
Xuất khẩu gạo năm 2002 đạt 3.241 ngàn tấn, đạt 726 triệu USD, bằng 86,9% về lượng và tăng 16,1% về trị giá.
Xuất khẩu gạo vào so thị trường chủ yếu, trong đó: khu vực Trung Đông chiếm gần 30% (năm 2001 chiếm 14%), khu vực Châu Phi chiếm 10% (năm 2001 chiếm 25%), các khu vực còn lại tỷ trọng tương đối ổn định so với 2001.
Xuất khẩu gạo giảm 13% về lượng và tăng 33,6% về giá, có khoảng 70% khối lượng xuất khẩu thông qua các hợp đồng Chính Phủ. Có nhiều thời điểm ta không đủ hàng xuất khẩu, do giá trong nước cao so với giá xuất khẩu.
Chất lượng hàng hoá xuất khẩu đã được nâng lên, vì vậy những tháng cuối năm giá xuất của ta tương đương với Thái Lan.
Gạo loại chất lượng cao khoảng 7% (năm 2001 chiếm 40%), loại chất lượng trung bình chiếm khoảng 85% (năm 2001 chiếm 15%), loại chất lượng thấp và loại khác chiếm khoảng 8% (năm 2001 chiếm 45%).
Thuỷ sản:
Xuất khẩu thuỷ sản năm 2002 đạt 2.024 triệu USD, tăng 13,8% và bằng 96,4% kế hoạch năm.
Xuất khẩu thuỷ sản vào 37 thị trường chủ yếu. Đang có sự chuyển dịch từ Trung Quốc, EU sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan. Hiện nay Việt Nam là một trong bốn nước hàng đầu xuất tôm và mực vào Nhật Bản.
Xuất khẩu tương đổi ổn định, bình quân mỗi tháng đạt khoảng 170 triệu USD, tăng 13%. Cơ cấu hàng hoá: tôm đông lạnh chiếm 46%, các loại khác chiếm 54%.
Giá xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và Trung Quốc tăng 4-5%, còn các thị trường khác ổn định.
Năm 2002 Việt Nam có 68 doanh nghiệp được xếp vào danh sách loại I xuất khẩu vào EU, có 105 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Cao su:
Xuất khẩu cao su năm 2002 đạt 444 ngàn tấn, đạt 263 triệu USD, tăng 44,2% về lượng và 58,6% về trị giá.
Xuất khẩu cao su sang 34 thị trường chủ yếu: 10 thị trường có tỷ trọng lớn nhất là: Trung Quốc 32,9%, Singapore 14,3%, Đài loan 5,9%, Malaysia 5,8%, Hàn Quốc 5,4%, Nhật Bản 3,9%, Đức 3,7%, Hoa Kỳ 3,5%, Hồng Kông 3,2%, Tây Ban Nha 2%. Cả 10 thị trường này đều tăng trưởng so với năm 2001, nhất là Hoa Kỳ, Hồng Kông, Malaysia, Nhật Bản, Singapore.
Giá xuất khẩu so với năm 2001 tăng 10%, tương đương 23 USD/tấn. Kể từ 20/11/2002, phụ thu xuất khẩu mủ cao su là 10% (tăng 4%).
Cà Phê:
Xuất khẩu cà phê năm 2002 đạt 710 ngàn tấn, đạt 315 triệu USD, bằng 76,3% về lượng và 86,3% về trị giá.
Xuất khẩu cà phê vào 35 thị trường chủ yếu. Cơ cấu thị trường tương đối ổn định. Trong 12 thị trường có tỷ trọng lớn nhất (có tỷ trọng từ 3,3% đến 15%) có 9 thị trường giảm là: Đức, Hoa Kỳ, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Anh, Thụy Sỹ, Hà Lan và 3 thị trường tăng là: Ba Lan, Philipin, Italia.
Giá xuất khẩu không ổn định, bình quân 10 tháng đầu năm đạt 414,5 USD/tấn, các tháng cuối năm giá khoảng 500-600 USD /tấn, tăng khoảng 80-100 USD/ tấn.
Khối lượng xuất khẩu cà phê tăng chậm chủ yếu do nông dân găm hàng chờ giá lên, doanh nghiệp thiếu vốn mua gom để dự trữ, cộng với tâm lý nông dân nợ tiền doanh nghiệp, nếu bán hàng sợ bị doanh nghiệp trừ nợ.
Hạt tiêu:
Năm 2002 xuất khẩu hạt tiêu đạt 77 ngàn tấn, đạt 108 triệu USD, tăng 35,4% về lượng và 18,45 về trị giá.
Xuất khẩu hạt tiêu vào 32 thị trường chủ yếu, 4 thị trường có tỷ trọng lớn nhất là: Hoa Kỳ 15,3%, Hà Lan 13,5%, Singpore 10,2%, Đức6,9%. Thị trường đang có sự chuyển dịch từ Singapore, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Trung Quốc...sang Hoa Kỳ, Hà Lan, LB Nga.
Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 2 về sản lượng và đứng đầu thế giới về khối lượng xuất khẩu.
Giá xuất khẩu thấp hơn các nước khác 20-30%. 70% khối lượng phải xuất qua nước thứ 3.
Dầu thô:
Xuất khẩu dầu thô năm 2002 đạt 16,872 triệu tấn, đạt 3,270 tỷ USD, tăng 0,8% về lượng và 4,6% về trị giá.
Dầu thô được xuất sang 9 thị trường chủ yếu. Tăng xuất khẩu vào Ôxtrâylia, Malaysia, Trung Quốc; giảm xuất khẩu vào Nhật Bản, Hoa Kỳ, Inđonêsia, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore.
Giá xuất khẩu biến động liên tục. Bình quân năm 2002 đạt khoảng 193,8 USD/tấn (25,8u/thùng), so với năm 2001 tăng 7 USD/tấn (0,93 USD/thùng).
Giày dép:
Xuất khẩu giày dép năm 2002 đạt 1.828 triệu USD, tăng 17,2% và bằng 96,2% kế hoạch năm.
Xuất khẩu giày dép sang 154 thị trường, trong đó 39 thị trường chủ yếu. Đang có sự chuyển dịch từ Bỉ, Nhật Bản, Đài Loan sang Anh, Đức, Hoa Kỳ, Hà Lan, Italia...EU vẫn là thị trường chủ yếu ( chiếm khoảng 80%) đang có xu hướng tăng cả về khối lượng và giá trị.
5 thị trường có tỷ trọng lớn nhất đều tăng trưởng nhanh là: Anh chiếm 17,4% (tăng 29,4%), Đức chiếm 13,3% (tăng 21,7%), Hoa Kỳ chiếm 10,8% (tăng 75,7%), Hà Lan chiếm 9,8% (tăng 20,9%). Một số thị trường có tỷ trọng nhỏ nhưng tăng trưởng nhanh là: Mexico chiếm 1,7% (tăng 59%), Canada chiếm 1,6% (tăng 46,8%), Hy Lạp chiếm 1% (tăng 94%)...
Có 464 đơn vị tham gia xuất khẩu.
Hàng dệt may:
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2002 đạt 2.710 triệu USD, tăng 37,2% và bằng 112,9% kế hoạch năm.
Xuất khẩu vào 42 thị trường chủ yếu, đang có sự chuyển dịch từ EU, Nhật Bản sang Hoa Kỳ, Nga, Canada. Thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn, đang mở rộng buôn bán với Việt Nam (cả năm khoảng 900 triệu USD).
Hàng gia công chiếm khoảng 80% với nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Những tháng cuối năm 2002 giá xuất khẩu và gia công may mặc tăng khoảng 10-20% so với các tháng đầu năm.
Các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu từng bước áp dụng các tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, ISA 8000. Tổ chức liên kết giữa các công ty dệt may Trung ương và địa phương trong việc thực hiện các đơn hàng lớn,
Hàng thủ công mỹ nghệ:
Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2002 đạt 328 triệu USD, tăng 39,5% và bằng131,2% kế hoạch năm.
Xuất khẩu vào 38 thị trường chủ yếu, trong đó có 23 thị trường kim ngạch tăng trưởng trên 20%. Cơ cấu thị trường nhìn chung ổn định. Có 10 thị trường tỷ trọng lớn nhất là: Pháp (15,4%), Nhật Bản (13,2%), Hoa Kỳ(9,7%), Đức (8,2%), Hồng Kông (6,7%), Anh (5,9%), Đài Loan (5,7%), Hà Lan (4,3%), Ôxtralia (3,9%), Hàn Quốc (3,7%), Tây Ban Nha (2,3%).
Nhiều thị trường, nhất là Nhật Bản đánh giá mẫu mã, mã hàng của ta phong phú, đa dạng, tinh xảo hơn hàng Trung Quốc, đáp ứng được yêu cầu của tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp ký được các hợp đồng xuất khẩu dài han (nếu tổ chức tốt công tác xúc tiến thị trường thì tăng trưởng có thể còn cao hơn).
Các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan xúc tiến thương mại của Nhà nước mở nhiều gian hàng ở nước ngoài, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ
của Việt Nam và cung cấp thông tin thị trường ngoài nước cho các doanh nghiệp.
3.Nhiệm vụ các năm 2003-2005
Tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 71.134 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 16%. Trong đó: Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn trong nước ước đạt 50.959 triệu USD với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 14%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 19.975 triệu USD với tốc độ tăng trưởng bình quân là 21,8%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực: Gạo:
Dự kiến xuất khẩu gạo các năm 2003-2005 đạt 15.000 ngàn tấn, về trị giá đạt 3750 triệu USD. Gạo có sự chuyển dịch từ Singapore, Philipin, Malaysia sang Inđônêsia, Irắc.
Cà phê:
Dự kiến xuất khẩu cà phê đạt 1825 ngàn tấn, về trị giá đạt 2190 triệu USD.
Nhân điều:
Dự kiến xuất khẩu nhân điều đạt 88 ngàn tấn, về trị giá đạt 439 triệu USD.
Cao su:
Dự kiến xuất khẩu cao su đạt 1145 ngàn tấn, về trị giá đạt 916 triệu USD.
Chè :
Dự kiến xuất khẩu chè đạt 156 ngàn tấn, về trị giá đạt 218 triệu USD. Hạt tiêu:
Dự kiến xuất khẩu hạt tiêu đạt 175 ngàn tấn, về trị giá đạt 615 triệu USD. Hạt tiêu có sự chuyển dịch từ Singapore, Các tiểu vương quốc ả rập thống nhất, Trung Quốc sang Hoa Kỳ, Hà Lan, LB Nga.
Dự kiến xuất khẩu thuỷ hải sản đạt 5350 triệu USD.
Hàng dệt may:
Dự kiến xuất khẩu hàng dệt may đạt 10.475 triệu USD. Xuất khẩu hàng dệt may có sự chuyển dịch từ EU, Nhật Bản sang Hoa Kỳ, Nga, Canada.
Giày dép:
Dự kiến xuất khẩu giày dép đạt 8024 triệu USD. Xuất khẩu giày dép có sự chuyển dịch từ Pháp, Bỉ sang Đức, Hoa Kỳ.
Hàng thủ công mỹ nghệ:
Dự kiến xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 1246 triệu USD.
Dầu thô:
Dự kiến xuất khẩu dầu thô đạt 36000 ngàn tấn, về trị giá đạt 54.000 triệu USD.
Hàng điện tử và linh kiện máy tính:
Dự kiến xuất khẩu hàng điện tử và linh kiện máy tính đạt 5941 triệu USD.