Giải pháp về nguồn nhân lực:

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành phát triển các khu công nghiệp và tác động của nó đến sự phân bố nguồn lao động tỉnh Bình Dương (Trang 72 - 74)

II. NHỮNG KIẾN NGHỊ VỀ GIẢI PHÁP 1.Những giải pháp chính:

1.3.Giải pháp về nguồn nhân lực:

Đào tạo nguồn nhân lực giữ vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với tỉnh ta đào tạo nguồn nhân lực vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa lâu dài. Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Dương thực hiện Nghị quyết 02 khóa VIII của Ban chấp hành Trung ương đã nhấn mạnh “Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nhân lành nghề, trẻ hóa và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có đủ đức tài, kiện toàn hệ thống tổ chức, cải tiến cách quản lý, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, mở rộng nguồn cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu của địa phương”.

Thực sự coi trọng đào tạo nghề là nhiệm vụ trọng tâm phát triển nguồn nhân lực, đồng thời coi đào tạo nghề cũng là bồi dưỡng nhân tài của tỉnh. Đào tạo nghề phải tăng nhanh về cả quy mô, chất lượng, hiệu quả và tạo ra cơ cấu lao động hợp lý cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển đào tạo nghề phải gắn với các ngành kinh tế, các vùng kinh tế, vùng dân cư và gắn với thị trường sức lao động theo quan hệ cung cầu trên địa bàn tỉnh. Song song

với việc đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động công nghiệp và dịch vụ cần phải chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông sản và các nghề truyền thống...

Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề nhằm thu hút mọi nguồn lực cho các hoạt động đào tạo nghề, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, các loại hình trường lớp. Người học nghề và sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng góp theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động chưa có việc làm, tạo việc làm mới cho người lao động mất việc làm trong quá trình sắp xếp lại lao động và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Đầu tư có trọng điểm để tạo nên bộ phận đào tạo nghề chất lượng cao làm chuẩn mực và để đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ có khả năng tham gia cạnh tranh trong thị trường sức lao động có yêu cầu và đòi hỏi cao.

Nhà nước cần tăng ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề, có cơ chế chính sách hợp lý, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động và sử dụng các nguồn lực trong và ngoài nước. Nguồn ngân sách Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư cho các cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ và cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Từ nay đến năm 2010 phải phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng theo hai luồng sau:

− Đào tạo nghề dài hạn để có đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề đủ khả năng tiếp cận và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Theo hướng này sẽ củng cố và nâng cao các trường dạy nghề trọng điểm của tỉnh.

− Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề ngắn hạn nhằm tạo cơ hội cho người lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm. Theo hướng này, có các hình thức đào tạo như: đào tạo nghề dịch vụ, chế biến nông sản tại các trung tâm dạy nghề và cơ sở dạy nghề ở huyện thị; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo các nghề truyền thống ở các làng nghề (sơn mài, gốm sứ).

Mục tiêu cụ thể: nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 20-22%, phấn đấu đào tạo nghề 8 – 9,5 ngàn lao động cho năm 2000, 10-15 ngàn cho giai đoạn 2001 – 2005 và 18-20 ngàn cho giai đoạn 2006-2010; nâng tỷ lệ sử dụng lao động nông thôn lên 75% và giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới mức 3,5%.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành phát triển các khu công nghiệp và tác động của nó đến sự phân bố nguồn lao động tỉnh Bình Dương (Trang 72 - 74)